Từ Inside Job đến Sói già phố wall

Trước thềm Oscar 2014, dân cá cược đã đặt cửa rất cao vào Leonardo DiCaprio, cho vai diễn của anh trong “Sói già phố Wall”, một bộ phim có thể làm choáng váng mọi người khi mở toang cánh cửa vào phía bên kia đen tối của  trung tâm tài chính lớn nhất thế giới: Wall Street. Với vai này, Leonardo DiCaprio đã đoạt giải Quả cầu vàng cho vai nam chính xuất sắc nhất.

Bộ phim tái hiện lại cuộc đời của đại gia chứng khoán Jordan Belford, một nhà tài phiệt với tính cách lạ lùng và quái đản; cũng như lột trần với những phi vụ làm ăn mạo hiểm, hoặc nói trắng ra là lừa lọc, đã đưa ông ta lên vị trí giàu có trong thời gian ngắn. Nhưng câu chuyện đời Belford chẳng qua cũng chỉ là một mảnh nhỏ trong vô vàn mảnh ghép tạo nên một phố Wall huyền thoại đầy bí ẩn, có khả năng khuynh đảo toàn thế giới.

Ma túy, tiền, tình dục, lừa đảo – nhưng siêu đẳng:

Đó là tất cả những gì người xem thốt ra sau 3 giờ đồng hồ bị cuốn hút trong bộ phim chỉ có hành động và hành động này. Khởi đầu bộ phim, anh chàng Jordan chỉ là một tay mơ mới bước vào thị trường tài chính bằng công việc của một tay broker, chào hàng chứng khoán, và cái nhìn lãng mạn màu hồng về công việc. Nhưng, rất nhanh chóng, chỉ sau một bữa trưa, anh ta đã nhận được bài học đầu tiên khá kỳ quặc về nghề nghiệp từ bậc đàn anh đi trước: “Chơi ma túy và chơi gái càng nhiều càng tốt, chỉ có vậy mới đủ sức trụ lại ở cái nghề cân não từng giây phút này”.

Kiếm được tiền nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính thời kỳ năm 1990 đã khiến hàng loạt công ty chứng khoán lớn đóng cửa, nhân viên mất việc. Jordan tay trắng ra đường. Cơ duyên đẩy anh tới một công ty chứng khoán nhỏ, chuyên bán những loại chứng khoán cỏ, loại chứng khoán giá trị thấp của các công ty nhỏ, nhưng đổi lại tỷ lệ hoa hồng có thể lên tới 50%. Bắt đầu từ đây, Jordan phất lên nhanh chóng nhờ các thủ đoạn thổi giá cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, biến cổ phiếu rác thành cổ phiếu vàng, khiến nhà đầu tư tin tưởng đầu tư vào những mớ cổ phiếu có trị giá không nhiều hơn giấy lộn.

Tài năng lớn nhất của Jordan chính là miệng lưỡi sắc sảo, đầy sức thuyết phục, khả năng truyền lửa cho nhân viên và truyền niềm tin cho khách hàng. Công ty của anh ta nhanh chóng phình to và trở thành một công ty môi giới chứng khoán lớn với hàng ngàn nhân viên, được khách hàng tin tưởng ủy thác cho tổ chức những cuộc IPO lớn với những khoản phần trăm hậu hĩnh. Chưa dừng lại ở đó, Jordan bắt đầu âm thầm mua bán cổ phiếu, thâu tóm công ty, tạo ra những khoản lợi nhuận “ma” để lại bán lại cho nhà đầu tư kiếm lợi nhuận thật.

Bên cạnh mô tả những thủ đoạn tài chính của “sói” và băng nhóm, bộ phim gây sốc bạn đọc với những cảnh tình dục dữ dội (tôi không biết sau này làm sao “Sói già phố Wall” có thể vượt qua kiểm duyệt để chiếu tại một số nước nổi tiếng bảo thủ ở châu Á). Ở Mỹ bộ phim đã được dán nhãn R (cấm trẻ em dưới 16 tuổi).Tình dục của đám “sói” không phải thứ tình dục “bình thường” có pha tí lãng mạn hay yêu đương, mà là thứ tình dục bầy đàn, hoang dã, trụy lạc. Trong phim đầy rẫy cảnh Jordan và đám bạn làm ăn, đám nhân viên trong công ty đắm vào cảnh làm tình tập thể thác loạn. Ma túy cũng là chất keo gắn liền các cảnh trong phim, khi mô tả tất cả đám sói đềm đắm chìm trong ma túy, tới mức có nhiều lần suýt chết vì phê, quá liều, hoặc lái xe điên loạn trong cơn say cocain.

Thế giới ngầm của phố Wall

“Sói già phố Wall” được nhân vật chính tự tay viết kịch bản. Jordan Belford, sau thời gian bị ở tù vì tội gian lận chứng khoán, đã trở lại thương trường và dần dần nhìn nhận lại quá khứ. Ông tiếp tục đi dạy kinh doanh, viết hồi ký, kịch bản phim về chính cuộc đời mình, để cảnh báo cho những người mới bước chân vào phố Wall khỏi sự sa ngã vào con đường của lợi nhuận bất chính. Bộ phim, nếu chỉ xem đơn lẻ thì khán giả có thể nhầm tưởng rằng vấn đề của “sói Jordan” chỉ là cá biệt trong hệ thống tài chính tưởng chừng như trong sạch và được kiểm soát chặt chẽ của Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn từ thủ đoạn của “Sói già phố Wall”, người nào đã từng xem bộ phim “Inside Job” chắc chắn sẽ có nhận định khác hẳn. Những vấn đề của Jordan, cũng là vấn đề của toàn bộ hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ, và có thể nói là toàn cầu.  “Inside Job” phim tài liệu đã từng đoạt Oscar 2011, cũng vạch ra sự thật đằng sau hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ.  Phim dựa trên hàng ngàn điều tra, nghiên cứu, phỏng vấn các nhân vật hàng đầu nước Mỹ và thế giới, trong đó có Bộ trưởng tài chính Mỹ, Pháp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, các chuyên gia WB, hiệu trưởng đại học Harvard … Từ đó, bộ phim đã lật ra những vấn đề gai góc nhất: Tham nhũng và lobby; Hệ thống và hệ quả; Môi trường chính sách và hoạt động ngân hàng đã đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng tài chính?. ..

“Inside Job” ra đời sau thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, khi top các ngân hàng hàng đầu của Mỹ như Lehman Brothers, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Merrill Lynch  … và các tập đoàn tài chính lớn như Citigroup, JP Morgan Chase, các công ty bảo hiểm chứng khoán … đều đối mặt với nguy cơ phá sản. Ta còn nhớ lúc đó chính phủ Mỹ đã phải thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 750 tỉ đô la để cứu các ngân hàng. “Inside Job” đã chỉ ra sự thật là hệ thống ngân hàng Mỹ đã thực hiện những phi vụ làm ăn mạo hiểm để kiếm lợi nhuận như cho phép cho vay dưới chuẩn để xây và mua nhà, sở hữu chéo, thổi giá cổ phiếu …

Các cơ quan định giá lừng lẫy uy tín trên thế giới như Moody, Standard & Poors, Fitch, cũng bị chỉ mặt trong phim như một trong những thủ phạm gây nên cuộc đổ vỡ tài chính lớn nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ, gây phản ứng dây chuyền làm tổn hại kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn các cơ quan định giá này đã xếp Lehman Brothers ở hạng AAA (hạng đầu tư an toàn nhất) chỉ 3 tháng trước khi Lehman tuyên bố phá  sản. Chính kết quả định giá bị bóp méo (bởi tiền lobby) của họ đã khiến hàng triệu nhà đầu tư Mỹ và toàn cầu bị phá sản theo.

Nhìn trở lại Việt Nam, những khủng hoảng gần đây của hệ thống ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo, thổi giá cổ phiếu, đội lái, bong bóng bất động sản … ta như thấy một bản sao thu nhỏ của “Inside Job”, ở cấp độ thấp hơn. Nhưng độ mạo hiểm của các “sói” thì không hề khác.

Bình luận

comments