Tây Bắc mùa xuân

Tháng 3 vừa rồi, tôi được một đám bạn hữu rủ lên Tây Bắc để … săn hoa hồng cổ. Chẳng suy nghĩ nhiều, sau một cái tặc lưỡi bất chấp nỗi ngại ngần khi nghĩ tới quãng đường rừng núi cả mấy trăm cây số quanh co, tôi leo lên chiếc xe thùng và thẳng tiến Lai Châu, khám phá những cung đường nghe từ lâu mà chưa bao giờ được đích thân khám phá.

Thiên nhiên kỳ thú

Thay bằng chạy theo đường cao tốc Lào Cai mới toanh, thẳng tắp và nhàn nhã, Hoàng, cậu chủ doanh nghiệp gỗ, đồng thời kiêm vai trò tài xế nhờ kinh nghiệm gần chục năm lăn lộn lái xe dọc ngang Tây Bắc, thuộc lòng từng cung đường – đã dẫn chúng tôi chạy theo đường cũ. Từ Sơn Tây, xe chạy qua những đồi chè xanh ngắt vùng Nghĩa Lộ – Tú Lệ, Mù Cang Chải, Than Uyên, Tam Đường …để tới Lai Châu.  Bây giờ hầu hết xe chạy đường mới nên cung đường 32 trở nên vắng vẻ. Cậu lái xe miệng tía lia kể chuyện ngày xưa đi làm thủy điện, đi đào vàng, đi khai thác gỗ … ở vùng này như thế nào.

Thiên nhiên Tây Bắc thật đẹp. Con đường dài hun hút chạy qua những đồi chè lớp lớp trong sương sớm, bám theo vách núi, cao hơn là những cánh rừng tái sinh xanh rờn, phía dưới là suối chảy qua những tảng đá khổng lồ nhẵn bóng. Từ Yên Bái hướng về huyện Mù Cang Chải,  chúng tôi chạy qua Tú Lệ là xã sát sườn đèo Khau Phạ, trực thuộc huyện Văn Chấn. Nghe đồn nhiều về “sừng trời” (đèo Khau Phạ), nhưng hóa ra chạy qua nó cũng không quá lúc lắc, con đường mềm mại viền quanh những mỏm núi, dưới kia là Tú Lệ với những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nương mướt mắt.

Tôi nghe nhiều người nói về gạo nếp nương Tú Lệ có hương thơm ngào ngạt nổi tiếng, khiến du khách phải dừng chân ghé lại để thưởng thức chút xôi nếp giản dị mà nức tiếng cả nước của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Cánh đồng Tú Lệ nằm lọt thỏm trong thung lũng nên nếu đến đây đúng vào vụ mùa tháng 9, bạn sẽ được đắm chìm trong hương thơm của lúa. Nơi đây cũng có dòng suối lớn cung cấp nước tưới tiêu cho cả vùng. Tú Lệ hiện lên vẻ đẹp điển hình vùng núi Tây Bắc được “bổ sung” bởi sự trù phú của những cánh đồng, con suối. Cậu em nói nếu lên Yên Bái vào mùa nước đổ (tháng 5, 6), hay vào mùa lúa chín (tháng 9, 10),  tôi sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời, từ những thửa ruộng bậc thang nước lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu cho đến thảm lụa vàng rực đất trời Tây Bắc. Từ trên đèo, hay những đoạn dốc cao nhìn xuống thị trấn Tú Lệ, từng mái nhà lợp gỗ nằm san sát, đan xen giữa núi rừng, ruộng bậc thang uốn lượn men theo dòng suối trong vắt ngang.

Nhưng chúng tôi không dừng lại ở Tú Lệ mà chạy luôn tới Mù Cang Chải, dừng lại tham quan khu nuôi cá hồi lạnh ngắt, với hàng chục bể cá khổng lồ đầy ắp cá hồi, cá tầm đủ kích cỡ. Dòng suối quanh năm mát lạnh đổ xuống từ dãy Hoàng Liên đã góp phần tạo môi trường sống thuận tiện cho giống cá xứ lạnh này. Khu trại cá của một đại gia lừng lẫy một thời, giờ không còn nổi tiếng lắm nhưng vẫn cung cấp đều đặn nguồn đặc sản cá cho các khách hàng dưới xuôi. Từ Mù Cang Chải, chúng tôi dừng chân ở Than Uyên. Nơi phố núi bình dị này lại tọa lạc một khu khách sạn kiểu Pháp sang trọng, được một đại gia chịu chơi khác xây dựng nên. Quán café ở đây gợi nhớ phong cách café Metropole Hà Nội. Được biết đây là một tòa nhà văn phòng của công sứ Pháp thời xưa, được cải tạo lại thành khách sạn hạng sang.

Miền Tây Bắc xa xôi ngày nào, xứ “khỉ ho cò gáy” đã thay da đổi thịt. Khi tôi tới Lai Châu, tôi ngỡ ngàng ngắm những con phố thẳng tắp rộng rãi, những tòa nhà hành chính to lớn, các căn nhà phố hiện đại. Thành phố nằm lọt trong thung lũng mù sương, có một hồ lớn ngay trung tâm, buổi sáng cả đoàn kéo nhau ra ngồi uống café và ngắm phố núi đang từ từ nhộn nhịp. Từ đây, qua gần 70 km đường núi quanh co, chúng tôi tới thị trấn Sìn Hồ, cái địa danh xa lắc xa lơ. Ấy vậy mà Sìn Hồ bây giờ chẳng khác mấy so với các thị trấn nhỏ dưới xuôi. Chỉ khi chạy thêm vài chục km nữa tới Tủa Sín Chải, một bản dân tộc hẻo lánh, tôi mới thấy lại cái không khí của bản làng dân tộc thuần chất, nơi hầu hết người dân còn chưa nói sõi tiếng phổ thông, nơi không có cả nhà vệ sinh lẫn nhà tắm, những tiện nghi tưởng như tối thiểu nhất trong thời đại này.

Miền đất của hoa hồng

Mục đích chính của chuyến đi là săn hoa hồng cổ. Vì vậy chúng tôi dành nhiều thì giờ ở trong mấy bản vùng xa, nơi có những thung lũng hoa hồng. Vài người dân thổ địa bảo tôi là nghe đồn từ thời Pháp, ở đây đã có những đồn điền, trong đó chủ Pháp thuê máy bay rải hạt giống trồng những cánh đồng hoa hồng. Không rõ chuyện thật hay hư, nhưng rõ ràng tới giờ, vẫn còn hàng chục ngàn gốc hồng cổ mọc rải rác trong những vùng thung lũng ở đây. Khí hậu mát lạnh trên này thích hợp cho loài hoa này, nên trên đường đi tôi nhìn thấy khắp nơi những hàng rào phủ đầy hồng leo, hồng thơm cánh mỏng. Lâu lâu trong một khu vườn nào đó lại thấy vài cây hồng lớn, hoa kép to như cái bát. Ở Lai Châu, hồng chủ yếu mọc dại trong rừng, không phải loại hồng bông lớn giống Pháp như ở Sapa, nhìn bông hồng dại mỏng manh nhưng lại có mùi thơm đặc biệt. Hồng cổ có gốc lớn, dáng tự nhiên rất đẹp. Hoa hồng cổ đang được dân chơi săn lùng ở Hà Nội. Những gốc hồng Pháp đẹp, tuổi đời từ 30 – 50 năm trở lên, có giá hàng chục triệu.

Chính từ niềm đam mê mới này mà nhiều nhóm săn hoa hồng cổ đã lên đường đào xới đất Lai Châu, để mang về những gốc hồng rừng, phục vụ cho người yêu hoa thành phố. Tôi thấy từng xe tải chở gốc hồng mang về dưới xuôi. Các nhà buôn dưới xuôi lên, thuê dân bản địa vào rừng đi tìm hồng và đào mang về, hành trình này thật sự cũng vất vả, vì hoa hồng nhiều gai nhọn, gốc hồng sâu, mang qua rừng núi, không phải dễ. Tôi không biết có nên gọi các bạn này là “lâm tặc” hay không, nhưng kể ra hoa hồng mà cứ mọc hoang trong núi “thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay” thì cũng lãng phí. Mang về cho hoa được nở trong vườn nhà, để sớm tối có người thưởng thức thì có lẽ hoa cũng vui hơn.

Những gốc hồng cổ này sẽ được chăm bón, nuôi dưỡng, ghép với những giống hoa mới, để tạo thành những cây hồng rực rỡ vào mùa xuân, sẵn sàng về với chủ mới. Âu cũng là một cuộc chuyển đổi địa chỉ hợp lý, vừa mang vẻ đẹp hoa hồng tới người yêu hoa, vừa mang tài chính tới cho người kinh doanh.

Đêm mờ sương phố núi

Từ Lai Châu, chúng tôi chạy về Sapa nghỉ lại, chuẩn bị cho hôm sau leo cáp treo ngắm Fansipan. Trên đường tới Sapa, lại dừng chân tại một trại nuôi cá hồi lớn. Ông chủ vốn là một cán bộ nhà nước ở Hà Nội, sau do tình hình sức khỏe không tốt, được khuyên nên sống ở vùng mát mẻ, ông mới lên đây mở trang trại nuôi cá hồi. Ông là người đầu tiên ươm giống thành công, cho cá hồi nở ở Việt Nam. Nhìn những chú cá bé xíu mới nở còn ngọ nguậy trong bể ươm, rồi cá hai ba tuần tuổi thật thích mắt. Ông chủ bảo từ ngày làm trại cá, ăn cá, nghỉ ngơi ở không khí trong lành, bệnh ông dần biến mất, khỏe ra nhiều. Thành ra ông cứ tuần nào cũng dành mấy ngày ở đây, cuối tuần mới về nhà ở Hà Nội. Ông nói cá hồi trông nhiều vậy nhưng chỉ đủ cung cấp cho các nhà hàng khách sạn ở Sapa. Tối hôm đó chúng tôi được chiêu đãi một nồi lẩu cá hồi với rau cải sạch trồng trong vườn, chủ khách hàn huyên tới muộn, nên cập bến Sapa đã tới nửa đêm.

Chỉ kịp nhìn phố núi ngập trong sương đêm, ánh đèn mờ tỏ, những con phố vắng bóng người ngủ im lìm ….là tôi cũng buông mình vào giường ngủ vùi sau những cua đường núi lắc lư như rang lạc. Sapa lạ thế đấy. Dẫu giờ nó đã quá đông đúc, quá ồn ào, thì nó vẫn mang một không khí rất riêng mà không đâu có được, không khí của một thời xưa cũ, khi phố núi còn lách cách tiếng chân ngựa gõ nhịp theo bánh xe, trên con đường lát đá. Khiến du khách tới rồi lại muốn quay lại.

Buổi sáng, điểm đến của chúng tôi là trại chó Bắc Hà. Những chú cún lông xoăn dài, nom như chú sư tử con, cũng được người yêu động vật ưa chuộng. Giá một chú ở đây chỉ vài trăm, về tới Hà Nội có thể lên tới dăm bảy triệu, không kém gì một số giống chó nhập khẩu. Chó Bắc Hà được yêu thích vì khả năng trông nhà tốt, nghe lời chủ, hầu như không bao giờ theo khách lạ. Trại chó chúng tôi qua xem có vài chục chú chó, được nuôi thả trong khuôn viên rộng lớn. Khách chỉ có thể đứng ngoài xem vì chó khá dữ, nhất là nhiều chú đang trong thời kỳ sinh sản.

Vĩ thanh

Một chuyến đi về “miền ngược” đã khiến cho tôi thấy cuộc sống ở đây đổi thay quá nhiều so với những gì tôi được biết qua “Đồng bạc trắng hoa xòe” (Ma Văn Kháng), hay những cuốn sách về các vùng bản làng Tây Bắc. Thời gian trôi, những bản làng xưa đã khác. Giao thông mở mang, kinh doanh, du lịch … đều phát triển, mang lại có thể chưa hẳn là sự giàu có nhưng cũng có sự thay da đổi thịt trong đời sống người dân nơi đây.

Tây Bắc vẫn còn nhiều hứa hẹn với người làm kinh doanh. Từ du lịch tới nông nghiệp, lâm sản, chăn nuôi, cây công nghiệp … Tôi thấy những con đường đang tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, nối dài tới những bản làng xa xôi. Những con đường đó giống như huyết mạch, kết nối và giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển. Nhiều doanh nhân như anh chàng lái xe hôm đó, hay người chủ trại cá hồi đã đầu tư vào làm những công trình nhỏ…tạo công ăn việc làm cho người dân. Mỗi người một chút, cuộc sống của người dân miền núi đã có sự thay đổi.

Một cuộc hành trình thú vị khép lại, nhưng lại mời gọi tôi một ngày quay trở lại, thong dong hơn, có thể ngắm nhìn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tây Bắc lâu hơn nữa.

Bình luận

comments