Blue Jasmine

Khi Cate Blanchet nhận vai nữ chính trong bộ phim Blue Jasmine, chắc cô không đoán được rằng vai diễn này sẽ mang lại cho cô những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất. Và Cate đã vinh dự nhận giải Quả Cầu Vàng cho vai nữ chính xuất sắc nhất; Giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Hiệp hội Điện Ảnh Mỹ; Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất 2013.

Bộ phim của Woody Allen: Blue Jasmine (Hoa nhài xanh), thể hiện hình ảnh người đàn bà giàu sang trong xã hội thượng lưu Manhattan giàu có bị sa sút – được đánh giá là một thành công lớn về cả thương mại lẫn nghệ thuật. Với chi phí đầu tư 18 triệu USD, bộ phim đã sớm thu về gần 100 triệu USD tiền bán vé trên toàn thế giới chỉ sau thời gian ngắn phát hành. Bên cạnh thành công của vai nữ chính, Sally Hawkins, người đóng vai Ginger, em gái Jasmin, cũng nhận đề cử Oscar cho vai nữ phụ xuất sắc nhất.

Hai mặt của hai thế giới:

Jasmine, người phụ nữ xinh đẹp, lấy chồng là một trong những đại gia tài chính phố Wall, một nhà đầu tư giàu có và lịch thiệp (Alex Baldwin đóng). Cuộc sống hôn nhân của cô là một chuỗi ngày vàng son, đắm chìm trong tình yêu, tình dục, tiệc tùng, hàng hiệu, trong thế giới siêu giàu sang và đắt giá mà chỉ những triệu phú Mỹ mới có thể thụ hưởng. Thế giới một thời từng là của Jasmin là thế giới của những tiêu chuẩn mẫu mực: Sang trọng, quý phái, giàu có, lịch thiệp, tinh tế, ngạo mạn … Đó là thế giới của tiền bạc và mọi thứ mà tiền bạc có thể mua được: Danh vọng, của cải, lễ hội, tình ái … và cao hơn thế, là sự tự tin vào những giá trị mặc định được gán cho tầng lớp giàu sang. Nhưng thực tế, dẫu là một thế giới phủ bằng vàng ròng theo đúng nghĩa đen của nó, thì thế giới ấy vẫn mang một mặt tối tăm của dối trá, lừa lọc, giả tạo, trầm uất … một thế giới thiếu vắng tình yêu, sự quan tâm và chia sẻ thực sự.

Thế giới vàng son chói lọi của Jasmine mà người thường không thể mơ hay hình dung đến đó, một ngày kia sụp đổ tan tành. Chồng cô, vị đại gia thích làm từ thiện, luôn rao giảng những lời cao quý về tư cách đạo đức trong kinh doanh – bị bắt vì tội gian lận, lừa đảo trong kinh doanh cổ phiếu, chứng khoán và tự tử trong tù. Con trai bỏ đi, từ mặt cha mẹ vì cảm giác sụp đổ thần tượng và bị lừa dối, xấu hổ vì cha mẹ trước bạn bè tại Harvard. Bản thân “người đàn bà đẹp” mất toàn bộ tài sản và phải tìm con đường sinh sống khó khăn trong tuyệt vọng. Bởi lẽ, cô không quen và không biết làm việc, không thể thích ứng với một thế giới thực, thế giới không đi theo những quy chuẩn của vàng ròng một thời.

Đó là thế giới của Ginger (Sally Hawkins đóng), em gái cô, một phụ nữ bán hàng trong siêu thị bình thường. Là ngôi nhà tầm thường nhỏ hẹp ở một khu ngoại ô. Là những công việc tầm thường như trực điện thoại, làm lễ tân, bán hàng, làm việc với những người rất đỗi bình thường. Là những cuộc hẹn hò, tán tỉnh rất “chợ búa”, thô thiển với vài người đàn ông lao động thô lỗ. Là một thế giới mà những bộ áo Chanel, túi xách Hermes và LV của cô không sao tương thích được. Là một thế giới thực tại mà cô không sao thích ứng được, không sao hiểu được, bởi lẽ cô vẫn nhìn thế giới đó bằng đôi mắt của người của giới thượng lưu.

Và Jasmin chìm sâu trong tuyệt vọng, trầm cảm, nghiện rượu, hoang tưởng. Cô từ từ rơi xuống đáy sâu tuyệt vọng, và cố gắng thoát ra bằng cách bám víu vào người khác, bám víu vào mối tình với một người đàn ông cũng thuộc tầng lớp như cô, hy vọng anh ta sẽ đưa cô trở lại thế giới thượng lưu mà cô quen thuộc. Nhưng cô mau chóng nhận ra rằng, trong thế giới thượng lưu, người ta dễ dàng bỏ rơi nhau chỉ vì hai chữ thể diện, như người tình của cô lập tức bỏ rơi cô ngay khi biết sự thật về chồng cô. Trong đoạn kết phim, cô bỏ nhà người em gái ra đi và ngồi lang thang ngoài đường, tự nói chuyện với mình trong một mớ hỗn độn vô bờ bến. Có thể nói, toàn bộ bộ phim là cảnh tự tra tấn nội tâm của Jasmin, tự hành hạ và nhốt chặt mình trong hoang tưởng về một thiên đường đã mất.

Ý nghĩa và giá trị cuộc đời

Tấn bi kịch của người phụ nữ này bắt nguồn từ định nghĩa sai lầm về giá trị và ý nghĩa của cuộc đời mình. Thành công, sự giàu có, quyền lực, địa vị, lối sống xa hoa … đã được một phần lớn nhân loại coi là ý nghĩa và mục tiêu của cuộc đời. Vì vậy, mất đi những điều đó đồng nghĩa với việc ta đánh mất đi ý nghĩa cuộc sống, đồng nghĩa với việc ta không còn giá trị trong con mắt người khác. Bi kịch hơn là khi ta mặc định ý nghĩa và giá trị của con người là như vậy, thì ta cũng tìm kiếm và giao lưu với những người có cùng tư duy giá trị tương tự. Điều này không khác gì ý tưởng là người sang trọng thì phải xài đồ hiệu, đi xe sang, gặp gỡ người giàu có như mình để khẳng định đẳng cấp. Nhưng cũng như ta, có thể những người đó cũng gặp gỡ, giao lưu với ta bởi lý do tương tự.

Chính vì vậy, khi ta rơi khỏi “đẳng cấp” đó, ta không còn là một thứ “đồ hiệu” nữa, thì những người tưởng như là bạn ta, mang lại giá trị cho ta cũng rời bỏ ta mà đi. Đột ngột, ta chợt nhận ra mình cô đơn, trơ trọi, trần trụi trong thế giới này, không còn biết bám víu vào đâu. Ta chợt thấy mình mất đi toàn bộ giá trị. Đó chính là tấn bi kịch của Jasmin, cũng là thông điệp mà ông già từng trải Woody Allen gửi tới khán giả.

Dụng ý đặt nhân vật Ginger bên cạnh Jasmine với một đời sống tương đồng về tình yêu, tình dục, vật chất, con cái, công việc, thất bại … trong một thế giới song song với thế giới của Jasmine, Woody Allen đã hóm hỉnh cười nhạo cái thế giới “vàng son” kia, khi tạo nên một hình ảnh Ginger mạnh mẽ vượt qua số phận và giang tay chào đón người chị đã từng ngoảnh mặt với mình.

Bởi lẽ, cô đại diện cho một hệ giá trị bền vững và nhân văn hơn rất nhiều so với hệ giá trị quy chiếu bằng vàng.

Bình luận

comments