Cổ trấn Trung Hoa

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Ai từng mộng tưởng phong cảnh Giang Nam trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, hay mê xem phim chưởng, không thể không một lần tới với các cổ trấn Trung Hoa. Cái xứ Tàu lạ lùng, dẫu phát triển vù vù với đường cao tốc và các thành phố hiện đại – nhưng vẫn cứ ôm ấp nhiều hoài niệm cũ – chả thế mà không ít cổ trấn có tuổi đời vài trăm năm vẫn bình thản trơ gan cùng tuế nguyệt, để du khách phương xa khi đặt chân tới đây được hưởng cái thú lần bước dưới rặng liễu già, bên dòng sông lặng lẽ trôi, mà thương nhớ về một thời thanh bình êm đẹp …

Xuân hạ thu đông, mùa nào cổ trấn Trung Hoa cũng đẹp, nhưng theo ý tôi thì mùa đông là đẹp nhất, khi liễu tàn hoa khô, tuyết rơi trắng trên những mái nhà lợp đá đen cong cong trong chiều gió đổ, khung cảnh đã trở thành vĩnh cửu trong các bức thủy mạc Trung Hoa, nơi cảnh và đạo hòa quyện, cảnh thiên nhiên u tịch thanh khiết – hợp với các đạo sĩ nho sĩ tàu mang bầu rượu túi thơ ngắm thiên nhiên mà cảm khái nhân tình thế thái.

Xứ Tàu vẫn còn có tầm vài chục cái cổ trấn, nhiều thành cổ. Mùa thu này tôi có dịp được thưởng nắng vàng và hoa cúc đúng mùa nở rộ ở mấy cổ trấn gần rặng Hoàng Sơn kỳ vĩ bậc nhất Trung Hoa. Rồi lạc bước về Thượng Hải để được bữa ngồi thuyền ngắm sông nước xứ Giang Nam quanh mấy “tiểu Venice châu Á”.

Cổ trấn Hoành Thôn và Tây Đệ

Năm 2000, khu di tích thôn cổ Nam An Huy, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành Thôn đã được UNESCO ghi nhận là “Di sản văn hóa thế giới” nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc: đường cổ, cầu cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.

Hoành Thôn xếp hạng năm sao trong các cổ trấn tàu. Tựa lưng vào dãy Hoàng Sơn, đường đến Hoành Thôn vòng vèo quanh núi, hai bên là những cánh đồng hoa cúc trắng và vàng nở bạt ngàn dưới nắng thu. Trà hoa cúc là đặc sản xứ này, được sao trong những vạc đặc biệt bằng gỗ, nên nước bóng loáng bởi thời gian. Làng được bảo tồn tới mức hoàn hảo, ngoại trừ du khách, cái gì cũng mang dáng vẻ của cả trăm năm trước.

Hoành Thôn mang nét đặc sắc của những ngôi nhà mái cong đen nhánh, điển hình xứ tàu. Dòng nước trong lành chảy từ trên núi xuống chạy quanh co trong làng qua hệ thống mương nước, là nguồn cung cấp nước dùng cho cả làng. Nhà nào ở đây cũng có sân trời, mưa tuyết vô tư rơi thẳng vào sân và thoát đi qua hệ thống nước ngầm.

Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc, không xa Hoành Thôn. Huyện Y được thành lập từ thời nhà Tần nhưng mãi đến thời Bắc Tống thôn mới được xây dựng .

Thôn Tây Đệ bốn mặt đều giáp núi. Nước trong thôn trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Những ngôi nhà cổ ở đây được xây hoặc liền sát nhau hoặc được xây tách rời độc lập. Giống như Hoành Thôn, các ngôi nhà ở đây đều có giếng trời, bốn xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời, xung quanh tường không có cửa sổ, nếu có thì cũng rất nhỏ và ở trên cao. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.

Cổ trấn Châu Trang: “Venice phương Đông

Người Trung Hoa phong cho thị trấn Châu Trang là: “thành phố nước đệ nhất”, còn với du khách gần xa thì nơi đây là “Venice phương Đông”. Nằm cách Thượng Hải khoảng 1 giờ xe chạy về phía tây, thị trấn Châu Trang là thành phố nước ra đời sớm và tiêu biểu nhất của xứ hoa gấm Giang Nam.

Thị trấn nhỏ với dân số chỉ khoảng 20.000 người nhưng tập trung mọi vẻ đẹp của những thành phố nước phía nam sông Dương Tử: những cây cầu đá cong cong với những chi tiết chạm trổ sinh động vắt ngang những dòng kênh- mạng lưới giao thông chính của thị trấn này, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen, những “đèn lồng đỏ treo cao”, và nhất là những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh dưới nhịp chèo khoan thai của các cô nàng mặc áo bông xanh, vừa chèo vừa cất tiếng hát lanh lảnh…

Châu Trang dẫu tấp nập du khách vẫn cứ thong thả bình yên. Ngồi trên lầu quán trà, nhâm nhi món bánh ngọt từ các loại đậu đủ màu sắc, nhìn xuống bến thuyền ẩn sau rặng liễu, nắng thu lãng đãng quyện với gió thổi về từ hồ xa xanh mướt, thế là đủ cho một ngày thư giãn cuối tuần trốn chạy cái ồn ào đô thị.

Chu Gia Giác

Chu Gia Giác là thắng cảnh miền sông nước nổi tiếng nhất Thượng Hải, nơi vẫn còn mang dáng nét cổ trấn hơn ngàn năm tuổi. Cách trung tâm thành phố 1h đi xe bus, nhưng đây đã là một thế giới hoàn toàn khác với một Thượng Hải phồn hoa với vô số tòa cao ốc.

Chu Gia Giác là nơi mà ta vẫn thường thấy trên phim ảnh cổ lãng mạn: thiên nhiên trong lành, liễu rủ ven sông, thuyền bè thong thả trôi, những cây cầu, những ngôi nhà cổ treo đèn lồng đỏ. Đây là địa điểm được bình chọn là 1 trong 50 địa điểm ở Trung Quốc mà người nước ngoài nên đến nhất. Thị trấn có 36 cây cầu đá lớn nhỏ nối liền 9 con đường men theo bờ sông, nối liền khoảng cách và những hoài niệm. Biểu tượng của Chu Gia Giác là cầu Phóng sinh, cây cầu đá 5 nhịp lớn nhất còn lại ở vùng đồng bằng Trường Giang. Bên cạnh cầu là đình Phóng sinh, nơi có thể thả cá, thả rùa.

Bình luận

comments