Cửu trại câu

Hai tiếng bay từ Hà Nội tới Quảng Châu, hai tiếng nữa tới Trùng Khánh, rồi lại hơn hai tiếng bay nữa tới sân bay Cửu Trại Hoàng Long. Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, chỉ thấy trập trùng hàng trăm đỉnh núi băng tuyết trắng xóa. Hơn 80 km chậm chạp ô tô bò qua con đường núi ngoằn ngoèo ngập tuyết, cuối cùng tôi mới tới được Cửu Trại Câu, miền thung lũng được mệnh danh trên mọi cuốn sách du lịch là “The Fairy land on Earth” – Thiên đường nơi hạ giới, hay là miền đất của những câu chuyện thần tiên.

Xuân – Hạ – Thu – Đông

Cái tên Cửu Trại Câu đến từ 9 ngôi làng người Tạng nằm trong thung lũng. Trên bản đồ du lịch, Cửu Trại Câu giống như một chữ Y lớn, nhánh dưới là Thụ Chính câu, nhánh trái là Trắc Oa Câu, nhánh phải lả Nhật Trắc Câu. Mỗi nhánh dài chừng 20 – 40 km. Mỗi nhánh bao gồm hàng chục hồ lớn nhỏ và các thác nước,  rừng nguyên sinh, trong đó có nhiều hồ và thác đã nổi tiếng như hồ Ngũ Hoa (xuất hiện trong phim Anh hùng), thác Trân Châu (phim Tây du ký).

Vẻ đẹp thiên đường của miền thung lũng này chính là ở sự hài hòa tuyệt vời giữa mặt gương hồ yên bình trong vắt mang sắc xanh lục bảo lạ lùng như sắc biển Địa Trung Hải, với thác nước cuồn cuộn chảy, với núi cao xanh tuyết phủ, và với vô số loại cây soi bóng bên hồ hay dầm chân trong nước.

Mọi câu chuyện du lịch đều nói tới Cửu Trại Câu mùa thu, từ đầu tháng 10 tới giữa tháng 11, khi những khu rừng trên núi và rừng ngập nước từ từ chuyển màu. Mỗi loài cây mang một sắc màu thu khác nhau trên tán lá, từ sắc đỏ thắm tới vàng sậm, hồng tím, tím phớt, vàng nâu … Mùa thu, bầu trời xanh ngăn ngắt không gợn mây, trên đỉnh núi xa xa, những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi, và chỉ sau vài đêm, các đỉnh núi đã đầy tuyết trắng … Tất cả hòa sắc màu đó buông xuống tràn trề trên mặt hồ thinh lặng. Cảnh vật mùa thu ở đây hoàn toàn giống như trong những bức điểm họa tinh tế về phong cảnh thiên nhiên của các họa sĩ ấn tượng, gợi nhớ tới tranh của Monet hay Levital, nồng nàn mà lặng lẽ, mỗi góc nhỏ của thiên nhiên đều lấp lánh ánh sáng phản chiếu từ muôn ngàn sắc độ khác nhau. Khách du lịch thường bàng hoàng, sững sờ trước vẻ đẹp kỳ ảo đó, và với vô số bức ảnh chụp đẹp tuyệt vời, Cửu Trại Câu mùa thu đã trở nên huyền thoại.

Với người Tạng sinh sống ở khu vực này, thì Cửu Trại Câu lại đẹp hơn khi mùa xuân tới. Giống như cô gái dân tộc Naxi ở Lệ Giang đã nói với tôi, đẹp nhất để thăm núi Lệ Giang  là vào tháng 4. Có nét gì giống như các vùng Bắc Âu lạnh lẽo nơi tôi đã từng tới? Mùa đông băng giá qua đi, trời đất chuyển mình, tuyết tan, ánh nắng ấm áp của mùa xuân đánh thức cỏ cây. Và không gì đẹp bằng những bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Tháng 2 ở Cửu Trại Câu, hoa đào bắt đầu nở. Đào hoang dã nở khắp các bờ hồ, sắc hồng mịn màng tinh tế, lãng mạn, bên sắc trắng của tuyết.  Từ tháng ba, tuyết tan, các loài cây trở lại xanh tươi mơn mởn, và hoa nở khắp nơi, những loài hoa dại không tên đủ sắc màu. Vô vàn những bụi hồng leo quấn quít khắp lối đi trong rừng. Mùa xuân ở Cửu Trại Câu báo hiệu một mùa hè ấm áp hơn sắp tới, khi các thác nước tràn trề  chảy ngày đêm và làm đầy toàn bộ vùng thung lũng. Hương mùa hè của cỏ cây tràn ngập khắp nơi. Mùa hè, trái chín đỏ ối. Các loài thú hoang tự nhiên lang thang kiếm ăn. Cửu Trại câu bình an và được bảo vệ tuyệt vời đến nỗi các chú sóc, chú chim thản nhiên chạy quanh chân bạn hoặc đậu ngay cạnh du khách để ăn những mẩu bánh nhỏ.

Nhưng tôi lại tới Cửu Trại Câu vào mùa đông. Khi những con đường đã ngập tuyết. Những khu rừng không còn sắc màu. Hồ vẫn xanh trong lặng lẽ, chỉ còn phản chiếu bóng núi tuyết và bầu trời đông không gợn mây. Đi trên đường gỗ quanh co trong núi, nhìn suối từ từ chảy, lá rụng ngập đường từ từ đóng băng thành chiếc lá băng mỏng mảnh, thốt nhiên nhớ lại cảnh các nhà thơ thời Đường Tống, “bầu rượu túi thơ, áo cừu, đi thưởng tuyết”.  Mùa đông dường như là mùa dành riêng cho người nghệ sĩ yêu thích sự cô đơn, khi có thể một mình lang thang trong rừng vắng, cảm nhận hết vẻ đẹp của cái nhạt nhòa tinh khiết chung quanh. Tranh thủy mạc truyền thống Trung Hoa tôn sùng vẻ đẹp mùa đông, chỉ vài nét bút mực tàu mà nói lên hết được sự cô đơn trong trái tim người nghệ sĩ. Mùa đông, thác Trân châu đông cứng lại thành những dòng hạt kim cương lấp lánh cao hai ba mươi mét. Các dòng suối cũng đóng băng như dòng ngọc. Chỉ một màu trắng bao phủ. Chiều xuống, khi bên ngoài nhiệt độ tới -10oC, ngồi trong nhà hàng ấm áp, thưởng thức món thịt bò Yak nấu kiểu dân tộc với  thật nhiều ớt, một đĩa nấm tươi xào thơm mùi núi, và một âu cơm gỗ trắng tinh, thêm chút rượu dân tộc, là trọn vẹn cho một ngày mùa đông.

Nơi cuộc sống thực và huyền thoại hòa quyện:

Sinh sống ở Cửu Trại Câu hầu hết là người Tạng (Tibetian). Những khu làng người Tạng nằm trong khu bảo tồn lộng lẫy như hầu hết các làng dân tộc Tây Tạng, với đủ sắc màu. Nghệ thuật trang trí nhà của người Tạng bao gồm việc sơn vẽ toàn bộ nhà từ trong ra ngoài. Tất cả các bức tường nhà dù bằng gỗ hay xi măng, đều được phân chia thành vô số những bức tranh rực rỡ, màu đỏ thẫm hoặc trắng là chủ đạo, dùng làm nền, và trên đó là các hình hổ, bò Yak, thần thánh, Lạt Ma, Mandala, chuông cầu nguyện Tây Tạng … Ngoài sân chăng đầy dây cờ hoặc hàng chục cột cờ phướn đủ màu sắc. Người Tạng ở đây sống giản dị, cho dù đã tiếp cận cuộc sống hiện đại như lái xe ô tô và dùng nước nóng từ năng lượng mặt trời, nhưng họ vẫn giữ nguyên hầu hết những truyền thống cũ như ngôn ngữ (nói tiếng Tạng), tôn giáo, đồ may mặc, mỹ nghệ, thờ cúng và tôn sùng các vị Lạt ma và Rinpoche (các tu sĩ Phật giáo Tây tạng).

Làng Shuzheng, trên nhánh Thụ chính câu, là điểm dừng chân của hầu hết du khách, để thưởng thức món trà bơ truyền thống của người Tạng. Tôi lại thích ngôi làng nhỏ nằm ngay giao điểm chữ Y của thung lũng. Ngôi làng ít du khách, nhưng thật đẹp và thanh bình, với vài gia đình người Tạng sinh sống, nơi ta có thể nếm thứ mật ong ngon nhất trên đời, đặc sánh như cháo, hoặc thưởng thức nấm rừng tươi nướng, bên hàng hiên ngôi nhà rực rỡ màu, nhìn ra khoảng sân gió cuốn những dải cờ bay phần phật.

Vô sô huyền thoại ở Cửu trại câu liên quan tới các vị thần thánh và ma quỷ (mà người Tạng vẫn tin và thờ cúng). Câu chuyện “đáng yêu” nhất có lẽ là chuyện cổ về Hồ Ngũ Hoa, rằng vị nữ thần của thung lũng thích gội đầu bên hồ, và vị nam thần, chồng của nàng, mang nước đến để nàng gội. Mỗi lần đi lấy nước, vị thần phải đi lên và xuống hết 189 bậc đá. Cho tới bây giờ, các cặp tình nhân yêu nhau vẫn tới đây và tin rằng nếu họ cùng đi hết 189 bậc và ước nguyện cho tình yêu thì sẽ được mãi mãi bên nhau.

Những điếm đến thú vị nhất ở Cửu Trại Câu:

–          Thác Trân Châu: Thác Trân châu nổi tiếng từ bộ phim Tây du ký, cảnh giới thiệu phim khi thầy trò Đường Tăng bắt đầu chuyến du hành. Thác Trân châu rộng 310m, cao tới 40m, là một trong hai thác nước lớn nhất. Thác Trân Châu đẹp nhất khi nhìn từ trên cao, với cả một triền nước rộng mênh mông tới hàng ngàn mét vuông chảy qua bãi đá bạt ngàn cây dại, và đổ xuống thành một dòng thác bạc dữ dội, tung ra những trận mưa bọt nước li ti lấp lánh dưới nắng.

–          Thác Nặc Nhật Lang: Nằm ngay giao điểm ngã ba chữ Y, thác Nặc Nhật Lang cũng kỳ vĩ không kém gì thác Trân châu, rộng tới hơn 300 m và cao gần 30m. Thác Nặc Nhật Lang duyên dáng hơn thác Trân châu nhờ khá nhiều cây mọc và trên đỉnh thác là các lớp hồ nối tiếp nhau, nên dòng nước đổ xuống êm ái hơn, thanh bình hơn.

–          Hồ Ngũ Hoa, hồ Hoa Hải: Nổi tiếng bởi mặt nước có tới 5 sắc độ màu khác nhau từ xanh rêu, xanh lục bảo, xanh da trời, đỏ tím và vàng. Sáng sớm, lúc bình minh lên là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm hồ, khi ánh ban mai từ đỉnh núi chạy xuống mặt nước và từ từ tỏa chiếu sáng mặt hồ, tạo nên từng lớp sắc màu cuốn qua nhau, cảnh tượng này được coi là cảnh ấn tượng nhất ở khu du lịch này.

–          Hồ Thiên Nga: Hồ Thiên Nga nằm khá cao trên nhánh Nhật trắc câu. Hồ thanh bình, rộng và bao quanh bởi vô số ngọn núi thông

tuyết phủ chất ngất. Đây là nơi mùa hè có thể thấy những chú thiên nga trắng muốt thong thả bơi.

–          Kính Hồ (Hồ Gương): Mặt nước trong vắt không gợn sóng, là nơi bạn có thể chụp một bức ảnh núi hoặc cây cỏ soi bóng trên hồ mà người xem không thể biết góc chụp từ đâu, trời nước phản chiếu như trong tấm gương màu lục thủy.

Bình luận

comments