Người Việt

Xin đừng vội nghĩ tôi chê người Việt, vì đa phần chúng ta vẫn mặc định “văn hóa” là cách ứng xử trong đời sống hàng ngày. Từ khoảng 15 năm nay, tôi rất thường nghe câu: “Anh/chị ấy ít học, nhưng có văn hóa”.

Đây là một sự nhầm lẫn khái niệm rất nguy hiểm – mà tôi cho rằng nó đã kéo lùi trình độ văn hóa và đặc biệt là “khát khao văn hóa” của người Việt tới vài thập kỷ.

“Văn hóa ứng xử” chỉ là một phần bé tí tẹo trong tổng thể ý nghĩa của khái niệm văn hóa chung. Khái niệm văn hóa theo nghĩa từ ta hay dùng (tiếng Hán: văn trị giáo hóa) và văn hóa theo tiếng phương Tây (culture – cultus animi – trồng trọt tinh thần) – tuy có nhiều điểm khác nhau, chưa kể theo thời gian, cũng có những biến đổi nghĩa đáng kể – nhưng vẫn bao hàm một phạm trù hết sức rộng lớn.

Nói ngắn gọn thì: “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra. Bao gồm nghệ thuật, văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, hệ thống các giá trị, tập tục, tính ngưỡng … Văn hóa mang lại cho con người khả năng suy xét về bản thân …” (định nghĩa của UNESCO).

Là người làm báo, 24 năm qua tôi gặp rất nhiều người, đủ mọi tầng lớp, quốc tịch, nghề nghiệp, tính cách. 15 năm trở lại đây, tôi nhận thấy mình càng ngày càng khó tìm được người mà mình có thể nói chuyện lâu dài cùng. Tại sao vậy?

Rõ ràng là chúng ta ngày càng văn minh hơn, hiểu biết hơn, đọc nhiều hơn, du lịch khám phá rộng rãi hơn, quan hệ mở mang hơn. Thế nhưng, bạn có để ý rằng người Việt ta khi ngồi nói chuyện với nhau, đi du lịch cùng nhau … chủ yếu mọi câu chuyện đều quay quanh: công việc, tiền bạc, con cái, gia đình, hoặc chửi xã hội, chửi chính quyền … Lâu lâu có đi xem phim xem kịch thì ngoài mấy câu: hay nhỉ, đẹp nhỉ, chán nhỉ … là hết chuyện. Sách thì chủ yếu đọc mấy cuốn đơn giản, không phải động não.

Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều về chuyện này.

Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ bố mình không bao giờ bận tâm nói tới những chuyện đó. Ông thường kể cho tôi nghe về thế giới bên ngoài. 5 tuổi tôi đã biết về nguồn gốc loài người, về những bộ tộc ở châu Phi xa xôi. Tới nhà các bác tôi cũng vậy. Tất nhiên, tôi biết là mình may mắn sinh ra trong một gia đình trí thức. Thế nhưng, một điều tôi nhận ra từ bé: những người trí thức thật sự, chính là những người mà sự hiểu biết của họ tạo ra những chuẩn mực về văn hóa cho xã hội.

Văn hóa không phải là thứ để mang ra trưng diện. Kiến thức, hiểu biết là để ta có thể sống cuộc sống tuyệt vời, có thể tận hưởng hết những sắc màu, cung bậc của nó – trong một kiếp sống ngắn ngủi.

Mùa hè năm 2005, một chiều thứ 7, tôi đi dạo trong khu vườn tuyệt đẹp trước sân nhà thờ ở Bruge (Bỉ), cùng Olivier, một người bạn. Olivier chỉ hơn tôi có 1 tuổi, nhưng đã là phó chủ tịch một ngân hàng lớn của Đức, rất thành đạt. Nhưng cả buổi chiều, chúng tôi chỉ nói chuyện về hội họa. Bạn ấy dù rất bận nhưng vẫn tham gia học hội họa ở Paris, chỉ để thỏa mãn niềm yêu tranh.

Trời mưa. Chúng tôi chạy vào trú trong nhà thờ, và bản thánh ca vang lên. Âm nhạc tuyệt vời, tiếng mưa bên ngoài, người bạn đồng hành … tất cả đã khiến tôi ấn tượng mãi.

Ở Việt Nam, thú thực, tôi cảm thấy khó khăn vô cùng khi tìm kiếm một nhóm người như vậy. Với nghề nghiệp chính là nhà báo, 25 năm qua tôi đã gặp gỡ vô vàn những nhóm người ở đủ mọi tầng lớp xã hội khác nhau, trình độ khác nhau …Nhưng từ 15 năm nay, cơ duyên gặp những người có một phong thái tương đối hoàn chỉnh về văn hóa (ăn mặc lịch thiệp, cư xử tao nhã, kiến thức rộng rãi, nói năng lịch sự, khiêm tốn, thành đạt trong lĩnh vực của mình …) càng ngày càng hiếm đi.

Ấn tượng đẹp nhất tôi từng có là một buổi chiều đông gần 20 năm trước, đi dạo trên phố Tràng Tiền, nhìn sang bên đường, trước cửa Galery Nam Sơn (đẹp nhất HN lúc đó), thấy Dương Tường và nhóm Gang of Five, đồng loạt mặc áo khoác dài màu đen thanh lịch, đứng trò chuyện trong bóng chiều buông, đẹp tới mê hồn. Tôi đã không nén nổi câu đùa với Dương Tường là, khi em nhìn các anh từ bên kia đường, em đã ước gì em là họa sĩ – để có thể làm bất tử cái khoảnh khắc rất hiếm hoi ấy của Hà Nội.

Tôi nghĩ, mỗi tầng lớp xã hội, có khả năng tiếp cận mức độ văn hóa riêng. Tôi không cực đoan tới mức đòi hỏi (ít nhất) tất cả dân thành thị VN đều đọc sách, hiểu biết âm nhạc, hội họa, lịch sử, triết học ….

Nhưng ít nhất thì tôi cũng hy vọng có một tầng lớp trí thức trẻ mới, biết đi qua đám tạp nham ồn ào của đủ thứ “văn hóa phẩm đại chúng”, để thấm hút những thứ tinh túy hơn, tạo ra một tầng lớp “trí thức thượng đẳng”.

Một dân tộc mà giới trẻ chỉ biết có Sơn Tùng, phụ nữ chỉ biết có Lý Nhã Kỳ … thì chúng ta lúc nào cũng chỉ là đám dân hạng ba ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Kết lại một câu chuyện vui: Khi tôi 8 tuổi, lần đầu tiên đọc 2 vạn dặm dưới biển, tôi vô cùng sung sướng khi phát hiện ra là thế giới có 4 biển. Tôi liền tới lớp đố các bạn mình: Thế giới có mấy biển. Các bạn nói: Có biển Nha Trang, biển Vũng Tàu, biển Đông …. Hì hì. Lúc đó con bé 8 tuổi là tôi đứng hình, tức mà không biết làm sao phản bác, vì nói thế nào các bạn cũng không chấp nhận.

Khác biệt văn hóa nó là vậy đấy!

Bình luận

comments