Inside Out

Đứa trẻ mới sinh, bước vào thế giới này với hành trang gì trong tâm hồn? Và tại sao mỗi bước lớn lên của nó, nó lại phát triển những nét tính cách khác biệt?

Thế giới nội tâm (Inside Out), là bộ phim hoạt hình thú vị mang lại cho không chỉ trẻ em mà cả người lớn sự lý giải sâu sắc, đầy tính khoa học và tâm linh nhưng cũng rất vui nhộn – về lý do tại sao chúng ta lại có những phản ứng khác nhau với mỗi tình huống xảy ra trong đời ta.

Không chỉ là chuyện trẻ con

Phim kể về cô bé Riley 11 tuổi, chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco. Đó là biến cố lớn vì cô bé phải chia tay ngôi nhà thân thuộc, bạn bè thân để tới một thành phố xa lạ. Và đó là điểm khởi đầu cho những bước biến chuyển lớn, không chỉ với cô mà với cả những người thân yêu quanh cô.

“Bạn đã bao giờ nhìn thẳng vào một ai đó và tự hỏi họ đang nghĩ gì trong đầu?” – đó là câu hỏi rất phổ biến với bất kỳ ai trong cuộc sống hàng ngày. Với đạo diễn Peter Docter, ông đã trải qua kinh nghiệm tương tự với cô con gái nhỏ của mình, khi bước vào tuổi teen, cô trở nên ít nói và khép mình hơn. Ông băn khoăn không biết con mình đang nghĩ gì và tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Ý tưởng bộ phim xuất phát từ đây. Pete Docter cùng Ronnie del Carmen và các cộng sự đã chọn ra 27 cảm xúc phổ biến nhất của con người và từ đó lọc ra tiếp năm cảm xúc tiêu biểu – vui vẻ (Joy), buồn rầu (Sadness), chảnh chọe (Disgust), giận dữ (Anger), sợ hãi (Fear).

Thật thú vị, trong khi chúng ta thường cho rằng lý trí và hiểu biết, kinh nghiệm luôn là người dẫn đường cho cuộc sống của ta, thì Inside Out lại cho thấy hoàn toàn ngược lại. Những cảm xúc chính là yếu tố chỉ đạo mọi phản ứng của ta, và nó cũng là quyết định cách ta lựa chọn và sử dụng những mảnh ký ức, mảnh tri thức và kinh nghiệm – để xử lý các tình huống thực tế.

Cô bé Riley, sinh ra với cảm xúc chủ đạo là niềm vui, hân hoan trước cuộc đời, đến từ trải nghiệm tình yêu từ mẹ. Joy (niềm vui), sinh ra từ đó. Nhưng cũng rất nhanh, cùng với một số trải nghiệm khác (món ăn không thích, sự ồn ào …), các cảm xúc mới lần lượt xuất hiện: Giận dữ, Buồn rầu, Sợ hãi, Chảnh chọe. Mỗi cảm xúc có vị trí và sức ảnh hưởng riêng của nó, chúng gây tác động lên cuộc sống hàng ngày của cô bé theo nhiều cách khác nhau. Và những tác động đó lại tạo ra những kiến thức và kinh nghiệm riêng, được lưu trữ ở tàng thức mênh mông bên trong não bộ. Từ đó, tùy thuộc theo những trường hợp cụ thể, ký ức được gợi ra để xử lý các vấn đề hiện tại, rồi lại tiếp tục tạo ra ký ức mới ….

Câu chuyện trưởng thành

Kịch tính chính của bộ phim là kể về hành trình của Niềm vui và Nỗi buồn để tìm lại những giá trị cốt lõi trong cuộc đời của cô bé Riley – những giá trị lõi đã bị mất đi khi cô bé để cho Nỗi buồn nắm quyền kiểm soát. Xem phim, dường như không ai ưa được cái cô bé tự kỷ vụng về, béo mập, chậm chạp và yếm thế ấy, cái cô mà cứ có mặt là cuộc sống của Riley lại phải đối mặt với đủ rắc rồi. Cuộc sống tại sao không phải chỉ có Niềm vui? Joy là người mang lại tất cả những ký ức đẹp đẽ và tuyệt vời cho Riley.

Trong phim, Joy đã cố tình bỏ rơi Sadness trong mê cung tâm trí, vì cô mong Riley sẽ không bao giờ phải sống với Nỗi buồn. Nhưng cô đã nhanh chóng nhận ra sức mạnh của Nỗi buồn. Nỗi buồn, là sự phản chiếu của một mảnh ước mơ không đạt tới. Sự thật rằng, trong cuộc đời mỗi con người sẽ có vô số những mảnh ước mơ vỡ vụn đó và nó không bao giờ có thể bị xóa nhòa, vì vậy Nỗi buồn là phần tự nhiên trong chúng ta, nó giúp chúng ta trưởng thành và lớn lên, vượt qua sự thất vọng của mong muốn cá nhân. Nỗi buồn cũng là cây cầu giúp con người xích lại gần nhau, trong chia sẻ, an ủi, yêu thương, gần gũi.

Inside Out là câu chuyện về sự trưởng thành, về niềm vui và nỗi buồn. Có những khoảnh khắc sẽ bị lãng quên theo năm tháng, bị đẩy xuống “bãi rác ký ức” rồi tan biến như chưa từng xảy ra. Cũng sẽ có những kỷ niệm, dù tràn đầy nước mắt hay ngập trong tiếng cười, lại ở bên ta mãi mãi. Ai rồi cũng phải lớn lên, trải nghiệm cuộc sống, tiếp nhận những ký ức mới để đến một ngày, những kỷ niệm cũ tràn về đem theo sự bồi hồi. Hành trình đi đến hạnh phúc luôn phải trải qua khó khăn, gian khổ và cả nước mắt.

Bài học có lẽ mỗi người xem không thể quên, là chính những cảm xúc của ta làm chủ hành vi của ta, và quan trọng nhất là ta có quyền chọn lựa quyền điều khiển cảm xúc ấy, để đi ngược lại – xây dựng cuộc đời theo hướng ta muốn. Lựa chọn niềm vui, chấp nhận và thông cảm với nỗi buồn, hiểu được nguyên nhân của nỗi sợ hãi để vượt qua …

Ta là chủ bản thân mình.

Bình luận

comments