Đêm của Ghép, đêm của âm nhạc, triết học, vũ điệu và niềm vui.

Đêm của Ghép

Tháng 12. Hà Nội đang bước vào thời điểm lãng mạn nhất trong năm, khi gió bắc bắt đầu thổi qua “những phố dài xao xác heo may”. Mùa Noel, Giáng sinh, năm mới. Mùa của lễ hội và vui chơi, của âm nhạc, nghệ thuật và tình yêu.

Triển lãm “Ghép” của hai họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên và Lê Thiết Cương diễn ra trong tháng 12 tại Gallery 39 Lý Quốc Sư, đồng thời là nhà riêng của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Xé giấy và gốm mosaic.

Nghệ thuật là thể hiện thế giới nội tâm của người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một thời điểm nhà nghệ sĩ lướt vào bên trong tâm hồn mình, giống như khoảng dừng giữa hai hơi thở thiền định để thoáng cảm nhận cõi vô biên. Có lẽ ít có triển lãm nào mà từ cái tên tới cách thể hiện, chủ đề, màu sắc và chất liệu lại có sự hài hòa đến vậy. “Ghép”, những mảnh ghép từ gốm, sơn mài, xé giấy … và những mảnh chủ đề cắt vụn – ghép lại với nhau – cho ta ý niệm về những làn sóng (hay mảnh vỡ?) nội tâm người nghệ sĩ.

Hạnh phúc quý giá của người nghệ sĩ chính là khả năng rung cảm tương tác tinh tế với thế gian và nhìn thấy những rung động của nó dội lại trong nội tâm mình, để rồi tái hiện và chia sẻ cảm xúc đó với người khác.

 

Hồn giấy:

Không cần phải là một người từng trải mới nhận ra tác giả của những bức xé giấy kia là nữ. Màu sắc nồng nàn ấm áp, nhưng là cái ấm áp của đàn bà, khi sắc màu nồng nàn kia là màu của sinh sản, ấm no, âu yếm, gia đình. Chủ đề của chị truyền thống, cổ điển, vẫn những đồng lúa, phiên chợ, những đứa trẻ, hoa sen, làng quê, phụ nữ áo dài tha thướt, tô điểm thêm màu hoa, cánh chim, sắc lá… Tất cả như bản nhạc cổ xưa bị lạc điệu trong một thế giới của công nghệ hiện đại, phố phường náo nhiệt và các cô gái thật nóng bỏng gợi tình.

Người đàn bà làm tranh dẫu sống giữa phố phường hiện đại vẫn không đi qua được thời thơ ấu ám ảnh với giấy màu thủ công và hoài niệm trẻ con, vẫn say mê ngây ngất với cái đẹp cũ kỹ một thời vang bóng. Tranh của chị tinh tế, mong manh từ màu sắc tới đường nét, và vẻ đẹp có vẻ rất hiện thực trong tranh, tưởng như thực mà vẫn mong manh không thực.

Những mảnh đời trong tranh giống như những mảnh ghép tái hiện mộng mơ trong đời phụ nữ Việt Nam một thời, vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng và giản dị, màu sắc thanh tao sáng sủa, những gam màu pastel thời thượng rất đàn bà: hồng, vàng, xanh … Nét nữ tính còn thể hiện ở sự trau chuốt từng chi tiết nhỏ về kỹ thuật xé giấy, giữ nếp, uốn hình, tỉ mỉ tới mức tỉ mẩn. Đó là hội họa của một người phụ nữ giàu tình yêu và nhạy cảm, người phụ nữ mang nỗi nhớ thời gian trong trái tim không gì có thể đong đầy.

 

Mùa xuân vùng cao (Hoàng Thị Phương Liên)

Sự cô đơn của gốm

Phần bên kia, đối nghịch mà tương đồng là “Ghép” của Lê Thiết Cương. Nghe nói đây là lần đầu họa sĩ đã thành danh này đến với gốm và mosaic, một loại hình nghệ thuật có lẽ mới ở Việt Nam nhưng lại rất cổ xưa trên thế giới. Nếu nói về kỹ thuật, có lẽ những bức mosaic của anh chưa gây ấn tượng mạnh với người thích và từng xem nhiều tranh mosaic cổ điển, nhưng nếu nói về ấn tượng thị giác, thì anh đã thành công.

Đối nghịch, tương phản với người “bạn diễn” cùng sân khấu “Ghép” – khi nàng mềm mại nữ tính, tỉ mỉ bao nhiêu thì chàng lại mạnh mẽ, đơn giản, ấn tượng bấy nhiêu. “Đồng dao” có lẽ không phải là cái tên thích hợp cho bộ tranh của nghệ sĩ, bởi lẽ cái tên gợi nhiều về sự đơn giản, hồn nhiên của trẻ em – trong khi đó bộ tranh có nhiều bức lại mang sắc thái nhục cảm và gợi tình. Một sắc thái rất đàn ông, nam tính và dục tính, bù đắp cho sự đam mê tình ái còn thiếu trong tranh Phương Liên. Đường nét đơn giản, màu nguyên được sử dụng trong nhiều bức tạo sự tương phản mạnh mẽ: đỏ, trắng, đen – hoặc xanh, trắng… Chất liệu gốm bóng, mượt mà, kết hợp sơn mài, hình khối trung tâm gợi mở, khoảng lặng buông tràn. Người đàn ông trải ra trong những bức tranh của mình nỗi buồn cô độc, và cũng như người bạn diễn của mình, anh cho ta thấy sự trải nghiệm cô đơn, nỗi thiếu vắng trống trải của một hoài niệm trẻ thơ nào đó, cũng không thể đong đầy.

 

Gốm và xé giấy, cứng và mềm, màu nguyên và màu pastel … không thể có cặp Âm Dương nào hài hòa hơn thế xuất hiện trong cùng một cuộc chơi đùa với tâm trí và ký ức. Một sự hài hòa mà điều thú vị nhất ta nhận ra ở triển lãm là hai phần của thế giới: âm dương, dù ở bên cạnh nhau mà không thể gặp nhau, vì sao? Hai mảnh khác biệt, mong đợi nhau, đi sát cạnh nhau mà vẫn tách bạch rạch ròi, thiếu hẳn một điểm giao cắt đủ mãnh liệt để tạo thành nút xoáy …

 

Đêm của Ghép

Dẫu thế nào, cuộc chơi của hai nghệ sĩ vẫn là cuộc chơi dành cho họ và cho bạn bè, những người yêu thích nghệ thuật. Đêm của Ghép, là đêm không chỉ của tranh, mà còn của âm nhạc, triết học, vũ điệu và niềm vui.

Tôi thích âm nhạc trong buổi tối đến xem tranh ở triển lãm, nhất là tối đó guitarist Cường “bồng” chơi hết mình, chơi đam mê, đốt lên ngọn lửa trong tim mọi người, để những người phụ nữ và đàn ông có mặt  ôm nhau cùng nhảy đắm say trong ánh sáng ấm áp của đêm cuối năm …

Đó là giây phút giao hòa âm dương, khơi dậy tình ái – Đêm của “Ghép”.

 

Bài liên quan:

http://www.thelady.vn/nghe-si-dao-anh-khanh-tinh-khong-tuoi-va-xuan-khong-ngay-thang/

Bình luận

comments