Alice bên kia tấm gương là phần tiếp theo trong serie phim về cô bé lạc vào xứ sở thần tiên. Sau thành công vang dội của “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, “Alice bên kia tấm gương” iếp tục thu hút khán giả với sự có mặt của hầu hết các diễn viên ngôi sao đóng ở phần trước: Johnny Depp, Anne Hathaway, Mia Wasikowska, Rhys Ifans, Matt Lucas, Helena Bonham Carter và Sacha Baron Cohen.
Bộ phim kể lại câu chuyện cô gái Alice vượt qua phía bên kia tấm gương thần và trở lại thế giới thần tiên, tìm thấy Mad Hatter đang trở nên điên loạn trong cuộc tìm kiếm sự thật về gia đình mình. Alice du hành vượt thời gian, cô đã thấy những người bạn và kẻ thù của mình ở những điểm khác nhau trong đời họ và rồi cô rơi vào cuộc chạy đua với thời gian để cứu Mad Hatter.
Mặc dù bị khá nhiều nhà phê bình chê bai là thiếu tính “huyền ảo, thần thoại, phép thuật” … nhưng bộ phim vẫn đang thu hút khá đông khán giả tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, mặc dù doanh thu trong tháng đầu tiên chỉ đạt 270 triệu USD (thấp hơn khá nhiều so với dự kiến).
Dưới góc độ người yêu thích tác phẩm kinh điển của nhà văn Lewis Carroll, khi xem phim “Alice trong thế giới kỳ diệu” của Tim Burton, tôi đã cho là phim này phản bội lại tiểu thuyết của ông: “Không còn đâu sự vô nghĩa, không còn đâu bối cảnh nghịch lý được hình dung bởi Lewis Carrol. Thế giới kỳ diệu của Tim Burton được sắp đặt theo một lý lẽ rõ ràng, tốt xấu rành mạch, thiện ác phân minh, với những nạn nhân, những kẻ áp bức, và một vị cứu tinh: Rambo – Alice!”.
Thế nhưng phiên bản mới “Alice bên kia tấm gương” vẫn do Walt Disney phát hành, James Bobin đạo diễn, Tim Burton trong ban sản xuất – lần này lại mang lại không khí mới mẻ thú vị. Đó là một hình ảnh mới mẻ về “nữ quyền”, khi người phụ nữ bước ra khỏi sự phụ thuộc vào những kiểu mẫu có sẵn, và tự mình tạo ra số phận của mình.
ALICE CHỈ LÀM NHỮNG GÌ ALICE MUỐN
“Alice chỉ làm những gì Alice muốn” (*), có thể là kết luận của phim này. Cốt truyện nêu cao vai trò của một Alice nữ thuyền trưởng anh hùng, trước bọn cướp biển Mã Lai, rồi trước những tên tài phiệt muốn bóc lột mẹ con nàng, và, bên kia tấm gương, trước vô vàn hiểm nguy trên con đường tranh đấu với… thời gian. Chưa kể bà hoàng Đỏ dữ tợn không thể vắng mặt…
Nhiều người sẽ cho rằng: thật ra Alice “chỉ” hành xử như một chàng trai, và cuốn phim chỉ vinh danh “chàng trai” ấy. Điều này đưa đến câu hỏi: thế nào là phụ nữ? Và người ta sẽ xông ngay vào cạm bẫy, để tìm cách “định nghĩa” phụ nữ. Trong khi phụ nữ không hề có định nghĩa! Không gì gọi được là “bản chất phụ nữ”, quy định cuộc sống từ lúc chào đời. Thật vậy, mỗi phụ nữ là một hiện hữu riêng biệt, một sự trở thành.
VẬY… ALICE MUỐN GÌ?
Một cách chung chung, nàng muốn sống những phiêu lưu đậm nét, muốn đem con tàu của cha mình, cùng với định mệnh của mình, đến tận cùng thế giới, tìm những chân trời còn chưa được khám phá… Một cách cụ thể, thì, bên kia tấm gương, nàng muốn cứu Mad Hatter (Johnny Depp), bằng cách “hàng phục” thời gian…
Cuộc hành trình ấy được thể hiện qua những cảnh phim tuyệt đẹp, được liên kết một cách thông minh và cuốn hút… Một số nhận xét ý nhị cũng được lồng vào câu chuyện đem lại một chiều sâu gợi nhiều thích thú. Như lúc Alice khám phá ra “bản chất” của thời gian, lật ngược tình cảm của nàng đối với “nhân vật” này, để thấm thía câu “thời gian cho trước khi lấy” được nói từ đầu phim. Một nụ cười mỉm cũng được gửi cho những người hô hào “sống trong hiện tại”, khi đám bạn của Mad Hatter bị kẹt trong hiện tại “một giây trước giờ uống trà”, không thể rót trà, nâng chén, hay nhâm nhi bánh ngọt…
Một nhận xét khác là trong phim không nhân vật nào thực sự xấu xa. Cách nhìn “nhân quả” của câu chuyện khiến cho mọi nhân vật, sự kiện, hay hành vi, một khi các nguyên do, ngọn ngành, được thông hiểu, thì không còn bị phê phán theo những mô hình luân lý xơ cứng nữa.
Mad Hatter cũng thay đổi nhận thức về hiện hữu. Trong phim trước, tình yêu dành cho Alice khiến anh băn khoăn buồn bã, ngờ vực đến tận thực tính của chính mình, vì anh chỉ là nhân vật của một giấc mơ… Trong “Alice bên kia tấm gương” Mad Hatter, ngược lại, để an ủi Alice lúc chia tay, bình thản khẳng định: “giấc mơ sẽ là nơi những người yêu mến nhau gặp gỡ”…
Nói gì thì nói, bộ phim đáng xem, gợi ta nhớ tới một bản tình ca cổ điển mùa hè với những sắc màu lấp lánh, hấp dẫn và thú vị của một vũ hội cổ xưa.
Bài liên quan:
http://www.thelady.vn/the-grand-budapest-hotel-lang-man/