“La Grande Bellezza” – Vẻ đẹp tuyệt vời (tựa tiếng Việt : « Đời sống thượng lưu ») là bộ phim Ý đầu tiên giành Oscar (phim nước ngoài hay nhất) kể từ “Life is Beautiful” (Cuộc sống tươi đẹp) của Roberto Benigni năm 1999. Sau giải thưởng, thị trưởng thành Rome đã trao tặng danh hiệu công dân danh dự cho đạo diễn Paolo Sorrentino. Ông nói: “Sorrentino, dẫu là người đến từ Naples, vẫn xứng đáng với vinh dự này vì ông đã làm cho cả Rome và nước Ý tự hào”.
“Hành trình của chúng ta hoàn toàn chỉ trong tưởng tượng. Đó chính là sức mạnh của nó. Đi từ sự sống đến cái chết. Con người, động vật, thành phố, mọi thứ, tất cả đều do tưởng tượng mà ra” – Đề từ của phim « Vẻ đẹp tuyệt vời »
“La Grande Bellezza” không phải là bộ phim dễ xem. Phim có thể làm khán giả hiện đại không hiểu văn hóa Ý thấy nhàm chán và buồn ngủ, vì gần như không có hành động. Phim như một dòng trôi chảy chầm chậm, như giọt café phin thong thả, những nhân vật đến và đi cũng nhạt nhòa nhanh chóng như một giọt café rơi vào trong tách.
Chủ nghĩa khoái lạc
“La Dolce Vita” (cuộc sống ngọt ngào) có thể coi là “slogan” của nước Ý. Người Ý đam mê và cũng là bậc thầy về nghệ thuật tận hưởng cuộc đời, tận hưởng một cách đam mê và duy mỹ. Chẳng thế mà một thành ngữ Ý nổi tiếng khác: “La bella figura” cũng mang hàm nghĩa tương tự: Với người Ý, nghệ thuật xuất hiện trước thế giới trong dáng vẻ hoàn hảo và tỏa sáng có ý nghĩa như một tôn giáo. Đó không chỉ là hình thức bề ngoài, mà còn là ở mọi phương diện cá nhân. Đó là thế giới mà mọi thứ được trau chuốt hoàn hảo tới từng chi tiết.
Và đó là điều ta thấy trong “Vẻ đẹp tuyệt vời”. Ngay từ đầu phim, Rome hiện ra lộng lẫy choáng ngợp, với những quảng trường lát đá cổ xưa, bầu trời mùa hè trong xanh vời vợi, đài phun nước Acqua Paola, tiếng hát ngọt ngào mê đắm của các nữ tu. Như lời bài hát Too much beauty can kill you – quá đẹp cũng có thể giết chết bạn … vị du khách Nhật sau khi ngây ngất chụp lại hình ảnh lộng lẫy của Rome đã lăn ra chết vì một cơn nhồi máu cơ tim. Những đại lộ dài trong đêm vắng in dấu chân của nhân vật chính, quảng trường, quán bar, công viên, nhà thờ … Rome đẹp đến độ không thể tin nổi. Những người đàn bà Rome cũng đẹp không thể tin nổi. Mỗi bước chân là một bước trong quá khứ, giữa những đền đài, kiến trúc, và hơi thở của quá khứ vàng son La Mã vẫn cứ tràn ngập nơi nơi.
Nhân vật chính, nhà văn, nhà báo Jep Gambardella cũng đã từng choáng ngợp như vậy. Từ một chàng trai tỉnh lẻ tới Rome, ông khao khát chinh phục thành phố này, chinh phục thế giới thượng lưu. Thành công từ một cuốn tiểu thuyết duy nhất, ông nhanh chóng đạt được tham vọng của mình và trở thành nhân vật trung tâm của thế giới quý phái thành Rome. Giàu có, quyến rũ, thông minh, Jep đã tận hưởng cuộc đời nhàn tản đúng kiểu dân Ý: bel far niente – vẻ đẹp của sự không làm gì cả. Tiệc tùng bất tận, tiền bạc, đàn bà … vào bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 65 của đời mình, Jep chợt nhận ra rằng đằng sau ánh sáng lấp lánh của đời sống thượng lưu là một chuỗi tinh cầu cô đơn giá lạnh, như trò chơi đoàn tàu kiểu Rome không có khởi đầu và kết thúc.
Cả cuốn phim là một cuộc lãng du bất tận của Jep tìm kiếm cái tận mỹ trong miền đất vốn đã quá mỹ miều của Rome. Rome là kinh đô của nghệ thuật, nơi lưu giữ và thu hút các nghệ sĩ lớn trên thế giới. Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome, phải chăng đây cũng là điểm tận cùng thế giới ước mơ?. Và ta thấy gì khi đến tận cùng giấc mơ?. Cái tận mỹ giờ đây không nằm trong nghệ thuật đã mang đầy màu sắc của tiền bạc, mà nằm trong vẻ đẹp của thiên nhiên, sự thuần khiết của một thời quá khứ đầy mộng mơ trong trẻo, trong ánh mắt trầm buồn của thiếu phụ lặng lẽ lướt qua trong đêm khuya … Jep bám vào những mảnh vụn mong manh ấy để sống mòn mỏi, như những người thuộc giới thượng lưu của ông, những kẻ quá giàu có đã bị ngưng đọng trong lớp sương mù của thời gian, sống trong sự tuyệt vọng của việc không biết sống để làm gì!.
Tận mỹ hay Tận thiện?
Ngoài nhân vật chính, các gương mặt khác tồn tại như những ảo ảnh thoáng qua. Hình ảnh triển lãm ảnh chụp gương mặt mỗi ngày từ sơ sinh đến hiện tại của một nghệ sĩ nhiếp ảnh khiến Jep và cả chúng ta thấy rợn người. Dường như mỗi ngày lại là một con người khác, những đường nét không ăn nhập với nhau, chạy loang loáng. Sự tồn tại của ta có ý nghĩa gì?
Phim khởi đầu với cái chết đột ngột của một du khách. Rồi một cái chết khác của một thanh niên thuộc thế giới phù hoa, cái chết của người tình cũ, cái chết của người tình mới … Nước mắt của Jep rơi, nỗi đau tưởng chừng ghê gớm, nhưng cũng chóng phai nhạt như thể chỉ là chiếc lá rụng cuối sân. Cuộc sống là vậy đó, ngày hôm nay ta còn tươi trẻ, nồng nàn hưởng thụ men rượu cuộc đời, ngày mai đã vĩnh viễn ra đi. “Cuộc sống này thật hoang dại và sáo rỗng” – Jep cảm khái thốt lên. Câu hỏi về sự tồn tại của cá nhân và ý nghĩa của cuộc sống trở đi trở lại trong ông.Ngay cả tôn giáo cũng không mang lại cho ông lời đáp. Ở ngay nhà của Chúa, nhân vật Hồng y Giáo chủ, ứng viên ngôi vị Giáo hoàng, trong mắt ông cũng chỉ là một kẻ đáng thương hại.
Chỉ đến khi cơ duyên đưa ông gặp sơ Maria, nữ thánh hy sinh cuộc đời mình vì người nghèo, ông mới có sự rung động trước quyền năng và vẻ đẹp tận mỹ của người nữ tu ấy. Trước hình ảnh đàn chim hạc thanh tao bay về đậu kín sân thượng căn hộ vào buổi sớm tinh sương, tin cậy bao quanh người phụ nữ già 104 tuổi có sức mạnh vô biên nhờ vào tình yêu Chúa tuyệt đối – ông đã thốt lên tự đáy lòng: Tôi không viết nữa bởi tôi kiếm tìm một vẻ đẹp cao quý. Có lẽ đó là câu trả lời thực sự cho cuộc kiếm tìm mài miệt sáu mươi lăm năm của ông: Cái Tận thiện. Cái Tận mỹ chỉ có thể thấy được khi nó song hành cùng cái Tận thiện.
Cuộc sống thật sự nằm sau tất cả sự ồn ào, náo động, phù phiếm hàng ngày. Nó yên lặng và vĩnh cửu, chỉ khi ta lắng sâu vào trái tim, ta mới thực sự trải nghiệm sống. Đó cũng là thông điệp của “Vẻ đẹp tuyệt vời”!