The Grand Budapest Hotel là bộ phim tình cảm lãng mạn.

The Grand Budapest Hotel của đạo diễn Wes Anderson đứng đầu danh sách đề cử giải thưởng BAFTA lần thứ 68.Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA).

Bộ phim với 11 đề cử, trong đó có giải “Phim xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc” cho tài tử Ralph Fiennes. Tại Quả cầu vàng, The Grand Budapest cũng chiếm tới 4 đề cử quan trọng: Diễn viên chính, Đạo diễn, phim hài/ca nhạc, kịch bản. Đây là bộ phim của đạo diễn Mỹ Wes Anderson, hợp tác sản xuất giữa Anh và Đức, kể về những biến cố xảy ra tại khách sạn Budapest nổi tiếng ở châu Âu giữa hai cuộc Thế chiến I và II. Bộ phim đầy triển vọng sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar sắp tới vì thường các phim đoạt giải ở BAFTA / Quả cầu vàng, cũng giành giải ở Oscar.

Hành động, hài hước, lãng mạn

Khách sạn Budapest là câu chuyện nhiều lớp, với hai lớp người kể chuyện, nhà văn và nhân vật chính thứ hai, nhưng cốt chuyện xoay quanh nhân vật chính thứ nhất. Nhà văn, người dẫn chuyện kể rằng khi còn trẻ, trong một lần ghé chân tại khách sạn Grand Budapest, ông tình cờ gặp gỡ và làm quen với quý ngài Zero Moustafa – ông chủ của khách sạn, từng là người giàu nhất xứ Zubrowka một thời. Vốn sẵn lòng hâm mộ các tác phẩm của nhà văn, ngài Moustafa ngỏ lời mời ăn tối và kể lại cho anh nghe câu chuyện đời mình. .

Đó là thời điểm của năm 1932, thời điểm của những cuộc chiến ở châu Âu, khách sạn Grand Budapest đang ở thời kỳ đỉnh cao và cậu bé Zero Moustafa vừa bắt đầu làm việc với vị trí là một lobby boy. Người quản lý khách sạn lúc đó, ngài Gustave xuất hiện như một mẫu người đàn ông thanh lịch, tinh tế, yêu thơ ca, người quản lý khách sạn bằng một trái tim nồng ấm và một cái đầu hết sức tỉnh táo trước những tính toán tiền nong. Ông ta thu hút khách tới khách sạn bằng sự quyến rũ của mình. Vô số những phụ nữ quý tộc giàu có, già nua đã đến để tìm sự an ủi và cảm  giác được yêu trong vòng tay của ngài Gustave. Nhân vật Gustave được mô tả bằng những chi tiết tỉ mỉ kiểu cách tới mức thái quá, cũng giống như mọi hình tượng và hành động trong bộ phim này, đều bị “đẩy lên” một chút khiến cho người xem có cảm tưởng như xem diễn kịch. Có lẽ đó cũng là xu thế của điện ảnh mấy năm gần đây khi pha trộn giữa sân khấu và điện ảnh, tạo nên những lớp trình diễn mang đậm tính sân khấu từ bài trí bố cục tới cách diễn (như các phim Les Miserable, Anna Karenina …).

The Grand Budapest Hotel
Regisseurs/Director: Wes Andersons
Darsteller/Cast: Paul Schlase (Igor), Tony Revolori (Zero Moustafa), Tilda Swinton (Madame D.), Ralph Fiennes (M. Gustave)

 

Nhưng chính từ sự tinh tế, tỉ mỉ đó, ta nhìn nhận ra con người đẹp đẽ ẩn giấu bên trong chàng Don Juan tưởng chừng như chỉ biết lợi dụng các quý bà yếu đuối. Không, ông đúng là một nhà kinh doanh đặc biệt. Khách sạn của ông không chỉ phục vụ những dịch vụ tốt nhất mà còn phục vụ cả tình yêu và sự lãng mạn, đó là cái mà mọi khách hàng đều khao khát, mong đợi. Sự lãng mạn, ấm áp của người đàn ông đó, cách ông bảo vệ những người mình yêu quý như bảo vệ Zero trước sự tấn công của lính phát xít hay nhất định không nói ra tên người đàn bà đã ngủ với mình dù việc đó sẽ giúp ông có bằng chứng ngoại phạm trước lời buộc tội ám sát Madame D … đã nói lên nhân cách cao quý của Gustave, một sự cao quý mang đậm đẳng cấp của giới hiệp sĩ quý tộc xưa.

The Grand Budapest Hotel nhìn tổng thể là một bộ phim nửa trinh thám, nửa hành động, nhưng được mô tả một cách hài hước rất Anh. Kịch tính của phim bắt đầu từ cái chết đột ngột của quý bà Madame D. (Tilda Swinton đóng), một trong số rất nhiều nhân tình của Gustave, tài sản bà ta để lại cho ông đã đưa Gustave và cậu bé Zero bước vào một chuyến phiêu lưu, đối mặt với con trai Madame D (Adrien Brody đóng), người cùng tay sai của mình ra sức tìm cách hãm hại Gustave, hòng đoạt được gia tài của mẹ. Trong phim có đủ mọi màn thường có của phim hành động: vượt ngục, đấu súng, săn đuổi trên tuyết, giết người … nhưng tất cả đều không hề mang dáng dấp bi thảm đen tối quen thuộc của một bộ phim trinh thám truyền thống.

 

Vẻ đẹp nghệ thuật kinh điển

Chắc chắn các nhà phê bình điện ảnh ngoài việc ấn tượng bởi phong cách kịch nghệ được sử dụng vô cùng khéo léo, còn bị cuốn hút bởi  sự thành công của The Grand Budapest bởi vẻ đẹp nghệ thuật kinh điển trong dựng phim. Phim lấy bối cảnh của đất nước hư cấu mang tên Zubrowka thuộc miền Đông Âu xa xôi, chân  dãy núi mang tên Alpine. Phía dưới chân núi là thị trấn Nebelsbad xinh đẹp, nằm bình lặng bên những rừng thông. Phía trên đỉnh núi sừng sững một tòa kiến trúc cổ kính, với mái ngói xanh ngọc và những bức tường màu hồng nhạt. Khách sạn Grand Budapest “một thời lừng danh, chu đáo và đẹp như tranh vẽ”.

Màu sắc của phim là điểm thu hút khán giả, bởi sắc màu pastel được sử dụng tinh tế tuyệt diệu, làm tan hòa đi những nét u tối lẽ ra phải có trong một phim trinh thám. Bộ phim toát lên chất vintage cổ điển với những mảng màu sống động, rực rỡ, tòa khách sạn đẹp lộng lẫy giữa thiên nhiên, khu thị trấn cổ với những con đường lát đá có tuổi đời nhiều thế kỷ, mang đậm vẻ đẹp châu Âu cổ xưa với những tòa nhà kiến trúc cổ kính, tuyết phủ trắng xóa hai bên mặt đường. Trên cái nền đó, là bối cảnh được sắp xếp, bài trí cẩn thận, chăm chút như thật.

Phần âm nhạc do Alexandre Desplat biên soạn, mỗi trường đoạn trong phim ứng với một nhịp điệu riêng biệt. Tất cả khiến cho mỗi thước phim của The Grand Budapest Hotel hiện lên vừa huyền ảo lại vừa gần gũi, vừa như một sân khấu ngoài trời vừa như một câu  chuyện cổ tích Âu châu xuất hiện trên màn ảnh rộng. Peter Howell, cây viết bình luận phim của tờ The Toronto Star đã đánh giá: “Bộ phim thật là phi thường, giống như một cái bánh được trang trí vô cùng tinh tế, qua đó ta thấy bàn tay của một tay thợ thủ công bậc thầy! Nó mới hấp dẫn làm sao!”

 

Bài liên quan: http://www.thelady.vn/la-boheme-san-khau-cuoc-doi/

 

Bình luận

comments