Tôi ít đọc sách truyện Việt Nam. Nói ít về số lượng thì không đúng, có đọc nhiều vì thói quen đọc cho biết, rồi bạn văn tặng sách cũng nhiều, nhưng nói ít về “để tâm” thì đúng. Thường là đọc thoáng qua, theo kiểu sách 500 trang đọc mất một tiếng là xong.
Nhà văn Việt Nam không ít người viết đọc cũng thú vị, nhưng hai thứ rất quan trọng là bút pháp và tư tưởng thì thành thật mà nói tôi thấy còn non yếu. Bút pháp thiên về kể chuyện, trần thuật, đơn tuyến – một số thử nghiệm viết đa tuyến thì lại không tới. Tư tưởng thì nếu không chê đời (kiểu hiện thực phê phán) thì lại quá nặng về cảm xúc, mà cảm xúc lại cũng không tới đủ chiều của nó.
Thành ra nhà văn Việt Nam ta, ai tôi đọc thấy hay, thì lại không mới (vay mượn văn tây tàu, từ tích đến cách diễn tả), hoặc có mới thì lại không hay.
Nói vậy chắc là nhiều người không thích, nhưng mà là cảm nhận cá nhân tôi nó vậy.
Tuy nhiên, có một cuốn truyện Việt thì tôi lại có ấn tượng sâu sắc. Cách đây gần chục năm, tôi tình cờ thấy nó trong hiệu sách. Cuốn sách mỏng teo, chỉ vì cái tên tác giả mà tôi mở ra xem. Ông vốn nổi danh là nhà thơ bị “trảm” thời Nhân văn Giai phẩm, sao giờ viết truyện? Tên cuốn sách lúc đó cũng khá tò mò: Hèn đại nhân.
Đó là cuốn sách hiếm hoi với ngót hai chục truyện ngắn viết trải từ đông sang tây, từ thơ Haiku đến nhà toán học, từ nghệ sĩ vĩ cầm tới danh họa Van Gogh. Mỗi truyện đều hàm chứa những ẩn nghĩa, được viết nên bởi một bàn tay tài hoa, với một bút pháp của người đã đi qua sự ám ảnh của bút pháp, nó vừa tĩnh tại, trí tuệ; vừa cao ngạo, lại vừa cuồng phóng, tình tứ, đam mê, lẳng lơ … Nhà văn dường như đã thấm đẫm tinh thần Phật giáo, Đạo giáo, và để nó tràn vào sách, thành “Chân thiện mỹ giáo”.
Nó cười vào những sự nghiêm trang của những vai diễn trong tấn trò đời, đá bay những tượng đài mà con người lập nên, nó khóc cười với nỗi đau và tình yêu cái đẹp của người nghệ sĩ…
Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách đã hàng chục lần kể từ ngày đó. Tôi đã kể nhiều câu chuyện trong sách cho những người bạn mình, khi họ tới hỏi tôi về một khúc mắc trong cuộc đời, trong sáng tác, trong công việc, trong tình yêu. Vốn đọc sách, vốn kiến thức của nhà văn được dồn nén trong những trang viết cực ngắn này, khiến một con mọt sách như tôi phải kính cẩn ngả mũ cúi đầu thán phục.