Vài năm trước, mọi người được phen choáng váng khi một vị tiểu thiếu gia mới tròn 1 tuổi, nhân lễ thôi nôi, đã được phụ huynh “sang tên” cho khối tài sản khổng lồ trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng. Phụ huynh của tiểu thiếu gia tất nhiên là một siêu đại gia, là người nổi tiếng sùng mộ đời sống tâm linh, theo Phật pháp, phát tâm công đức xây chùa chiền, miếu mạo khắp nơi.
Tâm nguyện của ông khi trao khối tài sản cho con trai cũng là muốn con ông theo bước cha, tiếp tục con đường hoằng dương Phật pháp bằng cách xây tiếp những công trình cha còn làm dang dở. Sự kiện được truyền thông đưa rầm rộ, đã khiến không ít người thán phục, thán phục việc trao tặng thì ít mà thán phục khối tài sản của đại gia thì nhiều. Nhưng, nếu nhìn từ nhiều góc độ, không khỏi có chút băn khoăn.
Lời nguyền của tiền bạc
Tiền bạc, của cải trên thế gian này không phải là vô hạn, mà thực tế nó là một số lượng hữu hạn, khởi nguyên công bằng đơn giản, nó đủ cho tất cả nhân loại. Nhưng do nhiều yếu tố, mà dần dần của cải tập trung vào một số nhóm người nhất định. Lẽ đương nhiên, nếu nơi này ngập nước sẽ có nơi khô hạn. Tích lũy của cải là biện pháp phòng vệ an toàn mỗi cá nhân đều mong đợi, song tích lũy tới mức nào lại là việc khác. Của cải, tài sản khi ta có quá nhiều, có nghĩa là ta đã chiếm dụng phần của người khác, nhiều người khác. Dẫu ta có cho rằng tiền của ta kiếm được là sạch sẽ, “quang minh chính đại”, thì về bản chất, nó vẫn là một sự cướp đoạt từ ai đó, vì qua sự làm giàu của ta, nhiều người sẽ nghèo đi. Quá đầy sẽ tràn, chỉ có là tràn như thế nào?
Trao của cải cho con cái là cách truyền thống cổ xưa của các gia đình từ giàu có tới bình thường. Nhưng lịch sử ngàn năm cũng cho thấy không ít các vị tiểu thiếu gia, thiếu gia đã bị đồng tiền hạ gục. Việt Nam thời hiện đại, có ngày nào mở tin tức ra không thấy chuyện thiếu gia chơi xe, phá tán gia sản, nghiện hút, chơi bời trụy lạc? Số vị thành công, giúp người nghèo, nêu gương cho xã hội gần như quá hiếm hoi.
Ý nghĩa thực sự của đồng tiền là mang lại cho chúng ta những điều kiện tốt nhất để phát triển tài năng, nhân cách, giúp đỡ người khác, nhưng rõ ràng trong các trường hợp này thì sự giàu có thừa thãi đã góp phần hủy hoại tài năng và nhân cách của không ít người. Sự “tràn” này là tràn nguy hiểm, theo hướng xấu. “Không ai giàu ba họ”, có phải là lời nhắc nhở về sự phù du của của cải?
Tiền bạc cũng mang năng lượng của nó. Của cải, nhất là khi đến bằng con đường không hoàn toàn minh bạch, sẽ mang trong nó những lời nguyền rủa của kẻ bị mất của, tài sản càng lớn, càng ẩn giấu nhiều lời nguyền. Áp lực vô hình của nó khiến cho người sở hữu khó tìm được sự bình yên. Con đường giải nguyền tự nhiên nhất là tái phân phối lại tài sản, qua làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng, giúp đỡ người nghèo khó.
“Nào hay chùa nát Phật vàng” (Lục Vân Tiên)
Rất nhiều đại gia hiện nay đã bỏ tiền xây chùa chiền, làm công đức nơi cửa Phật. Cũng là một cách để trả nghĩa cuộc đời, vì xây chùa giúp thiện nam tín nữ có nơi cầu Phật là một việc tốt. Nhưng Phật giáo bản chất thanh sơ, giản dị, Phật tại tâm, tránh thờ cúng tốn kém rườm rà. Các ngôi đại điện, bảo tháp … có phải chăng là càng lớn càng thể hiện lòng kính Phật? Ngôi chùa một mái đơn sơ nơi Trúc Lâm Yên Tử, liệu có kém linh thiêng hơn nhiều ngôi đại điện hoành tráng vĩ đại?
Ai đã từng nghiên cứu tôn giáo, nhất là Phật giáo, càng hiểu rõ điều này. Tất cả triết lý của Phật giáo nằm tại chữ “Vô”, đời là vô thường, không có gì vĩnh viễn, tất cả đều là ảo tưởng, sự bám víu vào những thứ ràng buộc trên cõi thế này là nguồn của mọi sự khổ đau, phiền não. Buông bỏ là bước đầu tiên trên con đường tìm đạo. Tư tưởng tự do mênh mông đó liệu có chút nào tương đồng với những ngôi đền đông nghẹt người đến cầu tài cầu lộc, nơi tiền rải khắp nơi, như những cái chợ mua bán Thần, Phật?
Tới thăm nhiều ngôi chùa do các đại gia cúng tiến, người thuần thành kính Phật thường cảm nhận sự thiếu vắng của tinh thần Phật, nhiều khi ta chỉ cảm thấy mùi tiền.
Trong thế giới của những đối cực
Trong khi những người siêu giàu làm một đám cưới cho con tới hàng dăm bảy tỉ hay chục tỉ, khi các thiếu gia đi những chiếc xe siêu sang – thì ở ngay bên góc đường là vô số những người nghèo đói tới mức nhặt rác kiếm miếng bỏ bụng. Chúng ta đang sống trong thời đại kinh hoàng của những đối cực không sao hình dung nổi. Một người có lương tri bình thường sẽ cảm thấy đau lòng khó nuốt trôi miếng ăn khi bên cạnh có người chết đói. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể thản nhiên ăn một bát phở bằng số tiền có thể cứu đói người khác.
Sẽ là không tưởng khi cố tìm lẽ công bằng cho cuộc đời này. Nhưng, ở đây ta bàn về cách khác của sự tràn đầy. Tài sản của cải khi được tràn ra với tâm chia sẻ, khi nó quay ngược trở lại với những người kém may mắn, thì nó sẽ giảm bớt đi gánh nặng của lời nguyền. Một số tỉ phú đã học được điều này tương đối sớm, khi họ dành tiền xây bệnh viện, trường học, cô nhi viện, nhà dưỡng lão … Hàng nghìn, chục nghìn tỉ đồng tích tụ về một vài chỗ, rồi lại được mang ra giúp lại thế gian theo cách tốt hơn, sẽ là một vòng quay thuận chiều và hợp với luật trời.
Không cần học giáo lý đạo Phật mới biết rằng của cải trên đời là phù du, được mất ta không kiểm soát được. Nhiều bậc quân vương lừng lẫy trong lịch sử, nghĩ mình nắm trong tay cả thiên hạ, sự nghiệp muôn đời, rốt cục lại kết thúc cuộc đời và vương triều một cách thảm hại – nhìn gương đó mà ta nhìn lại bản thân mình, một chút của nả, quyền lực nhỏ nhoi liệu có chống lại được nhân quả cuộc đời này?
Lẽ được mất, nhận ra chân ý nghĩa, mới là lúc quay đầu về bờ.