Từ nhỏ tôi đã đấu tranh để tự do trở thành tài sản lớn nhất của mình.

Tôi đấu tranh với bố mẹ, những người luôn muốn tôi thành kỹ sư chứ không phải nhà văn. Tôi đã làm người bán hàng trong tiệm đồ sắt để thoát khỏi lời đe dọa của gia đình: “bố mẹ cho con tiền, nhưng con phải làm điều này, điều nọ”.

Tôi đã đấu tranh chống lại bầu không khí thù địch của giới báo chí, việc làm thứ hai của tôi, nơi người sếp đầu tiên đã bắt tôi chờ đợi ba tiếng đồng hồ không them ngó ngàng gì tới, cho tới khi tôi phải xé tung cuốn sách đang đọc, khiến ông ta kinh ngạc nhìn tôi và nhận ra đây là một chiến binh thật sự.

Tôi đã đấu tranh vì lý tưởng XHCN, bị vào tù, ra tù, rồi lại đấu tranh, cảm thấy mình là người hùng của giai cấp công nhân, đến khi nghe nhạc của nhóm Beatles, và quyết định chọn vui vẻ với nhạc rock hơn là với Marx.

Tôi đã đấu tranh vì mối tình với người vợ đầu tiên, người vợ thứ hai, thứ 3. Tôi đã đấu tranh để có đủ lòng quả cảm cắt đứt với người vợ đầu tiên, người vợ thứ hai, thứ 3 – bởi vì tình yêu không đủ sức cản trở, vì tôi cần phải tiếp tục tiến lên cho đến khi tìm được người sinh ra để quen biết tôi, và đó không phải là một trong ba người phụ nữ kia.

Tôi đã đấu tranh để có đủ lòng dũng cảm từ bỏ công việc ở tòa báo để lao vào cuộc phiêu lưu viết sách, dù biết rằng ở đất nước tôi, không ai sống nổi bằng nghiệp văn chương….

Trong khi đấu tranh, tôi đã thấy những người càng nói nhân danh tự do và càng bảo vệ quyền lợi duy nhất này – thì họ lại càng trở thành những kẻ nô lệ, nào là lệ thuộc vào nguyện vọng của bố mẹ, vào một cuộc hôn nhân với lời thề nguyền sẽ ở bên nhau “trọn đời”, vào chiếc bàn cân, vào các chế độ, vào những dự án bị bỏ lửng giữa chừng, vào những mối tình mà không thể nói “không”, hoặc “đủ rồi”, vào những ngày cuối tuần phải đi ăn với những người mà mình không thích.

Những kẻ nô lệ của cuộc sống mà họ không được tự chọn, nhưng lại quyết định sống theo, bởi vì ai đó đã thuyết phục họ tin rằng đó là điều tốt nhất. Và thế là họ sống những ngày và đêm giống hệt nhau, nơi mà phiêu lưu chỉ là những từ trong sách, hoặc là hình ảnh trên tivi luôn được bật sẵn, và khi bất cứ một cánh cửa nào mở ra, họ luôn nói: “tôi không quan tâm, không làm tôi thích thú”.

Làm sao họ biết là có thích hay không nếu không bao giờ dám thử? Thực sự họ rất sợ bất cứ thay đổi nào làm xáo trộn thế giới mà họ đã quen sống.

Tự do là thứ quý giá nhất trên thế giới này. Đương nhiên nó đã đưa tôi tới việc uống thứ rượu tôi không thích, làm những việc không nên làm, đem lại nhiều vết sẹo trên thân thể và tâm hồn của tôi, làm tổn thương người khác khiến tôi phải xin lỗi… Nhưng tôi không ân hận về những tháng ngày đau khổ, tôi mang những vết sẹo như những tấm huy chương.

Tôi biết rằng tự do có giá rất cao, cao như cái giá của đời nô lệ. Cái khác nhau duy nhất là bạn trả giá một cách thích thú, và với một nụ cười, kể cả khi nụ cười đó thấm đượm nước mắt.

(Trích từ cuốn: “O Zahiz – Nỗi ám ảnh” – của Paulo Coelho – tác giả  cuốn “Nhà giả kim”)

Bình luận

comments