Ấn Độ ava

Được mệnh danh là một “tiểu lục địa” bởi diện tích rộng lớn của mình, Ấn Độ giống như một thế giới riêng khác biệt với thế giới còn lại bởi chiều sâu văn hóa và truyền thống đậm đặc, dường như không bị tác động bởi bên ngoài. Nhưng thế giới ấy ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hiện đại hóa với những cánh cửa mở toang đón chào thời kỳ toàn cầu hóa.

Chuyến đi Ấn Độ một tháng đã giúp tôi có cái nhìn cận cảnh hơn về một đất nước đang trong thời kỳ chuyển hóa và hội nhập mạnh mẽ nhưng vẫn giữ nguyên dáng nét truyền thống cổ xưa

Từ những thành tựu đáng kinh ngạc

Từ Bangkok bay sang Mumbai, ta không bị sốc vì sự khác biệt giữa một đất nước Thái Lan vốn có tiếng là hiện đại với một nước Ấn thường bị coi là “kém” hơn Thái. Thường với người quen du lịch, nhìn sân bay là biết trình độ phát triển và dịch vụ của một đất nước. Sân bay quốc tế Mumbai lộng lẫy sang trọng không khác gì một khu phức hợp 5 sao, có thể nói là hơn hẳn các sân bay có hạng trong khu vực Châu Á, với mái vòm và cột hình đuôi công cầu kỳ, khu sảnh chờ có ghế đệm và đèn chùm trang nhã cổ điển như những quán café kiểu Pháp. Sân bay New Delhi được Hiệp hội các sân bay thế giới đánh giá là sân bay tốt nhất thế giới năm 2014 (World’s number one airport). Tấm bảng hiệu chứng nhận giải thưởng danh giá này được kiêu hãnh trưng khắp các góc trong sân bay như bằng chứng cho chất lượng dịch vụ ở đây.

Các thành phố lớn ở Ấn Độ trong những năm gần đây đã phát triển vượt bậc. Tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như thủ đô New Delhi, Mumbai, Bangalore, Ahmehabad, Pune, Hyderabad … bên cạnh các khu thành cổ, phố cổ, các khu biệt thự hay phố xá mang phong cách thuộc địa kiểu Anh cũ – là những tòa building hiện đại. Quy hoạch tổng thể tốt, kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu gia tăng … đã giúp cho các đô thị Ấn trở nên ngày càng thịnh vượng.

Ấn Độ hiện được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với GDP đạt 8,8%. Nhờ vào những chính sách và định hướng khoa học công nghệ đúng đắn, Ấn Độ đã trở thành nước sản xuất gạo lớn thứ hai, sản xuất lúa mì và sữa lớn thứ tư trên thế giới. Ngành công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm Ấn Độ đã nổi lên như một lĩnh vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất. Gần đây, Ấn Độ cũng đã đạt được những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, điện thoại di động, luyện thép, hạt nhân…. Chính vì vậy, đất nước Nam Á này đã và đang đầu tư rất lớn vào nghiên cứu khoa học. Khoảng 85% ngân sách cho khoa học và công nghệ được cung cấp chủ yếu bởi Chính phủ dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Sự phát triển kinh tế cũng dẫn đến số người giàu có tăng rất nhanh ở Ấn. Trong năm nay, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á có tới 97 tỉ phú, thêm 27 người vào danh sách tỷ phú so với năm trước và xếp hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Với thông tin này, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Ấn Độ đang dần phục hồi sau hàng thập kỷ bị suy thoái. Thành công này nhờ rất lớn ở đội ngũ chuyên gia trẻ Ấn Độ với mặt bằng học vấn cao, tiếng Anh thành thạo, có khả năng làm việc xuyên lục địa. Hàng chục CEO của các tập đoàn lớn như Sundar Pichai (Google); Satya Nadella (Microsoft); Indra Nooyi (Pepsi) … đều là người gốc Ấn.

Đến thế giới của sự nghèo khó

Nhưng cũng như mọi du khách tới Ấn, sự tương phản giàu nghèo quá xa ở đây là điều ai cũng nhận ra. Không khó gặp trên đường phố hình ảnh người nghèo khổ vô gia cư, những đứa trẻ thất học lang thang xin ăn. Một Ấn Độ nghèo tới mức gần như cùng cực, khi so sánh với một Ấn Độ của người siêu giàu. Một bạn trẻ làm việc trong tổ chức “Move by heart” ở Ahmehabad, chuyên giúp đào tạo giáo viên, đã nói với tôi rằng chỉ hơn chục km ra bên ngoài thành phố giàu có này, là những khu làng nơi hàng trăm học sinh nghèo chỉ có một giáo viên duy nhất. Không khó tìm thấy những khu ổ chuột rách rưới không khác gì trong phim “Triệu phú khu ổ chuột”, nơi hàng ngàn con người mỗi ngày vật vã tìm sinh kế.

Được xem là “trung tâm dịch vụ của thế giới”, đã từng làm “điên đầu” giới cổ trắng tại Hoa Kỳ vì cung cấp dịch vụ từ xa, nhưng Ấn Độ vẫn bị coi là nghèo nàn và lạc hậu. Trong thực tế, không phải mọi người dân Ấn được hưởng lợi từ sự thăng hoa của nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 460USD/năm, 400 triệu người Ấn Độ có mức thu nhập dưới 1USD/ngày, 1/3 dân số còn mù chữ… Theo kết quả điều tra 2010, số lượng người nghèo ở 8 bang của Ấn Độ nhiều hơn 26 quốc gia nghèo nhất châu Phi cộng lại. Trong bản báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu năm 2008, Ấn Độ xếp thứ 66 trong số 88 quốc gia.

Trong mùa hè vừa qua ở Ấn, chúng tôi đã chứng kiến cảnh những người nghèo khổ phải vật vã chống lại cái nóng 45-47oC mà không hề có sự hỗ trợ từ chính quyền. Cảnh từng gia đình, người già, phụ nữ, trẻ em … phải ngủ đường ngủ chợ, dưới gốc cây, trong những túp lều mái tôn hay bằng vật liệu tạm bợ, dưới cái nóng hầm hập, diễn ra khắp nơi. Vì vậy thật không lấy làm lạ khi hàng nghìn người đã chết trong đợt nóng năm nay. Khó nói hết sự xót xa khi nhìn những cảnh tượng như vậy diễn ra tại một quốc gia mà sự giàu có cũng hiển hiện khắp nơi qua vô số tiệm vàng, building cao ốc lấp lánh hào nhoáng.

Chính phủ Ấn không phải không nhìn ra vấn nạn này. Đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hẹp chênh lệch mức sống giàu nghèo… là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ấn hiện nay. Nhưng rõ ràng con đường tới đó còn rất xa.

Nơi truyền thống chi phối đời sống hiện đại

Tưởng như một quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin chắc sẽ phải có đời sống hiện đại như Tây phương, nhưng hóa ra Ấn Độ vẫn giữ nguyên những phong tục truyền thống và nhiều lệ luật cổ có tuổi đời cả ngàn năm. Người Ấn sáng ra chưa thể bắt đầu công việc nếu chưa cầu nguyện xin thần linh ban phúc. Ở các thành phố lớn lẫn nông thôn hay thị trấn nhỏ, thời gian làm việc bao giờ cũng bắt đầu từ 9h sáng, có khi còn 10h, vì buổi sáng sớm là lúc cầu nguyện. Vô số phong tục từ cưới hỏi (sắp đặt hôn nhân theo đẳng cấp, tôn giáo…) tới hệ thống phân loại theo đẳng cấp xã hội … vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Ở sân bay hiện đại bậc nhất thế giới, nam nữ vẫn phải đi theo cửa riêng, phụ nữ không được phép ăn mặc hở hang. Trang phục của nữ giới đa số vẫn là sari truyền thống, có khăn choàng đầu.

Truyền thống tâm linh của người Ấn hiện vẫn cắm rễ vững chắc trong đời sống người dân. Các tôn giáo chính như Hindu, Jain, Hồi giáo … chi phối cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Ấn. Việc đi theo các khóa tu tập, học với các Guru (bậc thầy) và cầu Guru chỉ giáo trong đời sống là chuyện rất bình thường ở đây. Các Ashram mở ra khắp nơi thu hút hàng triệu người tới thường xuyên. Yoga cũng phổ biến với hàng triệu giáo viên dạy chuyên nghiệp, vừa là phương pháp rèn luyện thể chất, vừa là rèn luyện kỷ luật tâm linh, hướng tới Thượng đế. Đây cũng là đất nước sản sinh ra những đạo sư danh tiếng lừng lẫy trong thế giới Tây phương như Krisnamuti, Osho, Yogananda (người có ảnh hưởng sâu sắc tới Steve Job của Apple), Sri Aurobindo … Hàng triệu cuốn sách của họ đã được bán khắp thế giới và họ cũng thu hút hàng triệu tín đồ đủ màu da, quốc tịch.

Nét truyền thống này đã biến Ấn Độ thành điểm hành hương thu hút hàng triệu tín đồ tâm linh trên thế giới và với sự phục hồi Phật giáo ở Ấn, tới nay mỗi năm hàng nghìn Phật tử Việt Nam không quản ngại đường xa, đã thường xuyên hành hương về đất Phật, chiêm bái Tứ thánh địa.

Tuy nhiên, mặt trái của những truyền thống cổ xưa này là sự bảo thủ và cổ hủ trong phân biệt đối xử. Mặc dù về danh nghĩa hệ thống đẳng cấp xã hội đã bị xóa bỏ ở Ấn nhưng người giàu và trung lưu vẫn đối xử phân biệt với tầng lớp “hạ đẳng”, những người nghèo khó bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Khi chúng tôi tới chơi nhà một gia đình người Ấn, thấy họ không cho phép người phục vụ việc lau chùi quét dọn ngoài sân được vào bếp và nấu nướng, dọn dẹp trong bếp vì “sợ bẩn”. Người giúp việc dọn dẹp không bao giờ dám cầm đồ ăn đưa cho chủ nhà, đương nhiên càng không bao giờ dám ăn cùng chủ. Sự phân biệt này diễn ra khắp nơi.

Với phụ nữ Ấn thì có lẽ không cần nói nhiều khi nghe những câu chuyện về nạn tấn công phụ nữ. Ngay cả du khách ở đây cũng cần rất cẩn thận khi ra ngoài, vì việc trọng nam khinh nữ và việc phụ nữ ăn mặc “không đứng đắn” bị tấn công là chuyện không bị lên án. Vai trò người phụ nữ trong đời sống Ấn Độ vẫn ở mức thấp so với sự bình đẳng tương đối của phụ nữ thế giới.

Thị trường tiềm năng

Không phải nhà kinh doanh nhưng chúng tôi thấy Ấn Độ là một đất nước còn đầy tiềm năng cho những nhà kinh doanh nước ngoài. Đất nước rộng lớn này, ngoài một số trung tâm lớn, thì các thành phố nhỏ, vùng nông thôn, hệ thống kinh doanh dịch vụ còn khá đơn giản, sơ khai. Ngay cả ở những trung tâm du lịch thu hút khách như Dhramsala, nơi đức Đạt Lai Lạt Ma sống, dịch vụ phục vụ du lịch cũng vô cùng nghèo nàn. Hầu như mọi người bán hàng đều là đàn ông, phụ nữ Ấn không làm việc ở cửa hàng.

Người Ấn ăn chay rất nhiều và là thị trường hứa hẹn cho những sản phẩm nông nghiệp. Nhưng Ấn cũng là đất nước có rất nhiều sản phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng giá rẻ từ sản vật trong nước, thích hợp cho các nhà xuất khẩu. Còn thế mạnh lớn của Ấn thì ai cũng biết như các sản phẩm dược phẩm, công nghệ thông tin, sinh học, ô tô …

Ấn ĐộKhác với nền kinh tế Trung Quốc, vốn được xem như “công xưởng sản xuất của thế giới”, Ấn Độ chọn cho mình một chiến lược phát triển kinh tế khác. Quốc gia Nam Á không sử dụng tài nguyên thiên nhiên hay sức lao động tay chân, mà sử dụng sức mạnh trí tuệ làm “chất xúc tác”, chọn dịch vụ làm sở trường cho nền kinh tế. Hiện Ấn Độ đang tập trung vào công nghệ thông tin (IT), dịch vụ văn phòng, tài chính ngân hàng, nghiên cứu và chế tạo dược phẩm những lĩnh vực năng động nhất của thế giới.

Chỉ mong rằng sự phát triển đó song hành với sự giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và giúp người nghèo ở Ấn có cơ hội hơn trong tương lai.

Bình luận

comments