Đối mặt với truyền thông

Mỗi ngày, con người hiện đại đối mặt với hàng ngàn thông điệp liên tục mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra. Ví dụ sáng sớm ra tôi gặp mẹ ngồi dưới sân, bà liền kể lại hôm qua xem tivi, đọc báo, biết chuyện gì đó mới (đa phần là thông tin xấu, đáng sợ).

Chúng ta sống trong một biển thông tin và càng ngày càng bị thông tin chi phối bởi chúng quá nhiều và tới dồn dập không ngớt như sóng biển vậy, đập vào trí não ta không ngưng nghỉ. Nước chảy đá mòn, não chúng ta cũng dần dần cùn mòn đi khả năng phản ứng chính xác trước thông tin ào đến.

Hôm nay, tôi chỉ muốn nói tới truyền thông, báo chí, thứ đang dẫn dắt con người hiện đại vào mê trận của thông tin, nơi con người đánh mất bản thân mình một cách nhanh chóng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà các bộ phim Zombie bùng nổ những năm gần đây. Những đám xác sống điên loạn chạy theo bất cứ thứ gì làm chúng có thể cảm nhận một chút “sự sống”, tại sao vậy?

Hai mươi lăm năm làm việc trong ngành báo chí truyền thông, quảng cáo, mười lăm năm làm việc như một thư ký tòa soạn, tôi thấy điều tuyệt vời nhất tôi học được là thói quen nghi ngờ mọi thông tin đăng tải trên báo chí.

Có những câu chuyện mà người bên ngoài chắc khó mà hình dung được. Nhớ thời làm World Cup thời xưa, chúng tôi thường viết bài tường thuật trận đấu khi ngồi xem qua tivi, cộng thêm tí trí tưởng tượng và biến nó thành cuộc bình luận trực tiếp từ khán đài – mà chúng tôi thường nói đùa là fax từ Paris trên tầng 3 xuống tòa soạn ở tầng 2. Bây giờ, tôi đoán cũng chỉ khá hơn một tí, vì thử tưởng tượng tòa soạn nào đủ tiền gửi phóng viên đi làm được hết các trận thi đấu trải dài trên nhiều thành phố?

Có những bài phóng sự điều tra dài kỳ lâm ly hoành tráng, thực ra là được soạn thảo từ những báo cáo của bên công an đưa sang, tô thêm tí mắm muối nhờ kinh nghiệm thực địa đâu đó. Và tại sao những tài liệu “mật” đó lại được đưa cho một số phóng viên “đặc biệt”, đều có những động cơ đằng sau đó mà chỉ người đưa và phóng viên mới hiểu.

Tôi chứng kiến những cuộc “đánh hội đồng”. Một việc nào đó có vẻ “nóng”, hoặc muốn biến nó thành “nóng” – một báo, một phóng viên viết, sẽ không có hiệu ứng lớn. Nhưng thử tưởng tượng một nhóm bắt tay nhau, cùng lúc đồng loạt viết, sẽ tạo ra làn sóng dư luận lớn hơn rất nhiều. Sau đó thì đám ăn theo sẽ tiếp tục khiến sóng lớn hơn.

“Lương khô” là từ quen thuộc trong làng báo. Chúng tôi cần có một ít chủ đề giắt túi. Khi không có vụ gì hot, không có thứ gì thu hút để bán báo, thì phải vác thứ gì đó ra mà hâm nóng. Tôi nhớ con gái mình bảo, trong top những điều boring nhất ở Singapore, báo chí và lái xe đứng hàng đầu. Vì báo chả có chuyện gì kiểu cướp giết hiếp, còn lái xe thì quá ngay ngắn tới độ ông già hơn 70 vẫn chạy taxi ầm ầm.

Tôi thì ước gì báo chí mình cũng được “boring” như thế.

Khi báo chí ngày càng sống bám vào quảng cáo và doanh nghiệp, thì ngòi bút của nhiều nhà báo càng chỉ còn dùng để làm PR là chính. Không thiếu gì doanh nghiệp được tâng lên tới mây xanh dù nợ nần chồng chất và có nguy cơ phá sản.

Ngày tôi mới làm báo, báo chí còn ít, những cây bút có bài lên trang đều cẩn trọng từng chữ, từng thông tin đưa ra, vì đó không chỉ là uy tín tờ báo mà còn là uy tín cá nhân người cầm bút. Chúng tôi đại kỵ việc “ấn vào mồm người khác” ý tưởng của mình. Nhưng sự bùng nổ thông tin và truyền thông, cộng với sự hấp dẫn của tiền bạc thông qua sự nổi tiếng và quảng cáo, đã khiến cho một phần cực lớn giới truyền thông bán mình không chút xấu hổ. Không chỉ ấn ý mình vào mồm kẻ khác, mà còn cố tình tạo dựng những câu chuyện chỉ vài % là sự thật.

Không ít bạn tôi là những nhà báo kỳ cựu đã bỏ nghề trước áp lực của views, của comments, của những hợp đồng quảng cáo phải mang về. Tôi vẫn tự hào một cách ngớ ngẩn là có lẽ mình là nhà báo duy nhất VN suốt 25 năm làm nghề chưa hề ký được một hợp đồng quảng cáo nào.

Những năm tháng làm PR quảng cáo kiếm sống, tôi càng nhận thấy rằng thông điệp chuyển đi tới người đọc đã bị tô vẽ quá nhiều và quá xa so với thực tế. Tôi luôn cảnh báo khách hàng của mình: Hãy chăm lo sản phẩm dịch vụ của mình thật tốt trước khi PR hay quảng cáo – nếu không muốn lấy gậy mình đập mình sau này. Thế nhưng ít công ty làm được điều đó.

Sự thành công của những chiến dịch PR quảng cáo, truyền thông, hay một bài báo hot – đáng buồn là ngày càng giống như sự thành công của một cuộc tấn công vào tâm lý/tình cảm/giá trị sống … của con người. Bởi lẽ mục tiêu cuối cùng dù có nói hay tới đâu, cũng vẫn là tiền bạc. Điều đó không sai, nhưng đối với cá nhân tôi, thì tôi thấy tàn nhẫn quá.

Tôi rất dị ứng với những chiến dịch PR đánh vào sự yếu đuối, tâm lý sợ hãi, hoặc mong cầu yêu thương … của con người – để từ đó bán một cái gì đó. Thay vì những thông điệp đơn giản, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, những điểm có ích, có lợi một cách rõ ràng, thì lại là sự đe dọa, dụ dỗ, lừa mị. Ví dụ như sự khủng bố tinh thần người khác qua vụ nước mắm có asen vừa rồi là ví dụ. Vụ đó lộ liễu quá và phe bị tấn công cũng không quá yếu nên phản đòn. Nhưng tôi có thể nói chắc với các bạn rằng, chúng ta đang bị tấn công bởi vô số chiêu trò như vậy, chỉ là ta không nhận ra.

Tôi không phủ nhận vai trò của báo chí truyền thông, quảng cáo. Tôi yêu và trân trọng nghề báo, bởi lẽ nếu tâm ta trong sáng và ta viết như một người chứng kiến, chứ không phải là “người định hướng dư luận” – thì thế giới này chắc đã khác nhiều lắm. Điều này tôi sẽ viết trong một bài khác.

Viết dài như vậy, thực ra chỉ là muốn nói rằng, thông tin thì có nhiều, nhưng chúng ta có đủ sự tỉnh táo, đủ thông minh, đủ bình tĩnh và thản nhiên để nhìn vào biển thông tin ấy như ta đang ngồi trên ngọn núi và nhìn những làn sóng xô đẩy dưới chân?

Chúng ta có mấy ai thường biết tự hỏi mình, để hiểu rõ lý do ẩn chứa đằng sau những thông điệp ấy, để tự lựa chọn điều gì là thích hợp cho mình nhất?

Đừng nghĩ là chỉ ở VN mới có chuyện này. Cả thế giới đều như vậy, chỉ là mức độ khác nhau. Không thể trách được giới truyền thông, vì họ cũng như chúng ta, là con người với những vấn đề y như ta.

Ta không thay đổi được truyền thông, nhưng ta có thể thay đổi được cách mình nhìn nhận nó và cho phép nó tác động tới mình đến đâu.

Chừng đó, ta mới có thể thực sự sống như một “con người thông minh” (homo sapiens).

Wiki viết: “Sự khéo léo và khả năng thích ứng của người Homo sapiens đã khiến nó trở thành loài có ảnh hưởng nhất trên Trái đất; nó đang được coi là loài ít được quan tâm nhất trên Sách đỏ về các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế”.

Tôi hơi nghi ngờ về kết luận này

Bình luận

comments