Sự thống trị của nam giới
Rõ ràng, sự thống trị của nam giới trên thế giới này, những trật tự được thiết lập, những đặc quyền và những sự bất công của nó, vẫn đang tồn tại vững vàng tới tận ngày hôm nay. Tại sao?
Cuốn sách tuyệt hay” Sự thống trị của nam giới” (tác giả: giáo sư xã hội học Pierre Bourdieu) đã đề cập tới vấn đề này từ gốc rễ của nó.
Sự áp đặt của xã hội khởi đầu từ các thân thể
Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi, tại sao các động tác và các sự di chuyển thân thể lại được cấp một ý nghĩa xã hội, thí dụ động tác hướng lên trên được liên tưởng tới nam tính, với sự cương cứng hoặc với vị trí bên trên trong hành vi tính dục (Trong nhiều thế kỷ, tư thế ân ái đàn bà ở trên bị kết tội ở nhiều nền văn minh).
Dương vật, hiện diện một cách ẩn dụ – tập trung mọi huyễn tưởng tập thể về sức mạnh làm sinh sôi nảy nở, bằng việc kết hợp sự cương lên của dương vật với động lực sống. Phụ nữ, dựa trên những dạng thức tri giác chủ đạo (trên/dưới – cứng/mềm, thẳng/cong, khô/ẩm ướt …) dẫn họ đến hình dung tiêu cực về bản thân giới của mình.
Như vậy, định nghĩa xã hội về các cơ quan sinh dục không hề là sự ghi nhớ đơn giản các đặc tính tự nhiên được cung cấp trực tiếp cho tri giác, mà là sản phẩm của một sự kiến tạo được tiến hành qua một loạt lựa chọn có định hướng.
Trong hoạt động tình dục, khác với phụ nữ, được chuẩn bị để cảm nhận tính dục như một trải nghiệm sâu kín và chứa nhiều xúc cảm, không nhất thiết phải bao hàm sự thâm nhập mà còn cả sự vuốt ve, ôm ấp, trò chuyện … – thì con trai xem tính dục như một hành vi tấn công, chinh phục thuộc về thể chất, hướng tới sự xâm nhập và cực khoái.
Lạc thú của nam giới, một phần là lạc thú vì quyền lực tạo nên lạc thú ở phụ nữ, có lẽ vì vậy mà “sự cực khoái giả vờ” là chứng nhận kiểu mẫu về quyền lực của nam giới – họ chờ đợi sự cực khoái ở nữ giới như một chứng cứ về khí lực nam nhi của họ và lạc thú được đảm bảo bởi hình thái phục tùng cực điểm này.
Do người đàn bà được kiến tạo như một thực thể tiêu cực, khiếm khuyết, nên các đức tính chỉ được tự khẳng định trong một phủ định kép, luôn luôn bị áp đặt và có giới hạn. Đạo đức phụ nữ tự áp đặt chủ yếu thông qua một kỷ luật thường xuyên, liên quan tới mọi bộ phân thân thể, tự nhắc nhở qua sự gò bó của y phục hay mái tóc.
Tiêu chuẩn cái đẹp tao nhã của nữ giới như lưng thẳng, bụng thót vào, chân không dang ra, mỉm cười, nhìn xuống, chấp nhận sự ngắt lời … đều mang ý nghĩa đạo lý. Như thể nữ tính được ước lượng bởi nghệ thuật “tự thu nhỏ” (trong khi đàn ông chiếm nhiều chỗ hơn thân thể thật của họ). Y phục nữ cũng mang tính “cấm cố” hơn (giày cao gót, đồ bó, túi xách, váy làm cản trở chuyển động dễ dàng). Những cách thức giữ tư thế thân thể kết hợp sâu sắc với “tư thái” tinh thần và sự giữ gìn thận trọng – tiếp tục tự áp đặt cho phụ nữ, ngoài ý muốn của họ.
Bạo lực tượng trưng
Sự thống trị của nam giới, quyền ngồi trên mà toàn thiên hạ thừa nhận cho đàn ông … hoạt động như khuôn đúc lên các tri giác, tư tưởng, hành động của mọi thành viên xã hội. Huyền thoại về “nữ tính vĩnh hằng” hoặc nam tính, đều nhằm vĩnh viễn hóa sự thống trị của nam giới bằng cách miêu tả nó như vĩnh viễn và bất biến.
Thực tế là phụ nữ thường mong có chồng lớn tuổi hơn, cao hơn … Chấp nhận người chồng thấp hơn mình là một cách hạ thấp đàn bà về phương diện xã hội: người đó cảm thấy mình bị giảm giá cùng với một người đàn ông giảm giá.
Điều này không chỉ gặp ở trong quan hệ nam nữ mà còn lan rộng ra cả cấu trúc xã hội. Ví dụ sự phân biệt này có thể thể hiện trong quan hệ quốc tế: một số nước được coi là “nam tính” hơn như: Mỹ, Anh, Đức (khoa học, công nghệ, luật …) – nữ tính: Pháp, Ý (văn chương, triết học) …
Nam tính gắn với sự cao quý. “Công việc tự tạo thành khác biệt tùy theo nó được đàn ông hay đàn bà thực hiện”. Định nghĩa về một chức vị, nhất là chức vị quyền uy, bao hàm mọi loại năng lực và thiên tư có hàm nghĩa giới tính; nếu như nhiều địa vị rất khó chiếm giữ với phụ nữ, thì đó là vì chúng được đo vừa kích thước đàn ông (vốn được kiến tạo trong sự đối lập với phụ nữ)
Để thành công, phụ nữ không chỉ có những gì công việc đòi hỏi mà còn phải có những đặc trưng thường có của đàn ông: vóc người, giọng nói, dạn dĩ tự tin, uy thế, tính chiến đấu … những điều đàn ông đã được chuẩn bị và luyện tập ngấm ngầm từ nhỏ. Việc đạt tới quyền lực, dù là quyền lực gì, cũng đặt phụ nữ vào tình thế hai lần trói buộc: Nếu xử sự như đàn ông, họ có nguy cơ mất đi những thuộc tính bắt buộc của nữ tính – nếu xử sự như phụ nữ, họ có vẻ như không có năng lực và không thích ứng với tình thế.
Tới nay, vẫn có sự bất công cho phụ nữ về vị trí xã hội. Phụ nữ phải đối mặt thử thách như quấy rối tình dục, sa sút hình ảnh về bản thân do áp lực công việc . Công việc của phụ nữ vẫn là sự nối dài của gia đình. Tại trường học: nữ vẫn bị áp lực bởi bị nhắc nhở rành rọt hay ngấm ngầm về số phận phân định cho họ bởi nguyên tắc phân chia truyền thống (lựa chọn môn học, ngành nghề …)
Những phụ nữ đạt vị trí cao thường phải trả giá bằng “thành công ít ỏi” về phương diện gia đình: Ly hôn, kết hôn muộn, độc thân, khó khăn hoặc thất bại với con cái …) – hoặc phải từ bỏ thành công lớn về nghề nghiệp (làm việc bán thời gian hoặc chỉ 4/5). Khi nói một phụ nữ quyền lực là “có nữ tính” là cách tinh tế để cự tuyệt không cho bà ta có cái quyền có thuộc tính dành riêng cho đàn ông đó là “quyền lực”.
Kết
Marie O’Brien nói: “Sự thống trị của nam giới là sản phẩm của nỗ lực đàn ông để khắc phục tình trạng họ bị tước mất các phương tiện sản xuất giống loài và để khôi phục quyền tối thượng của địa vị làm cha bằng cách che giấu công việc thực sự của phụ nữ trong sinh đẻ”.
Có lẽ khi nào việc sinh đẻ được giao hoàn toàn cho các phòng thí nghiệm thì sự bất bình đằng nam nữ hiện nay sẽ có khả năng biến mất?
Bài liên quan:
http://www.thelady.vn/phai-chang-da-toi-luc-phu-nu-can-giai-phong-dan-ong/