Thế giới của đàn ông

Có ba đặc ân Chúa dành cho đàn bà: Sinh ra trong vườn địa đàng, Con Chúa sinh ra trong một người đàn bà – Chúa tái sinh trước một người đàn bà.

Mỗi người phụ nữ đều có những giai đoạn khủng hoảng và hoảng sợ nhất định trong đời. Chỉ có điều, nỗi sợ hãi và khủng hoảng luôn luôn giống nhau. Đó là nỗi sợ hãi về Tình yêu.

Mười lăm, mười sáu tuổi, sợ hãi lo âu về nhan sắc thua kém bạn bè, về con đường trước mắt, về tình yêu. Đó là nỗi lo sợ thầm kín của sự lo lắng không được công nhận, không đủ tiêu chuẩn để trở thành một “người đàn bà thật sự”. Nỗi lo sợ chỉ được giải tỏa khi bước vào tình yêu, được yêu, được thừa nhận. Lúc đó, như thể nụ hoa bừng nở, con bướm thoát thai từ cái kén, chất đàn bà bùng dậy và vẻ đẹp thiếu nữ tuổi yêu đương trở nên vô cùng rực rỡ. Nàng đắm mình trong thế giới của mộng mơ, mong chờ một chàng hoàng tử.

Không phải lỗi của nàng, mà là lỗi của hàng chục ngàn năm văn hóa toàn cầu dệt nên một hình mẫu tình yêu lý tưởng và định vị nó trong AND giới tính nữ. Người đàn bà nào cũng mơ ước một mối tình lãng mạn như trong truyện cổ tích ngày xưa.

Hai tám đến ba lăm tuổi, là thời kỳ khủng hoảng thứ hai, nữ tính hơn, đàn bà hơn. Nỗi lo sợ vì trách nhiệm với gia đình, con cái, nhà chồng, họ hàng hai bên. Lo sợ vì nhan sắc mất đi sau mỗi kỳ sinh đẻ, sau cuộc sống nhọc nhằn vất vả, lo toan hàng ngày. Sự mất mát lớn hơn nữa là mất mát bên trong khi thấy giấc mơ yêu đương lãng mạn mỗi ngày mỗi biến mất, khi đời thường là cơm áo gạo tiền, một ông chồng khá thường là thô thiển và tất nhiên chẳng còn đâu sự ngọt ngào mơ mộng mà người đàn bà nào cũng mong đợi. Không biết con đường tương lai đi tới đâu, cái gì đang chờ đợi mình. Đành nhắm mắt bước tiếp, coi như đời mình đã xong, chỉ còn trách nhiệm trước mắt.

Bốn hai, bốn lăm tuổi. Con cái lớn lên, nhà cửa, tiền bạc cũng đã bớt lo lắng. Những cuộc nội chiến với chồng cũng bớt đi áp lực, bởi đã học được cách chấp nhận nhau và cũng có thể đã rời bỏ nhau, có thể đã có những cuộc tình mới. Nhưng cũng có thể hoàn toàn cô đơn, kể cả khi ở cạnh người tình. Người đàn bà trở nên nhẹ gánh hơn. Nàng có thời gian ngắm mình trong gương, vuốt ve mình trong đêm. Và những giấc mơ ngọt ngào thời trẻ lại trở lại, nàng chợt nhận ra rằng, sâu trong tim, nàng vẫn mong chờ tình yêu, mong chờ người đàn ông trong mơ ước tới và nhận ra rằng đằng sau song cửa kia là nàng công chúa khao khát yêu thương đang chờ đợi để trao tặng tình yêu.

Khủng hoảng tuổi 40 có lẽ là thời kỳ khủng hoảng tuyệt vọng nhất của người đàn bà, khi khao khát của nàng dường như không còn phù hợp với lứa tuổi, với cách mà xã hội nhìn nhận nàng như một người đàn bà “đứng tuổi”, sẵn sàng với vị trí bà nội bà ngoại và chuẩn bị thành bà lão hom hem chỉ còn ngồi chờ chết.

Không biết tự khi nào, thế giới này đã chung tay tạo dựng những câu chuyện để phá hỏng hoàn toàn cuộc đời của một nửa nhân loại.

Những câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp đều tôn vinh trái tim yêu thương của đàn bà, còn những câu chuyện “hy sinh” nhân danh những điều có vẻ cũng tuyệt đẹp như thế, thì lại hoàn toàn biến nàng thành một công cụ duy trì và phát triển nòi giống nhân danh Chúa.

Sự khao khát của nàng bị nhìn nhận như một thứ phản ứng hóa học của cơ thể vào thời kỳ hồi xuân, trước khi dòng máu từ tử cung nàng ngừng chảy hoàn toàn, chấm dứt khả năng nàng có thể sinh ra một đứa trẻ nữa (thứ được mặc định là lý do thế giới này cần có đàn bà).

Chúa sinh ra đàn bà với vô số những món quà hào phóng kèm theo: nhan sắc, sự dịu dàng, mềm mại, nhẫn nại, hy sinh và tràn đầy yêu thương. Nhưng không biết có phải vì đa phần chưa bao giờ cảm thấy mình được yêu thương một cách đầy đủ, mà hầu hết những người đàn bà tôi quen biết trong đời đều ít khi thấy mình hạnh phúc…

Có lẽ, phải tới độ tuổi sáu mươi, những cơn bão mới thật sự lặng đi trong tim phụ nữ …

 

Bình luận

comments