Trong hành trình lang thang thế giới, lần đầu tiên tôi bị lỡ máy bay chính là tại chuyến đi Stockholm. Đi Air France tới Paris lúc 5h30 sáng, chuyến bay kế tiếp đi Stockholm còn những hơn 4 tiếng nữa mới khởi hành nên tôi yên chí ra café ở cửa check in của Air France chờ nối chuyến. Dè đâu, tới lúc vào check mới tá hỏa là mình xem vé không kỹ, chặng tiếp tôi không được vinh dự đi AF mà phải chuyển sang đi hãng hàng không giá rẻ Bắc Âu SAS. Mà cửa check in của SAS thì cách cửa này cả mấy terminal, phải đi bus mới sang kịp. Ai đã từng tới sân bay Charles De Gaulle mới thấu hiểu cảnh này. Cuống cuồng chạy mất gần 30 phút mới sang tới nơi thì máy bay đã chuẩn bị cất cánh. Thế là đành phải trả thêm 40E và chờ tiếp 4 tiếng nữa. Điều tôi lo nhất lúc đó là gia đình người bạn mình ra đón sẽ bị lỡ, mà mình thì không có cách gì báo tin cho họ được.
Máy bay tới Thụy Điển trời đã về chiều, nhưng lúc này là mùa xuân, cuối tháng 5, nên trời vẫn sáng. Sân bay nhỏ, thuộc loại sân bay dành riêng cho hàng không giá rẻ, vắng vẻ, không có ai chờ đón mình. Tôi loay hoay tìm cách gọi điện cho bạn. Ở mấy đất nước quá phát triển và hiện đại này, làm những điều đó không dễ tí nào, vì hầu như không có dịch vụ mà mọi thứ đều auto dùng ở máy tự động và trả bằng thẻ visa. Tôi đành hỏi mượn điện thoại một người phụ nữ ăn mặc sang trọng đi ngang qua. Bà rất vui vẻ đưa máy cho tôi. Người phụ nữ tốt bụng sau đó tự giới thiệu là người Đan Mạch, và ngỏ ý đưa tôi về nhà bạn tôi ở thành phố bằng xe của chồng bà ra đón. Ấn tượng đầu tiên về xứ Bắc Âu thật sự đẹp.
Cổ kính Stockholm
Stockholm không phải là thành phố lớn, nhưng cổ kính. Thành phố hầu như không có các tòa nhà chọc trời, chỉ những khu nhà cổ và hiện đại tinh tế xen lẫn với nhau. Nơi tuyệt vời nhất cho khách tham quan chính là khu phố cổ Gamla Stan. Bước qua cây cầu đá cổ xưa dẫn sang khu thành cổ, ta nhanh chóng cảm thấy mình quay trở lại thời kỳ Trung thế kỷ, với những đường phố hẹp, lát đá, vỉa hè nhỏ. Vô số cửa hàng nhỏ, bán đủ loại đồ lưu niệm, hàng hóa sản phẩm hiện đại. Thật thú vị khi đi bộ lang thang trong mê cung, với các ngôi nhà cổ có vẻ khá âm u, để đột nhiên thấy mình bước ra một khoảng không gian rộng rãi thoáng đạt của quảng trường phố cổ, những quảng trường ta có thể gặp ở bất kỳ thành phố nào ở Âu châu. Các quán café sắp ghế ra ngoài, mời gọi ta nghỉ chân. Ở Stockholm, sự khác biệt dễ thấy nhất so với nơi khác chính là sự hiện diện công khai của những địa điểm dành riêng cho người đồng tính. Thụy Điển là quốc gia rất cởi mở trong cách nhìn về tình dục và giới tính. Tôi đã từng trố mắt sững sờ khi nhìn thấy trong cửa hàng bán đồ tổng hợp (kiểu 7 Eleven ở châu Á), có bán những bao kẹo hoặc mì nui mang hình dáng dương vật đàn ông.
Sau một vòng khu phố cổ, tôi lại bước qua cây cầu đá cổ nghiêm trang khác để trở lại thành Stockholm “hiện đại”. Không xa là tòa nhà Nobel, bạn tôi giải thích đó là nơi các vị trong Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhóm họp hàng năm để bầu chọn giải thưởng Nobel danh giá. Tòa nhà xây bằng gạch đỏ, không quá hoành tráng nhưng rất đẹp với những cổng vòm bám đầy dây leo. Bên trong khu sân và vườn hoa nhỏ, có đặt những chiếc ghế dài màu trắng được chạm trổ tinh tế, dành cho khách tham quan. Stockholm có rất nhiều công trình kiến trúc cổ như Cung điện Hoàng gia, Bảo tàng Lịch sử, Nhà thờ trung tâm … Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là thư viện công cộng của thành phố. Đi du lịch ít ai tham quan thư viện. Nhưng vì là dân nghiện sách nên tôi thích mò tới mấy nơi này. Tự thấy mình được cái may mắn là đã tới 3 thư viện lớn tầm cỡ thế giới: Một là Austrian National Library ở Vienna (7,4 triệu ấn phẩm – thư viện này xếp thứ 13 trong top 35 The most amazing libraries in the world – Hai là Stockholm Public Library (2,4 triệu ấn phẩm, xếp thứ 32/35).The National Library of Singapore (xếp thứ 33/35, ngót triệu ấn phẩm). Thư viện ở Stockholm hoành tráng, hiện đại với những vòng cung sách chất ngất, phòng đọc rộng lớn, yên tĩnh, nhìn dân tình đọc sách ai cũng trông giống như học giả.
The Archipelago – Thiên đường đảo
Stockholm nằm ngay giữa điểm gặp gỡ của hồ Malaren và biển Baltic. Có tới đây, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của Baltic, màu nước xanh lục bảo thẫm, với những đảo đá đẹp mê hồn. Ở đây, gia đình nào cũng cố gắng mua cho được một chiếc tàu hoặc cano nhỏ để đi chơi biển bất kỳ lúc nào. Nhiều gia đình còn bán nhà ở trên đất liền và mua một con tàu nhỏ, chuyển hẳn lên sống trên tàu. Trẻ con ở đây đứa nào cũng thích sống trên tàu hơn là nhà thường. Thống kê cho biết ở vùng vịnh này có khoảng 30.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đảo ở đây là đảo đá và phẳng, không phải dạng núi non như Hạ Long Bay. Trên đảo thường có các cụm nhà gỗ nhỏ, đây là nhà nghỉ của dân trong thành phố vào cuối tuần.
Tôi mua một tour đi tham quan đảo bằng tàu trong một ngày. Con tàu giống như một cái phà lớn, có nhiều dãy ghế ngồi cho khách ngắm cảnh. Trên đường, ta sẽ được tận mắt ngắm những tàu thủy chở khách vĩ đại nhất thế giới, cao mấy chục tầng và dài bằng cả một dãy phố. Có hàng chục con tàu như thế chạy qua lại trên biển Baltic, chở du khách từ Thụy điển đi các nước trong khu vực như Đan Mạch, Na Uy, Đức, Anh … Điểm cuối của tour là đảo Sandhamn, nơi nữ văn sĩ Thụy điển lừng danh Astrid Lindgren từng sống và viết bộ sách mà giờ trẻ em Việt Nam đều biết: Pippi tất dài. Đến nơi đây, tôi thả bộ qua các lối đi quanh co trong làng, sạch tinh tươm với những ngôi nhà gỗ đặc trưng Bắc Âu, hàng rào gỗ sơn trắng. Mùa xuân đang kỳ đẹp nhất, lúc này là cuối tháng 5, hoa nở rực rỡ. Hoa đào, diên vỹ, tulip, hoa táo, cúc lam … đủ màu khoe sắc. Ngồi trên bờ đá trắng, hưởng thụ ánh nắng ấm áp đầu xuân, ngắm biển xanh … có lẽ chẳng cần phải thiền định mới cảm thấy bình yên nơi thiên đường đơn sơ này.
Thành phố của cuộc sống bao dung, giản dị
Mười ngày sống với một gia đình Bắc Âu đủ cho tôi cảm nhận hết sự giản dị và thoải mái của con người nơi đây. Gia đình bạn tôi khá điển hình. Bạn tôi là bác sĩ, đã từng kết hôn và có 2 con gái với vợ trước, sau đó ly hôn và tái hôn, có thêm 1 con gái với vợ sau. Vợ trước và vợ sau của ông cũng tái hôn hoặc từng ly hôn, đều có con riêng. Nhưng thú vị nhất là cách họ sống và cư xử cùng nhau sau đó. Mối quan hệ tưởng chừng phức tạp hóa ra lại rất thoải mái, thỉnh thoảng họ tập trung cả mấy gia đình và mang hết trẻ con đi chơi cùng nhau. Các bà vợ cũ mới và ông chồng cũ mới vui vẻ trò chuyện như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Ở Thụy điển, tôi từng ngạc nhiên khi thấy khá nhiều ông chồng mang con nhỏ đi chơi. Sau này bạn tôi mới giải thích là ở đây, khi người vợ sinh con nhỏ, sau thời gian vợ nghỉ làm chăm con, người chồng cũng sẽ tiếp tục được nghỉ vài tháng để thay vợ trông nom em bé cho tới khi đi gửi trẻ được. Không trách gì bạn tôi, giáo sư bác sĩ, mà thường xuyên đi chợ và nấu ăn cho cả nhà, lại nấu rất ngon nữa.
Ngày cuối cùng ở thành phố, gia đình em gái của bạn tôi mời tôi tới nhà ăn tối. Ngôi nhà nằm ở ngoại ô, lọt giữa một khu vườn xanh mát đủ loại rau quả nhà trồng, đằng sau là một khoảng rừng thưa nhỏ, không có hàng rào ngăn cách. Bữa tối ngon tuyệt, chủ nhà vô cùng thân ái và cởi mở. Đêm cuối xuân ở Bắc Âu, 9h tối mà như mới 4,5 giờ chiều, trời trắng bạc mơ màng, đêm trắng huyền ảo. Nhưng điều kỳ diệu nhất với tôi, là trong lúc ăn bữa tối, nhìn ra vườn sau, tôi thấy hai chú hươu xinh đẹp thong thả đi từ rừng ra và thản nhiên gặm cỏ ở cạnh vườn. Bà chủ nhà giải thích rất vui vẻ là ở đây hươu và thỏ vẫn hay ra ăn vụng rau.
Phải chăng đó là lý do mà một kẻ lang thang ít vương vấn như tôi đã phải rơi nước mắt khi rời khỏi thành phố thanh bình và êm đềm này?