Bali - Mùa xuân năm 1934

Năm 2012, tôi có may mắn được trải nghiệm năm mới tại Bali. “Nyepi” là tên gọi ngày lễ năm mới (như Tết Việt Nam) ở Bali. Năm đó, theo lịch mặt trời, rơi vào ngày 23/3 – năm 1934.

Giống như hầu hết du khách, khi book vé máy bay và khách sạn sau khi ăn Tết Việt, tôi không hề biết rằng mình sắp sửa sẽ được đón năm mới một lần nữa ở Bali. Sân bay đông đúc, đường phố Kuta (khu trung tâm Bali) đông chật khách du lịch tới tận hưởng kỳ nghỉ như bình thường. Nhưng ngay khi check in, cô lễ tân với nụ cười dịu dàng đã đưa cho tôi tờ thông báo rằng chỉ hai ngày nữa là lễ đón năm mới. Đọc kỹ tờ thông báo, tôi tá hỏa nhận ra rằng ngày đầu tiên của năm mới ở đây là “Silence Day: Ngày tĩnh lặng”. Không bật đèn, không nói chuyện, không ra ngoài …”. Chẳng lẽ với du khách cũng vậy?.

Chỉ vài bước bên ngoài kia là hàng ngàn du khách đủ quốc tịch đang say sưa trong các quán bar, nhà hàng, café hay dạo chơi trên phố, shopping … Làm sao họ có thể nhốt cả vạn du khách trong nhà nguyên ngày?Câu trả lời của cô lễ tân là: Yes, you will probably enjoy it! Kèm theo một nụ cười không thể dễ thương hơn.

“Ngày tĩnh lặng”

Nyepi – “Day of Silence” – là ngày lễ đón năm mới theo lịch Bali (ngày này năm 2015 sẽ là ngày 21 tháng 3). Đó là ngày của tĩnh lặng, ăn chay và thiền định (từ 6:00 đến 6:00 sáng hôm sau). Đối với người Bali, Nyepi là ngày để nhìn lại bản thân, tái kết nối với Thượng đế. Vì vậy, toàn đảo bị cấm đốt lửa, vặn nhỏ hoặc tắt đèn, không làm việc; không giải trí, không du lịch, hạn chế nói chuyện hay ăn uống. Ngay cả khách du lịch cũng phải tuân theo: không ai được phép ra ngoài, mọi bãi biển, sân bay, truyền hình, khu vui chơi đều ngừng hoạt động, khách chỉ ăn đồ nguội được chuẩn bị từ hôm trước …

Ngày cuối cùng của năm cũ, trung tâm Kuta, nhất là các đường phố chính xung quanh quảng trường trung tâm trở nên sôi động. Người dân khắp nơi đổ về tham gia lễ hội tống tiễn quỷ dữ, đón chào năm mới. Mỗi làng lân cận mang tới một con quỷ (Ogoh-ogoh: tượng trưng cho linh hồn ma quỷ trong cuộc sống), cao từ 3 – 8 mét, làm bằng xốp và giấy bồi. Hàng chục con xếp hàng dài dọc phố, phô diễn vẻ đẹp mà tài năng của người nghệ nhân khiến mọi du khách ngưỡng mộ. Lễ hội kéo dài từ 8h tối tới 12h đêm với các màn diễu hành, múa hát, lời chúc tụng của ngài Thủ hiến Bali. Tôi không hiểu tiếng Bali, chỉ thấy ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Om Shanti, Om Shanti, Om Shanti” (lời chúc bình an trong tiếng Hindu). Tới 12h đêm, các làng đưa quỷ về làng và đốt ở ngoài làng hoặc ngoài cổng đền, coi như một hình thức xua đuổi tà ma.

Sáng đầu tiên của ngày tĩnh lặng, toàn đảo yên tĩnh lạ lùng, chỉ còn tiếng ríu ran của những chú chim chạy đuổi nhau trong khu vườn xanh của resort. Bali chìm trong tĩnh lặng. Trời trong sáng, thanh khiết. Đứng trên sân trời của nhà hàng, tôi cảm nhận một không gian tràn ngập năng lượng, thanh mát và bình an. Thành phố Kuta náo nhiệt đột nhiên trở nên vắng tanh, chỉ còn bóng vài cảnh sát đi tuần để tránh không cho ai phạm luật. Cổng khách sạn đóng chặt và treo giấy cấm du khách ra ngoài. Không khí thanh bình bao phủ toàn đảo.

Với người Bali, đây là ngày đặc biệt, ngày tưởng nhớ tới Thượng Đế. Thượng Đế không là gì khác ngoài những giá trị nhân bản nguyên thủy nhất bên trong ta. Từ quan điểm tôn giáo và triết học của Ấn giáo, Nyepi nghĩa là ngày tự xét lại bản thân, để trở lại những giá trị cốt lõi, ví dụ như tình yêu, sự kiên nhẫn, lòng tốt …vvv. Đó là ngày ta sống trở lại là chính mình, sống trong tình yêu thương thuần khiết hướng tới đấng sáng tạo, là khoảng thời gian khi mọi toan tính đều lắng xuống, là lúc mọi người đều chỉ tập trung nguyện cầu đón nhận tình yêu thương từ Thượng Đế.

Bali – mảnh đất thiêng liêng

Bali thuộc Indonesia nhưng nếu đa phần dân Indonesia theo Hồi giáo thì Bali lại là hòn đảo mang đậm sắc thái Ấn Độ giáo. Dân phần lớn sùng kính các biểu tượng Ấn giáo, hình ảnh Krishna, Arjuna, thần voi Ganesha, Shiva … (các vị thần Ấn giáo) xuất hiện khắp nơi, đặc biệt trong các đền thờ, nơi Ấn giáo pha trộn với tín ngưỡng dân gian địa phương. Hàng vạn ngôi đền trải khắp đảo, hầu hết đều rất cổ kính. Nổi tiếng và lớn nhất là ngôi đền Mẹ (Mother Temple), ngôi đền cổ nhất Bali, với hơn 1200 năm lịch sử. Mother Temple nằm trên đỉnh một ngọn đồi lớn, mang vẻ đẹp kỳ vĩ, choáng ngợp. Không phải sự choáng ngợp của vàng son rực rỡ, mà trái lại, ngôi đền trầm mặc, thâm u, huyền bí. Khi tôi tới là giữa trưa của một ngày Bali vừa mưa vừa nắng, những tòa tháp trong đền cao chất ngất, những vườn tượng mênh mông, khu thờ cúng … tất cả đều mang màu xám đen cũ kỹ, được bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, không khí toát ra vẻ liêu trai. Trong đền, nhiều nhóm pháp sư đang tiến hành làm lễ cúng tế cho các gia đình. Hương trầm tản mát khắp nơi, khiến ai tới đây cũng chợt thấy mình hạ giọng và cúi đầu kính ngưỡng.

Một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng khác là Tanah Lot. Nằm trải dài trên hai mỏm núi nhô ra biển, Tanah Lot là một quần thể đền thờ, vườn hoa thiên nhiên, uốn cong ôm vào lòng vụng biển, hài hòa tuyệt vời với biển xanh. Đây là nơi được các trang web du lịch nổi tiếng bình chọn là “điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”. Chiều tà, hàng ngàn du khách ngồi trên bờ kè, hay ở các lối đi trên núi, lặng lẽ ngắm nhìn biển trong thời khắc mà chỉ có thể miêu tả bằng từ “lộng lẫy, diễm tuyệt”. Hàng vạn tia nắng cuối ngày đỏ sẫm, trải lên bầu trời xanh tấm màn dẻ quạt của buổi tà dương, sóng lăn tăn trải dài trên bãi cát trắng mịn. Khu rừng sau lưng từ từ sẫm bóng. Khung cảnh mênh mông khoáng đạt tới mức làm tim ta muốn dừng đập.

Trăm năm một cõi đi về

Ubud, khu trung tâm du lịch thứ hai ở Bali, đáng cho mọi nhà bảo tồn văn hóa phải ngả mũ. Hàng trăm năm đã qua, vẫn còn đó những con đường nhỏ quanh co, những khu nửa phố nửa làng khi hai bên vẫn là những ngôi nhà cổ rộng rãi được giữ gìn đẹp như tranh vẽ. Mặc dù nơi đây đông nghẹt du khách, nhưng hai bên đường hầu như không nhiều bóng dáng nhà mái bê tông, sơn phết đủ màu hiện đại. Mà vẫn là những khu nhà lớn đủ cho đại gia đình, những cổng vòm cổ đắp hình Visnu hay Hanuman. Vẫn màu trầm mặc  cũ kỹ, khoảng sân rộng lát gạch đỏ rụng đầy hoa đại, nghing phong đình nơi sáng sáng, chiều chiều các cô gái ngồi tết những vòng hoa thơm ngát để choàng cho các tượng thần được thờ cúng khắp nơi. Hàng triệu người mê mẩn khi đọc và xem phim  “Ăn, cầu nguyện và yêu”, nhưng khi tới Bali, tôi mới thấy phim chưa thể hiện được hết vẻ đẹp mê hồn của những ngôi nhà cổ Bali, nơi nhiều thế hệ cùng sinh sống.

Bali mỗi năm thu hút 13 triệu du khách (gấp đôi lượng khách tới Việt Nam), những tưởng du lịch sẽ tàn phá nơi này. Nhưng trăm năm đã qua, hòn đảo này vẫn giữ được vẻ nguyên sơ hồn hậu. Những bãi biển tuyệt đẹp bao quanh đảo, là thiên đường cho dân chơi lướt sóng, lặn biển. 7 ngọn núi lửa, nhiều ngọn đang hoạt động, các khu rừng nguyên sinh nhiều muông thú, thác nước, hồ … tất cả đều được chăm sóc và bảo vệ rất tốt. Hòn đảo du lịch này thực sự là điểm đến hút hồn du khách, kể cả trong ngày yên bình tĩnh lặng nhất của nó.

Elizabeth Gilbert đã đúng khi viết trong tiểu thuyết (Ăn, Cầu nguyện và Yêu) của cô rằng: “Hòn đảo của các Thần, nơi ai ai cũng là nghệ sĩ, và vườn Địa đàng chỉ cách ta có một với tay, ngay bên ngoài cửa sổ phòng ngủ … Đó là Bali”.

Bình luận

comments