Hai mươi lăm năm trước, lần đầu bước chân tới Đà Lạt, chiều đi dạo bên hồ Xuân Hương, nhìn lên khách sạn Palace thấy giống như một thế giới nào khác, sang trọng và quý phái, kiêu hãnh trên ngọn đồi trung tâm thành phố. Palace, khách sạn năm sao ngày ấy, bây giờ vẫn vậy, mang dáng nét vương giả uy nghi lộng lẫy.

Tọa lạc ngay trung tâm Đà Lạt, khách sạn Đà lạt Palace là khách sạn có view và khung cảnh đẹp nhất ở đây, cho dù đã có cả chục khách sạn resort năm sao được xây dựng mới ở trong thành phố. Chiếm trọn ngọn đồi thoai thoải, khách sạn là một tòa nhà lớn mang dáng dấp lâu đài Pháp theo phong cách tân cổ điển, được bao bọc trong khuôn viên rộng lớn với thảm cỏ, vườn hoa, rặng thông già rì rào trong gió … Lối đi với những bậc thang lát đá dẫn xuống phố, bên kia là hồ Xuân Hương bốn mùa thanh bình yên ả.

Đẫm hồn lịch sử

Đà Lạt Palace trước kia được gọi là LangBian Palace hotel, được hoàn thành và khai trương năm 1922. Khách sạn lúc đó được xây dựng hoành tráng, lộng lẫy như một biểu tượng của sức mạnh Pháp quốc trên mảnh đất Tây Nguyên, nhằm phục vụ giới quan chức người Pháp ở thuộc địa và các quan khách nước ngoài tới Đông Dương. Khuôn viên rộng lớn nhưng khách sạn lúc đó chỉ có 38 phòng lưu trú sang trọng (nay là 40 phòng), ngoài ra là các phòng hòa nhạc, phòng chiếu phim, phòng họp, sân tennis, vườn cây trái, vũ trường, quán bar riêng và cả một nhà hàng theo phong cách Pháp. Tiểu thuyết gia người Pháp Morgan Sportès đã mô tả khách sạn như một phiên bản hoàn hảo của các khách sạn sang trọng ở Nice. Năm 1943, dưới sự toàn quyền Vichy Đông Dương, Đô đốc Decoux, khách sạn được trùng tu và thay đổi kiến trúc mặt tiền theo phong cách nghệ thuật trang trí tân cổ điển.

Vào đầu những năm 1990, nhà tài phiệt Larry Hillblom của tập đoàn DHL đã khởi động một dự án phục hồi sự xa hoa của khách sạn nhằm thu hút du lịch cao cấp. Hàng chục triệu đô la đã được đầu tư vào đây để mang lại dáng vẻ sống động cho khách sạn và sau đó quả thật Đà Lạt Palace  đã hồi sinh. Quán bar mang tên Larry dưới tầng hầm là để tưởng nhớ tới nhà tài phiệt đã phục sinh cho ngôi khách sạn đẫm hồn lịch sử này.

Năm 2010, ông Đỗ Xuân Phúc, Việt kiều Thái Lan đã cùng đối tác đầu tư vào để cải tạo nâng cấp khách sạn Palace, khách sạn Du Parc  và sân golf quốc tế 18 lỗ. Công ty TNHH khu nghỉ mát Đà Lạt do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã chính thức bắt tay vào nâng cấp và quản lý điều hành khu nghỉ với những bước đi mới mẻ.

Hotel hay Bảo tàng nghệ thuật?

Bước chân qua sảnh lễ tân là du khách bước ngay vào khung cảnh tưởng như của một nhà hát nghệ thuật, những cầu thang gỗ vòm trải thảm nhung, với đèn chùm, cột kiểu Hy La, hành lang rộng dài hút mắt, phòng ăn mở rộng ra vườn với quầy bar trầm mặc, cây đàn piano lặng lẽ góc phòng. Những bức tranh nghệ thuật được treo tinh tế, bước ngoài hành lang là các phòng tiếp khách nhỏ mang tên các danh họa Pháp, trong đó treo nhiều bức tranh quý giá. Đi dạo bên trong khách sạn là một cái thú như đi trong bảo tàng nho nhỏ, mỗi lúc ta lại nhìn thấy một nét kiến trúc hay bố cục đáng chú ý.

Mỗi phòng ở đây đều được bài trí theo phong cách xưa, từ bàn ghế giường tủ tới phòng tắm, rèm che … đều mang đậm phong cách lâu đài Pháp, nếu ai đã từng tham quan các bảo tàng hay lâu đài ở Pháp thì sẽ thấy nét tương đồng rõ rệt. Thiết bị phòng tắm, gạch lát nền, màu sàn gỗ, điện thoại, gương soi, đèn ngủ … đều chung style cổ điển và hầu như là đồ được phục chế nguyên vẹn. Có may mắn được ở trong phòng suite của khách sạn, tôi đã không khỏi mê mẩn vẻ đẹp sang trọng quý phái của căn phòng, mê mẩn cái terrace xinh xinh với view nhìn thẳng ra hồ Xuân Hương, được ngắm cảnh chiều tà hay bình minh lên rực rỡ, và Đà lạt hiện ra đẹp mê hồn.

Thưởng thức ẩm thực Pháp

Nhà hàng mang tên nhà văn Pháp lừng danh Rabelais nằm bên trong khách sạn, kín đáo, khiêm nhường nhưng kiêu hãnh với đẳng cấp năm sao đích thực. Bất cứ du khách nào nếu đã lạc bước đến Rabelais đều không thể không ngây ngất.

Gary Born, từ Australia, viết trên Trip Advisor (trang mạng danh tiếng dành cho du khách): “Đây là một nhà hàng quý phái nhất mà tôi từng thấy. Nó giống như một bảo tàng với đầy ắp những đồ nghệ thuật xinh đẹp. Thật sự là bạn sẽ cảm thấy bạn quay trở lại thời kỳ thuộc địa”..

Và đó cũng là trải nghiệm của chúng tôi khi nếm rượu vang Pháp, ăn bữa tối trong ánh nến ấm áp, thưởng thức hương vị những món ăn tinh tế được dọn trên những chiếc đĩa không thể đẹp hơn. Một buổi tối lãng mạn, bình yên và ấm áp, khi bên ngoài kia Đà Lạt trong đêm lấp lánh ánh sáng đèn, gió lành lạnh thổi.

Trăm năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn đây một cõi đi về…

Bình luận

comments