Từ khi còn bé, tôi đã thích chương: “Trường học” trong cuốn sách kinh điển: “Những tấm lòng cao cả”. Tác giả viết về hình ảnh hàng triệu đứa trẻ trên toàn thế giới mỗi ngày bước chân tới trường một cách đầy cảm hứng, khiến tôi cảm thấy tình yêu với trường lớp tràn trề. Cho tới giờ, tôi vẫn mơ ước nếu có thể, lại được một lần đi học, lại được hòa mình vào trong không khí sôi nổi nơi học đường, dù tôi cũng là tuýp lười học.

Hôm qua, lúc ăn trưa, mẹ con tôi nói chuyện homeschooling. Cô lớn bảo: “Con thấy homeschooling giống như cưỡng bức trẻ con ở nhà, giống như đi tù vậy”. Cô bé thì bảo: “Con thích đi học, thích gặp gỡ các bạn”. Tôi thì không rõ trên thế giới homeschooling thế nào, nên cũng không có ý kiến khen chê. Đó là sự lựa chọn của mỗi người, tùy thuộc vào hoàn cảnh và mong muốn riêng của từng gia đình.

Với nhà tôi, thì các cô đều thích trường học, vì ở đó là thế giới của chúng, nơi có vô số điều thú vị, niềm vui, khám phá. Có lúc cũng buồn, cũng áp lực, nhưng mà niềm vui luôn là cung bậc chủ đạo.

Còn tôi, thì tôi luôn thích những buổi chiều đón con tại trường học. Tôi thường tới sớm, ngồi trên băng ghế đá, nhìn hàng trăm đứa trẻ náo nhiệt lúc tan trường, cười nói, hò hét, đuổi nhau. Lớn một chút thì túm năm tụm ba, con gái ôm vai nhau thân thiết như chị em. Tôi thích nhìn các con tíu tít chào cô giáo, nhìn các cô tươi cười chào các con. Không khí học đường ấy luôn làm tôi xúc động, dù đã trải qua hàng nghìn buổi chiều chờ con như thế. Bây giờ, bạn út đã học lớp 9, mà mỗi lần tới trường đón con, tôi vẫn nguyên cảm xúc như ngày bạn ấy học lớp 1,2.

Tôi không biết tại sao bây giờ quá nhiều người nhìn trường học và các thầy cô với nỗi sợ hãi và ghét bỏ đến vậy. Giáo dục dĩ nhiên còn đầy vấn đề, nhưng giống như toàn thể xã hội Việt Nam, chúng ta đang trong giai đoạn giao thời và đang phải vật lộn với đủ thứ bất cập, nhất là khi bản thân những người lãnh đạo cũng khả năng có hạn.

Tôi vẫn nhớ một bạn người Đức nói với mình: “Việt Nam các cậu không vội được đâu, Âu châu được như bây giờ là cũng phải trải qua hàng vài trăm năm đó”. Tôi thường nghe thấy mọi người so sánh Việt Nam với Singapore, Thái Lan … chả khác nào so con mình với con hàng xóm, để rồi cứ ngồi đó mà than khổ vì con mình không bằng con người ta.

Tôi không lên án ngành giáo dục, cũng chẳng kết án thầy cô. Bố, anh, chị tôi đều là nhà giáo. Tôi có hàng chục bạn làm giáo viên. Mọi người đều tốt, trung thực, có tâm, đàng hoàng. Tôi mến các cô giáo của con, vì các cô yêu thương con, đối xử tử tế với con mình, dù tôi hiếm khi quà cáp, không bao giờ biếu tiền các cô. Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ than vãn về tệ nạn và các vấn đề học đường. Có phải là tôi “may mắn” hơn người khác hay không?. Con gái tôi năm nay chuẩn bị thi vào cấp 3, nàng hình như là bạn duy nhất không học thêm ở trường, nhưng thi vẫn điểm tốt và vẫn là học sinh giỏi. Cô giáo không hề trù úm gì con.

Trở lại chuyện homeschooling. Tôi thấy mọi người hình như thích homeschooling vì “sợ trường học”, vì không muốn con mình lãng phí thời gian học những thứ mà họ cho là “vô bổ”. Đúng là nhiều lúc tôi thấy con học đủ thứ “thừa thãi, vô dụng”, nhưng trường học không phải chỉ là nơi học kiến thức.

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Marx đã nói vậy. Trường học là môi trường để những đứa trẻ làm quen với lối sống cộng đồng, để kết bạn, để vui chơi, để được học cách suy nghĩ, tư duy, cách ứng xử, cách đối nhân xử thế … tóm gọn lại là học cách sống, tạo dựng và phát triển tính cách, nhận biết cộng đồng từ quy mô nhỏ tới lớn.

Dĩ nhiên, áp lực thành tích, điểm số, kỳ vọng của không chỉ bố mẹ mà còn cả thầy cô … đè lên đứa trẻ là có thật. Nhưng đó cũng có mặt tốt, giúp trẻ nỗ lực hơn. Điều cha mẹ nên làm nhất là dành thời gian theo sát trẻ, nâng đỡ, động viên, hướng dẫn, ủng hộ … giúp các em trưởng thành dần dần, vững vàng hơn.

Tôi nghĩ ngoài những trường hợp quá đặc biệt, thì việc tách trẻ em khỏi cộng đồng trường học có thể ngoài ý muốn của trẻ. Trẻ em thông thường thích hoạt động tập thể, thích vui chơi, thích có bạn. Việc của bố mẹ là giúp các em hòa đồng và vượt qua các vấn đề có thể gặp ở trường – thay vì tách các em ra và “bao bọc” bằng môi trường “an toàn, chuẩn mực” ở nhà.

Chưa kể Homeschooling đòi hỏi rất nhiều điều kiện cần và đủ đi kèm …

Bình luận

comments