kinh doanh

Liệu chúng ta có thể làm ăn kinh tế mà không cần đút lót, phong bì … hay không?

8 tháng trước, ăn tối lần đầu với Kiều Viễn, giám đốc tổ chức Hướng tới Minh bạch, người mà giờ đây đã thành bạn thân thiết với mình – nghe Viễn nói say sưa tâm huyết về những điều các bạn đang thực hiện, đó là vận động các doanh nghiệp nói không với tham nhũng, đút lót, hối lộ … – mình cảm thấy nàng quá ảo tưởng.

Tuy mình không phải dân kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng cũng có doanh nghiệp riêng, làm vài dự án, lại đang là thư ký tòa soạn một tờ báo chuyên về doanh nhân – nên mình hiểu rất rõ sự khó khăn mà người làm ăn phải đối mặt khi dính tới “nhà nước”, “hành chính, luật lệ” …

Một thực tế là trong một thời kỳ dài, nền kinh tế thị trường Việt Nam quá non trẻ với hành lang pháp lý chưa đầy đủ, đã gây khó khăn không ít cho chính người thực thi luật pháp. Người thực thi luật còn chưa biết phải làm sao cho đúng, thì người cần (ở đây là doanh nghiệp) càng bối rối, lúng túng.

Cuối cùng, lại phải chọn giải pháp “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, để giúp nhau, dần dà thành “hai bên cùng có lợi”. Cho tới sau này, thì cái tình lúc đầu đã biến thành cái sự mua bán, trao đổi, trở thành “văn hóa phong bì” – thành “vấn nạn tham nhũng”.

Hai mươi năm trước, mình đi các sở, các tỉnh, quen biết nhiều quan chức đầu tỉnh. Đánh bạn với cả bộ trưởng, thứ trưởng, TGĐ tập đoàn. Thấy mọi người lúc đó giản dị, chẳng có mấy kiểu quan cách, chơi với nhau anh em chú cháu tự nhiên. Mọi người cũng không giàu có gì cho lắm. Mình chơi thân, nên biết họ không thuộc loại vòi vĩnh, tham nhũng (có thể vì lúc đó chưa có nhiều cái gọi là “dự án” như bây giờ).

Năm ngoái, gặp gỡ cuối năm với nhóm bạn thân cũ ấy, các vị đã nghỉ hưu hết, ngồi tám chuyện đời, một ông anh lắc đầu bảo mình: “Ngày xưa điều chuyển anh về vị trí ấy (tương đương hàm thứ trưởng), chẳng mất gì tiền, bây giờ hàng triệu đô em ạ”.

Nhà mình bố và chị đều là đảng viên, đều từng là chủ nhiệm khoa ở hai trường đại học, nhưng cả hai chưa bao giờ cầm một đồng tiền của sinh viên. Bố được tiêu chuẩn cấp nhà, nhưng không nhận, bảo nhà tôi rộng rồi, nhường lại cho các anh em khác chưa có.

Nghĩ lại chuyện này, mình tự hỏi tại sao cũng con người cộng sản, lúc trước họ khác, bây giờ họ khác thế?. Điều gì tạo ra sự thay đổi đó?.

Có phải chính doanh nghiệp, chính những người như chúng ta, vì mong cầu sự thuận tiện, thành công nhanh chóng, vì lợi ích cá nhân của mình – cũng đã góp thêm một phần vào sự tha hóa của những con người nắm quyền lực?.

Trở lại chuyện của Viễn. Lúc đó mình đã nghĩ nàng đang làm một việc quá viển vông, kiểu Don Kihote đánh nhau với cối xay gió. Thế nhưng, tại hội thảo, xem cách các bạn tiếp cận vấn đề, chỉ rõ mối nguy của sự thiếu minh bạch, của thói quen đút lót, hối lộ … cho các doanh nghiệp trên tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập với quốc tế, phát triển lớn mạnh, bền vững – mình thấy tính thuyết phục của nó, giống như một sự tất yếu.

Và mình chợt nhớ tới buổi ngồi café với anh Tạ Đức, người nghiên cứu văn hóa Việt cổ, anh em tán nhảm chuyện thế sự, ông anh thì bày tỏ nỗi sầu đời vì xã hội kim tiền. Mình có nói cả đời chưa hề bước chân đến nhà một ông sếp nào, cũng như chưa bao giờ quà cáp biếu xén sếp.

Ông anh bảo, như em quả là hiếm. Nhưng mình nghĩ, cứ làm tốt công việc, sống đàng hoàng, thì việc gì phải luồn lụy ai?. Bằng chứng là mình vẫn sống khỏe.

Thành thật mà nói, khi làm doanh nghiệp mình cũng nhiều lần phải chi tiền “làm luật”. Nhưng càng ngày mình càng nhận ra là, khi mình tôn trọng luật pháp, làm đúng, làm đàng hoàng – thì mình không sợ hãi, không dễ bị bắt nạt – lúc đó chuyện làm ăn lại bền vững hơn và cảm thấy hạnh phúc trong công việc hơn, vì mình đàng hoàng.

Nếu ai cũng bảo: Xã hội bây giờ nó thế, mình không làm khác được đâu. Nếu ai cũng chấp nhận, cũng cúi đầu, cũng để tâm lý sợ hãi chi phối mình, thì bao giờ mới có sự thay đổi?.

Để có thể liêm chính trong kinh doanh, buộc chúng ta trước hết phải sống liêm chính trong đời. Khó thật, nhưng sống tử tế được chút nào vẫn hay chút đó – ít ra ta còn cảm thấy quý trọng mình.

Mình ngưỡng mộ những người như Viễn. Lĩnh vực của nàng rất nhạy cảm, đối mặt với quá nhiều cản trở và thử thách. Vậy mà nàng cứ tươi rói, dù phải làm việc dưới vô số áp lực.

Mấy năm gần đây, mình ngày càng gặp nhiều những người như vậy. Những người có suy nghĩ và hành động mang tính chất “thay đổi tư duy xã hội”. Từ những cá nhân lẻ tẻ ban đầu, đã hình thành cách hội nhóm, tổ chức … hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhưng mục đích chung, đều là vì sự phát triển lớn mạnh, bền vững, bảo vệ môi trường, trao đổi tri thức… cho một dân tộc Việt Nam mạnh mẽ, độc lập hơn trong tương lai.

Một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân … Thế nhưng, bây giờ, đã bắt đầu thấy những đàn én lượn rồi.

Ai muốn nói gì thì nói, nhưng mình vẫn lạc quan vào tương lai.

 

 

 

 

Bình luận

comments