Đại gia Gatsby

Được coi là tấm gương phản chiếu trung thực hình ảnh của “Thời đại Jazz” (Jazz Age – thời kỳ bùng nổ kinh tế Mỹ 1918 – 1929, trước Đại suy thoái), “Đại gia Gatsby” là câu chuyện kể về một nhân vật tưởng chừng bí ẩn nhưng lại có một cuộc đời rất Mỹ: xuất thân nghèo khó, quá khứ phức tạp, giàu có nhanh chóng mà không ai biết tiền ở đâu ra.

Gatsby là đại diện cho “giấc mơ Mỹ”: một xứ sở mà mọi cơ hội đều có thể trở thành hiện thực với ai có can đảm theo đuổi nó đến cùng, vì đó là xứ sở của tự do, cơ hội cho tất cả mọi người (The land of the free and the home of the brave – miền đất của những con người tự do và nhà của những người can đảm – Quốc ca Mỹ). Không khó hiểu tại sao câu chuyện về cuộc đời thăng trầm bí ẩn và kết thúc bi kịch của ông lại được quan tâm cho tới tận bây giờ, nếu nhìn vào xã hội hiện đại, khi những nhân vật như Gatsby xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các nền kinh tế mới nổi.

Khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, “Đại gia Gatsby” bớt đi nhiều sự nghiệt ngã lạnh lùng của một cuốn tiểu thuyết hiện thực, mà mang đậm màu sắc lãng mạn của tình yêu, thứ tình yêu đắm say, tuyệt vọng của người đàn ông trong một xã hội đầy phân biệt đối xử giàu nghèo, thứ tình yêu bị cân đo bởi tiền bạc và cũng là thứ tình yêu đủ để đẩy con người tới cái chết.

Tình yêu bất tận

Gatsby gặp và yêu Daisy từ ngày nàng còn là một thiếu nữ mười tám tuổi. Nàng là cô tiểu thư quý tộc thuộc một dòng họ danh tiếng ở Louisville, đẹp một vẻ đẹp mong manh đài các. Chàng là một sĩ quan nghèo, choáng váng vì nhan sắc và sự giàu có của gia đình nàng, đã fall in love từ cái nhìn đầu tiên và mang theo tình yêu ấy đi suốt cuộc đời, trong những đêm dài sinh tử trên chiến trường châu Âu, những ngày tháng vật lộn giữa sống và chết. Người đẹp đã không thể chờ chàng mãi, và quan trọng hơn, rich girl can’t marry poor guy” (cô gái giàu không thể lấy chồng nghèo), Daisy đã kết hôn với một “đại gia” thực sự, xuất thân từ một gia đình giàu có khác.

Gatsby đã không thể quên mối tình đầu tiên và duy nhất ấy. Lao vào làm giàu bằng mọi cách có thể, dù là bất chính, chỉ để vươn lên đẳng cấp của nàng. Tổ chức những bữa tiệc xa hoa đình đám nhất, cũng chỉ để hy vọng được nàng biết đến và ghé qua. Mua tòa lâu đài đối diện nhà nàng, dẫu cách xa cả một vịnh biển, chỉ để đêm đêm được nhìn ánh sáng xanh từ cuối bến thuyền nhà nàng tắt dần trong đêm, để mơ tưởng về người đàn bà mình yêu đang mơ màng trong mộng. Tình yêu của người đàn ông này thật mạnh mẽ và cảm động tới độ làm rung động người xem.

Có lẽ, cảnh đáng yêu nhất là cảnh hai người gặp lại nhau trong buổi trà chiều tại nhà Nick, người dẫn chuyện. Một “sói già” như Gatsby, thản nhiên đối mặt lửa đạn và thương trường, mà bồn chồn luống cuống như một chàng trai lần đầu hẹn hò, không đủ can đảm để đối mặt với người phụ nữ mình yêu mà phải trốn chạy dưới trời mưa như trút, rồi lại quay lại ướt sũng và bối rối nhìn vào mắt nàng, vụng về đánh rơi chiếc đồng hồ để bàn … Đó là buổi chiều mà quá khứ và hiện tại đan cài vào nhau, là thời điểm mà tình yêu kéo dài bất tận như không hề có cuộc chia ly

Nàng là ánh sáng xanh dẫn đường cho cuộc đời Gatsby, Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác  … Rồi một ngày đẹp trời …  (đoạn kết tiểu thuyết Đại gia Gatsby)

Rồi một ngày đẹp trời, giấc mộng tan vỡ.

Phù phiếm ơi, ta gọi tên em là Nhan sắc

Những người đàn bà trong “Đại gia Gatsby” đều trẻ và đẹp. Những người đẹp yêu thích sự phù phiếm của trang phục lộng lẫy, của những buổi tiệc xa hoa, của sự giàu có nhàn tản. Đó là thế giới của những người đàn bà bị ám ảnh bởi tình yêu, đàn ông, sự giàu sang, tiền bạc. Tình yêu là điều nàng khao khát, tiền bạc là thứ nàng cần, sắc đẹp và tuổi trẻ là sức mạnh của nàng để chinh phục thế giới. Và những người đàn bà ấy đều rơi vào bi kịch khi phải lựa chọn giữa tình yêu và tiền bạc, mà cuối cùng, nàng nào cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của tiền bạc.

Không phải ngẫu nhiên mà “Đại gia Gatsby” phiên bản 2013 nhận giải Oscar cho trang phục và thiết kế sản xuất. Sự có mặt của những thương hiệu thời trang đình đám nhất  như Prada và Tiffany, cùng kỹ xảo điện ảnh hiện đại đã phủ lên bộ phim 3D sắc màu lung linh lấp lánh của một thế giới mộng ảo, nơi sắc đẹp phụ nữ được tôn vinh và cũng là nơi tình yêu đích thực bị nhấn chìm trong lụa là và vàng bạc.  Daisy đã từ bỏ Gatsby vào lúc chàng cần nàng nhất. Sự tàn nhẫn của Daisy đã giết chết Gatsby trước khi viên đạn nghiệt ngã từ nòng súng của Wilson thực sự lấy đi mạng sống của anh. Nhưng, có nên kết tội Daisy?

Ca khúc chủ đề của phim trong phiên bản 2013: Young and Beautiful , là tiếng lòng của Daisy và cũng là tiếng lòng của những người đàn bà trong phim.

“…Will you still love me when I’m no longer young and beautiful?
Will you still love me when I got nothing but my aching soul?

“…Liệu anh có còn yêu em cả khi em không còn trẻ và xinh đẹp nữa?
Liệu anh có còn yêu em khi em chẳng còn gì ngoài một tâm hồn đau khổ?

Người phụ nữ xinh đẹp quý phái kia đã từng tan vỡ trái tim khi phải kết hôn với người mình không yêu, chứng kiến chồng mình ngoại tình ngay sau ngày cưới … đã không đủ can đảm để bước vào thế giới đầy bất trắc với người tình, khi bản thân nàng đã không còn lòng tin vào sự chung thủy của đàn ông. Điều gì sẽ chờ đợi nàng khi I am no longer young and beautiful?

Bình luận

comments