Bảo vệ con khỏi “kẻ thù lớn nhất của con người” là thế nào?

Trong 14 điều răn của Phật, điều đầu tiên chả biết có ai chú ý: “Kẻ thù lớn nhất là chính mình”. Câu này ngắn gọn mà hàm chứa mọi thứ vấn nạn của đời người trong đó, là tổng quát lại của mọi thứ triết học etc từ xưa tới nay.

Trẻ con từ lúc bé thật trong sáng hồn nhiên, nhìn mọi thứ tốt đẹp, không có những định kiến phán xét. Thế rồi thấm thoát, đột nhiên ta thấy một “người lớn” với đủ thứ vấn đề.

Vậy tự lúc nào mình lại trở thành kẻ thù của chính mình vậy? Mình đây là những cái mình nào?

“Cái Tôi” – chính là kẻ thù lớn nhất của đời người. Trẻ em lớn lên, bắt đầu có ý thức về “tôi”, nhưng đa số không được dẫn dắt để xây dựng một cái “tôi” tốt đẹp, đúng đắn. Một hệ thống được hình thành trong xã hội cũ kỹ vẫn nặng tư tưởng thứ bậc, đánh giá con người theo vị trí xã hội và tiền tài/bằng cấp (trong đó điển hình là hệ thống giáo dục chạy theo thành tích) đã mỗi ngày một bồi đắp nuôi dưỡng cái tôi ấy theo hướng tồi tệ.

Tôi thế này, tôi thế nọ. Tôi có cái này, tôi có cái kia. Tôi, tôi, tôi … Cái Tôi ấy là nguồn của mọi khổ đau. Cây càng cao, bóng càng dài. Tôi thành đạt, giàu có, giỏi giang … thì sự cao ngạo, sợ hãi, ham muốn càng sâu, sâu tới độ không nhận ra được.

Chị bạn tôi nói: “nếu không mắc căn bệnh ham học ham đọc từ bé thì có khi chị được làm bà bán rau cả đời rồi…”. Tôi và vô số người khác cũng nghĩ vậy. Hồi lớp 11, tôi thích may vá, bố bảo thi trượt đại học thì về làm thợ may. Chắc chắn chúng ta luôn nói con mình như vậy, tôi cũng từng bảo con là đấy nhìn mẹ mà xem, nếu k học hành thì giờ làm sao được như thế này, lại đi làm lao động …

Những câu nói như vậy vô tình đã tác động tới cái Tôi của đứa trẻ. Trước tiên nó sợ hãi. Sợ tôi không đẹp, không học giỏi, không ngoan, không được yêu, được tôn trọng … thế là nó nỗ lực, cố gắng.

Câu chuyện là, nếu nó lớn lên đẹp, giỏi, ngoan, được yêu … thì sẽ nuôi dưỡng cái tôi cao ngạo (tôi giỏi, đẹp, ngoan …). Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này? Kiêu ngạo. À tôi thế đấy, tôi hơn người. Nhưng đằng sau đó là sự sợ hãi vô cùng. Sợ hãi rằng có thể tôi sẽ không đủ đẹp/ giỏi/ngoan … nên chỉ một điểm xấu, một cái mụn … cũng khiến nó mất ngủ. Tôi chứng kiến quá nhiều đứa trẻ stress nặng chỉ vì một điểm 8 môn toán hay một vết sẹo ở tay.

Câu chuyện nữa là, ít nhất là 80% trẻ sẽ không đủ giỏi, đẹp, ngoan. Trường hợp này cũng không kém phần tệ. Nó đối mặt với sự chỉ trích liên tục, bị đánh giá liên tục. Nó sẽ sợ hãi, bất cần, chống đối ngầm, tự coi mình kém cỏi …

Tất cả những điều này ai cũng biết. Nhưng ai cũng giả vờ coi như không biết. Sau 7 năm làm tư vấn cho vô số trường hợp trẻ con/người lớn, tôi rất buồn mà thông báo rằng những tổn thương tâm lý sâu đậm thời trẻ con, thời đi học – chẳng hề tự mất đi khi chúng ta lớn lên, trái lại, nó ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc đời con người ở mọi phương diện: quan hệ xã hội, nghề nghiệp, niềm vui sống, tình yêu, sức khỏe, thái độ với thiên nhiên và môi trường …

Trở lại chuyện tại sao tôi không thích con tôi học giỏi. Bởi vì tôi nhìn thấu động cơ học của nàng. Khi nàng còn nhỏ, chị gái đã khá nổi bật và khi ra ngoài cô bé luôn bị ám ảnh vì người ta hay so bé với chị và mẹ (điều này tôi vô cùng ghét và luôn phản ứng gay gắt). Dù mẹ có động viên nhưng bé vẫn hình thành mặc cảm tự ti là mình không “đẹp, giỏi” bằng chị/mẹ.

Sau đó bé phát hiện ra chị từng học không giỏi ở trường, nhất là toán, nên trong vô thức bé bắt đầu cuộc đua để trở thành người giỏi nhất trong nhà ở một lĩnh vực nào đó. Thế là nàng lao vào học như điên dù không thích học mấy thứ đó. Rồi dần dà điểm số trở thành “thương hiệu”, nàng tự hào mình học giỏi/chơi thể thao giỏi, cao lớn xinh đẹp sành điệu …

Tôi quan sát con năm đầu cấp 3. Những dấu hiệu của stress trở nên rõ ràng và dấu hiệu của cái tôi cao ngạo cũng hiển hiện trên cô con gái vốn vô cùng trong sáng và đáng yêu. Tôi hiểu rõ rằng đằng sau tất cả những long lanh ấy, tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường cho nàng những năm tháng trong tương lai, những khổ đau tâm lý mà tôi không bao giờ muốn con phải đối mặt.

Chính vì thế mà tôi đã kìm nàng lại và dành rất nhiều thời gian trò chuyện với con về ý nghĩa của việc học tập, của việc ta sống trên đời, về sự quý báu của thời gian, sức khỏe, trí tuệ, cảm xúc … Tôi đã từng dự định cho con nghỉ học một năm để cân bằng lại.

 

Nuôi con không phải một vài năm, mà nuôi con, hãy có tầm nhìn một đời.

Cái Tôi sẽ là người bạn tuyệt vời của con, nếu đó là cái Tôi chân chính, không phải cái Tôi được nuôi dưỡng bằng những thứ rác rưởi của những niềm tin sai lầm.

Bình luận

comments