Chúng ta đã quá quen với hình ảnh thế giới tương lai không có gì là sáng sủa – thông qua những bộ phim tận thế, những cảnh báo bất tận trên truyền thông mỗi ngày về thảm họa môi trường, suy thoái kinh tế, chạy đua vũ trang, tha hóa đạo đức, trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm quyền của con người …
Trong làn sóng thông tin “tiêu cực” ấy, Peter Diamandis (sáng lập và điều hành một số công ty kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực không gian vũ trụ) và Steven Kotler (tác giả của nhiều cuốn sách NewYork bestseller) lại có quan điểm hoàn toàn khác. Năm 2012, hai ông đã ra mắt cuốn: “Sự phồn vinh – Tương lai tốt đẹp hơn bạn nghĩ”. Bằng tư duy phân tích của một nhà khoa học và nhà báo, hai tác giả đã chỉ ra rằng thế giới đang thay đổi hoàn toàn, và lần đầu tiên trong lịch sử, loài người có tiềm năng nâng tầm tiêu chuẩn sống toàn cầu một cách đáng kể và mãi mãi; có thể giải quyết những thách thức vĩ đại nhất của thế giới trong vòng vài thập kỷ tới.
Chỉ vài tháng sau khi xuất bản, “Abundance” (Sự phồn vinh) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, giành giải thưởng “Cuốn sách hay nhất của năm” và dịch sang hơn 20 ngôn ngữ.
Sự thành công của “Abundance” đã khuyến khích tác giả ra mắt cuốn: “Bold: How to go Big, Create Wealth and Impact the World” (Khởi nghiệp táo bạo: Nghĩ lớn, làm lớn và thay đổi thế giới)
Có lẽ điểm dở nhất trong cuốn sách dịch này là tiêu đề. Hai chữ: Khởi nghiệp, không thể hiện được tầm nhìn quá rộng của cuốn sách. Những nhà khởi nghiệp nhỏ ở Việt Nam, khi lướt qua vài chục trang đầu tiên – có lẽ sẽ cảm thấy những gì được đề cập trong sách quá xa so với những gì họ đang thực sự đối mặt.
“Khởi nghiệp táo bạo: Nghĩ lớn, làm lớn và thay đổi thế giới” dày tới gần 500 trang và chắc chắn không phải là cuốn sách dễ đọc với những độc giả chưa có thói quen lướt qua những gì không cần thiết để tìm kiếm thông tin cốt lõi nhất.
Cuốn sách đầy ắp các câu chuyện thú vị về các nhân vật lừng danh trên thế giới như Elon Musk, Richard Brandon, Steve Job … các nhà sáng lập và chủ tịch những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Câu chuyện của họ là câu chuyện của những khoản đầu tư triệu/tỉ đô, những hành trình phủ sóng kinh doanh toàn cầu và khai khoáng trên các tiểu hành tinh hoặc đưa người du lịch trên Mặt trăng. Nghe rất thú vị, nhưng hiển nhiên là có vẻ chẳng liên quan gì tới giới khởi nghiệp non trẻ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu bạn đủ bình tĩnh để không bị choáng ngợp và cuốn trôi trong các câu chuyện hoành tráng kia, thì bạn sẽ học được rất nhiều điều cực kỳ quý giá từ cuốn sách này.
Và dưới đây là những điều bạn có thể quan tâm
Thế giới của công nghệ đột phá cấp số nhân
Nếu bạn là người quan tâm tới công nghệ mới, thì phần thứ nhất: Công nghệ táo bạo, chắc chắn sẽ là phần bạn sẽ hứng thú đọc. Phần này đề cập tới hành trình tăng trưởng rồi cáo chung của nền công nghệ truyền thống và mô tả kỹ lưỡng quá trình nhảy vọt của công nghệ kỹ thuật số – với khả năng tạo ra những bước tăng trưởng theo cấp số nhân. Airbnb, Uber … là những dẫn chứng sống động.
Hàng loạt những công nghệ của tương lai được tác giả giới thiệu như Điện toán vô hạn; Gen; Trí tuệ nhân tạo; thiết kế lại tế bào gốc; cảm biến điện tử; công nghệ vũ trụ; in 3D … Nghe rất vĩ mô, nhưng lại có rất nhiều điều hiện thực đối với các nhà khởi nghiệp nhỏ, ở chỗ công nghệ mới hứa hẹn khả năng tạo sự đột phá cho bất cứ ai.
Kinh tế học của sự cho đi
Thế nhưng, điều thực sự chúng ta cần quan tâm lại là phần liên quan tới triết lý kinh doanh hoàn toàn mới (phần 2: Tư duy táo bạo)
Thật ngược đời, nhưng các tác giả cho thấy sự thành công vượt bực của hàng loạt công ty hàng đầu thế giới dựa trên việc họ “cho đi” một thứ gì đó. Cựu tổng biên tập tạp chí công nghệ Wired viết thế này: “Tôi đang dùng phiên bản Linux miễn phí, trình duyệt FF miễn phí, Google Docs miễn phí và không cần lưu trữ vì Google đã lo điều đó. Vậy là Google vẫn là một trong những công ty có lợi nhuận tốt nhất nước Mỹ. Linux có trị giá 30 tỉ đô”.
Tại sao vậy?
Google đã xây dựng công ty dựa trên cái mà tác giả gọi là “Động lực 2.0”. Đó là một công ty không còn dựa trên sự thưởng phạt cổ điển, mà dựa trên sự Tự chủ – Thành thục và Mục đích. Trong đó, mục đích đóng vai trò quan trọng nhất. Mục tiêu không phải là lợi nhuận, mà là ý nghĩa xã hội mà hành trình kinh doanh mang lại. Trong cẩm nang của Google, có một “sứ mệnh đáng giá” đã trở thành nguyên tắc khởi đầu cho bất cứ một dự án nào dù nhỏ hay lớn.
“Các nghiên cứu khoa học cho thấy bí quyết đạt hiệu quả công việc cao không nằm ở động lực sinh học (những nhu cầu cho sự tồn tại) hay động lực thưởng phạt, mà là yếu tố thứ 3 – mong muốn sâu thẳm của chúng ta về việc định hướng chính cuộc đời mình, để mở rộng và phát triển khả năng của mình, và để sống một cuộc đời có mục đích tốt đẹp” (“Drive”– Daniel Pink)
Dựa trên triết lý kinh doanh này, tác giả đưa ra một khái niệm hấp dẫn khác: “Dòng chảy”.
“Về mặt kỹ thuật, dòng chảy được định nghĩa là trạng thái tối ưu của nhận thức khi mà chúng ta cảm thấy thông suốt và hoạt động tốt nhất. Nếu bạn đã từng dành cả buổi chiều cho một cuộc trò chuyện tuyệt vời hay chú tâm vào một dự án công việc mà quên đi mọi thứ khác, nghĩa là bạn đã trải nghiệm trạng thái này. Trong dòng chảy, chúng ta tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, bỏ qua mọi thứ khác. Hành động và nhận thức được hợp nhất. Thời gian trôi qua nhanh. Cái Tôi biến mất. Tất cả các khía cạnh của hiệu quả công việc – tinh thần và thể chất – đạt đến trạng thái cao nhất.
Chúng tôi gọi là dòng chảy vì cảm giác nó mang lại. Khi ở trạng thái này, mọi điều đều êm ả, hiệu suất cao. Các nghiên cứu cho thấy dòng chảy chính là tâm điểm của mọi thành công thể thao, khoa học, nghệ thuật …” (trang 142)
“Dòng chảy” hình thành ngay sau tư tưởng về một triết lý dựa trên sự trao đi và ý nghĩa về sứ mệnh của hành trình kinh doanh. Chỉ khi ta làm việc không vì lợi ích ích kỷ của riêng mình, làm việc dựa trên những giá trị sống tốt đẹp, thì chúng ta mới có thể đạt tới trạng thái “dòng chảy” của sự cân bằng, thuận hòa giữa thế giới nội tâm và công việc.
Cộng đồng táo bạo
Phần cuối của cuốn sách là những chỉ dẫn chi tiết của tác giả về cách tổ chức và điều hành một trong những hoạt động phổ biến nhất hiện nay của mọi doanh nghiệp dù mới hay đã có kinh nghiệm: hoạt động cộng đồng. Đây là những chỉ dẫn hết sức thiết thực và hữu ích mà chúng tôi nghĩ rằng, dù bạn có thì giờ đọc hết cả cuốn sách hay không, thì cũng nên đọc và thực hành phần cuối cùng này.
Kết
Tôi thích mấy câu ở phần kết của cuốn sách:
“Cái ác trước kia nấp trong bóng tối. Nhưng với thời đại của hàng tỉ cảm biến này, sẽ luôn có ai để mắt tới bạn. Trong khi có người lo ngại về quyền riêng tư, thì cũng có nhiều hy vọng chấm dứt sự áp bức – và khởi đầu cho một tầm lãnh đạo toàn cầu đức độ mới.
Những vấn đề lớn của thế giới, vài trăm năm trước chỉ giới hoàng tộc có thể giải quyết. Vài thập kỷ trước, chúng thuộc về các nhà lãnh đạo quốc gia và đầu não các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng ngày nay, hầu như bất cứ ai có niềm đam mê đều có sức mạnh mang đến sự thay đổi thật sự cho thế giới này.
Ai sẽ là Martin Luther King hay Mahatma Gandhi của thời đại phát triển theo cấp số nhân?”.
Có lẽ, đây là thông điệp đáng giá nhất cho mọi doanh nhân trong kỷ nguyên kỹ thuật số và Big Data này.