Tôi đi tìm tôi

Chị là chủ một doanh nghiệp thành công với gần trăm nhân viên. Năm mươi hai tuổi, ngoái nhìn lại cuộc đời, chị mỉm cười lặng lẽ nói với tôi: không biết nên vui hay nên buồn khi nhìn về quá khứ. Từ một cô sinh viên khoa Ngoại ngữ gốc Hà Nội hồn nhiên tươi sáng, thích làm thơ, vẽ tranh, thích đi lang thang ngắm chiều hoàng hôn, ra chợ không biết mặc cả … hơn ba mươi năm sau, chị là một người đàn bà thực tế, mạnh mẽ, quyết đoán. Biết nghi ngờ, toan tính, mặc cả từng chút trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Bản lĩnh, lạnh lùng, biết ra quyết định không chút ngần ngại.

Như mình có phải là thành công không? Chị tư lự hỏi tôi. Một căn biệt thự xinh xắn, hai đứa con du học nước ngoài, người chồng tuy không còn gắn bó nồng nàn như ngày trước, nhưng vẫn ở bên chị. Cuộc sống vật chất đủ đầy, công việc tuy căng thẳng nhưng đã không còn áp lực dữ dội như những ngày đầu lập nghiệp. Nội ngoại chu toàn. Chị là người đàn bà được mơ ước, được ngưỡng mộ trong xã hội. Không bị sa lầy vào những cuộc tình, không bị chồng ruồng bỏ, không ốm đau bệnh tật nhiều … Cuộc đời của chị dường như đang đi đến những ngày cuối đời êm đềm mà ai cũng mong đợi. Chị là người đàn bà thành công trong con mắt của xã hội và của những người xung quanh.

Vậy tại sao chị lại ngồi đây cầm tay tôi, trong một buổi chiều mùa đông giá lạnh, nhìn tư lự ra ngoài hồ Tây xa xăm ngút mắt phủ sương mờ, và hỏi tôi – hay tự hỏi mình – rằng cuộc đời mình sao đủ đầy mà mỗi giây phút chị đều thấy mình trống rỗng? Chị nói, có những ngày chị một mình lái xe lên núi, vào một ngôi chùa nhỏ hẻo lánh mà chị biết từ nhiều năm nay, ăn một bữa cơm chay, ngủ một đêm trên chùa, sáng tản bộ trên núi, để thấy lòng mình thêm quạnh quẽ, như thể chị đã đánh mất chính bản thân mình. Chị nói, cuộc đời chị càng về cuối càng là thời gian cô đơn, trống vắng, tuyệt vọng – vì cảm thấy một điều gì đó đã mất đi mà không sao tìm lại được. Sự cô đơn, trống vắng ấy không gì lấp đầy được, dẫu đó là vòng tay ấm áp của chồng, là cái ôm âu yếm của con. Đó không phải sự cô đơn vì thiếu vắng sự hiện diện của Người khác.

Chị bước vào kinh doanh không phải vì niềm say mê tiền bạc, vật chất hay đơn giản là đam mê kinh doanh – mà chỉ vì mưu sinh. Âm nhạc, hội họa, những thứ chị yêu bằng cả trái tim từ khi còn nhỏ xíu, không thể giúp chị kiếm sống. Những đứa con ra đời, lòng người mẹ quặn đau khi thiếu tiền lo cho con khi ốm đau, khi học hành. Và rồi chị từ bỏ công việc ở nhà xuất bản, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng một cửa hàng, rồi cửa hàng nữa, rồi công ty, sản xuất … Kinh doanh giống như một vòng quay nghiệt ngã, ai đó nói thương trường như chiến trường là vậy, bước vào rồi thì phải chiến thắng nếu không sẽ bị loại bỏ. Những ngày tháng vật lộn, chiến đấu, thất bại và thành công, được và mất, tất cả từ từ dạy chị khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn, để hiểu rằng những bài học được viết trong văn chương cũng chính là những bài học của cuộc đời, chỉ có khác biệt là khi ta tự trải nghiệm và bầm dập cùng với nó, ta sẽ thấy nó không hấp dẫn  và thú vị như khi đọc sách đơn thuần.

Hơn năm mươi tuổi, khi mọi thứ ổn định, khi áp lực của tiền bạc, con cái, công việc từ từ lắng xuống, chị đột nhiên thấy mình bắt đầu có nhiều giờ phút thư thái hơn, có thời gian dành riêng cho mình hơn. Chị bảo, lúc đó có cảm giác sung sướng, giống như khi cày xong thửa ruộng, ngồi thanh thản ngắm thành quả lao động của mình. Nhưng sau đó, là cảm giác trống trải, giống như một câu hỏi trỗi dậy: làm gì tiếp đây?

Đó là lúc  sâu thẳm bên trong chị, một tiếng nói âm thầm bị lãng quên hàng chục năm từ từ trỗi dậy, như nàng công chúa ngủ quên trong rừng – nhắc chị về bao khao khát, bao ước mơ một thời trẻ dại, những ước mơ và đam mê tưởng chừng như “vớ vẩn”, nhưng đẹp đẽ biết bao nhiêu. Đó là lúc chị chợt cay đắng nhận ra mình đã đánh mất đi những món quà trời cho tự thời thơ ấu. Chị không còn có thể vẽ, không còn có thể làm thơ hay rung cảm sâu sắc khi nghe một bản nhạc, xem một bộ phim. Nhìn sâu vào bên trong nội tâm, chị chỉ còn thấy những toan tính, lo âu, những muộn phiền quá khứ, hiện tại và nỗi cô đơn khi nhìn đến tương lai, sợ hãi khi thời gian chẳng còn nhiều nữa.

Và đó là lúc chị chợt nhận ra rằng, có những giá trị vĩnh cửu không gì có thể thay thế được. Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp… Giống như cô bé Alice trong xứ sở diệu kỳ, ở độ tuổi năm mươi, chị mỉm cười nhìn tôi và nói: Chị muốn tự tái sinh, trở lại một lần nữa, lại một lần trẻ thơ, hồn nhiên và say mê. Chị lại muốn sống cuộc sống tràn đầy trong thơ ca, âm nhạc, hội họa, tình yêu … với đôi mắt và trái tim của cô bé mười sáu tuổi – một lần nữa.

Tôi muốn dẫn chị tới gặp một người đàn bà khác, tám mươi tuổi. Bà bắt đầu học nhảy múa, ca hát và yoga ở độ tuổi sáu mươi, để tươi tắn, hạnh phúc tràn đầy ở tuổi tám mươi, với nụ cười vui sướng của người phụ nữ đã hoàn thành cả trách nhiệm với xã hội, với người khác –và hoàn thành cả những ước mơ cá nhân được gieo hạt từ thời niên thiếu.

Hạnh phúc thay những người phụ nữ tìm được chính mình sau bao giông tố thời gian!

Bình luận

comments