Maldives

Bốn giờ bay từ sân bay quốc tế Changi (Singapore), là ta tới Maldives, quần đảo được đặt tên trên bản đồ du lịch thế giới là “The last paradise” – thiên đường cuối cùng. Nhìn từ trên máy bay, những hòn đảo trắng lấp lánh như ngọc trai dưới ánh mặt trời, nổi trên màu xanh thăm thẳm của Ấn Độ Dương.

Với hai mươi sáu đảo san hô tự nhiên bao quanh hơn một ngàn đảo lớn nhỏ, trong đó hơn 200 đảo có cư dân sinh sống, và các hòn đảo chỉ cao hơn mực nước biển có 2,3m, Maldives là đất nước “phẳng” nhất thế giới. Các nhà khoa học lo ngại rằng có thể Maldives sẽ chìm dưới nước biển sau một trăm năm nữa. Và đó là lý do mà chúng ta nên đến Maldives trước khi thiên đường này vĩnh viễn chìm sâu dưới làn nước biển xanh ngắt.

Từ đảo chính Male, thủ phủ của quốc đảo, nơi sân bay đỗ, nơi mang không khí nhộn nhịp của thành phố hiện đại, du khách tỏa đi tới các resort đều tọa lạc trên các hòn đảo, mỗi đảo là một khu nghỉ riêng biệt. Du khách tới resort bằng tàu cao tốc riêng của resort (speedboat) hoặc thủy phi cơ (seaplane). Thường từ đảo chính tới các resort mất từ 1 – 3 giờ tàu cao tốc hoặc có thể mất tới hàng giờ bay trên biển bằng thủy phi cơ.

Nơi thời gian ngừng trôi:

“Where the sands of time stay still” – Nơi những hạt cát của thời gian ngưng đọng.  Câu slogan chạy dài trong lobby hall của Fihalhohi resort, nơi tôi nghỉ trong chuyến du lịch ở đây, có thể là slogan cho cả Maldives. Tĩnh lặng mênh mông là cảm tưởng của mọi khách du lịch. Không internet, không tivi, không radio. Hòn đảo như một ốc đảo giữa đại dương, cát trắng mịn như thạch cao, những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng nước. Biển gần như không có sóng, tĩnh lặng ngay cả khi đêm về, nước trong nhìn thấu đáy, và chỉ cần lội ra ngoài chừng 3 mét, với độ sâu 1,5m là ta đã được thỏa sức ngắm nhìn thế giới ngầm của rạn san hô và những đàn cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội.

Không giống như những vùng biển bình thường với bãi cát dài thoai thoải chạy xa hàng chục mét, vùng biển ở đảo san hô khác hẳn. Chỉ ra xa chừng chục mét, dùng kính lặn nhìn xuống ta đã thấy phía dưới là vực sâu thăm thẳm của đại dương với tầng tầng lớp lớp san hô xỏa ra như thể ta đang đứng trên đỉnh núi và nhìn xuống thung lũng mù sương với những cành lá từ cây cối xõa ra trong gió. Hàng ngàn con cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng hoặc lững lờ trong làn nước. Cá càng sống gần mặt nước càng có màu sắc nhạt, có loại cá gần như trong suốt. Chúng thân thiện và không hề sợ người, thản nhiên bơi quanh khách như thể ta cũng chỉ là một con cá to lớn vô tình lạc vào xứ sở của chúng vậy.

Không chỉ ở những đảo nghỉ dưỡng, mà cả những đảo có dân cư sinh sống, cuộc sống cũng trầm tư và êm đềm trôi như thể thời gian không tồn tại. Không ai vội vã chạy theo chiếc đồng hồ, vì ở đây cuộc sống dường như vẫn như thể cả trăm năm trước, dẫu vẫn có điện, tàu bè và internet. Những ngôi nhà đơn sơ trên con phố nhỏ, được sơn đủ màu sắc ngái ngủ dưới nắng ban trưa, những người phụ nữ Hồi giáo trùm kín mình trong bộ áo choàng đen ngồi tụ tập nói chuyện trước hiên nhà, trường học nơi trẻ em mặc đồng phục áo choàng Hồi giáo trắng toát ê a học bài … Tất cả dường như không ai bận tâm tới thế giới ngoài kia, thế giới hàng ngày bay vùn vụt ngay trên đầu họ, trong những chiếc thủy phi cơ bay vội vã chở theo những toán du khách chủ yếu là Âu Mỹ với vô số hành lý, chạy trốn thế giới văn minh để được sống vài ngày ngắn ngủi trên thiên đường.

Nghệ thuật làm du lịch

Bốn mươi năm nay, du lịch là nguồn thu lớn của Maldives. Hàng triệu du khách khắp thế giới đã đến đây và hàng triệu người khác mơ đến đây. Điều gì làm nên sức hấp dẫn lạ kỳ ấy ngoài những ưu đãi của thiên nhiên? Câu trả lời tôi nhận được ngay khi bắt đầu đặt chân đến Male, khi vừa xuống máy bay. Đó là nghệ thuật của sự tự nhiên thuần khiết.

Bến tàu và bến thủy phi cơ ngay cạnh sân bay, đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Nhưng nhìn xuống biển, nước trong xanh như bể bơi ở Hà Nội vào ngày đầu tiên thay nước. Cát dưới đáy nước trắng mịn, không chút rác rưởi, cá thản nhiên bơi lội. Tôi và con gái ngỡ ngàng khi thấy biển ở bến tàu sạch như vậy, bởi đã quen với những bãi biển bến tàu ngập rác thải ở Việt Nam và nhiều vùng khác trên thế giới. Những người lao động, làm việc tại sân bay và các đảo ở Maldives hầu hết đến từ các quốc gia nghèo xung quanh: Ấn Độ, Srilanka, Bangladesh (những quốc gia nổi tiếng vì bẩn), nhưng thật kỳ diệu khi ở đây họ lại có thể giữ được một môi trường biển vô cùng sạch.

Bảo vệ môi trường tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên hình như là thói quen sống của mọi người sống ở Maldives. Resort là những ngôi nhà mái lá ẩn dưới rặng cây, lối đi rải toàn cát trắng, hạn chế xây dựng đến tối thiểu. San hô đầy rẫy khắp các đảo lớn nhỏ. Cá dưới biển đầy ắp, đủ loại cá quý. Cá heo bơi lội từng đàn. Nhưng tất cả đều được bảo vệ bởi ý thức rất tự nhiên của người dân. Tại các resort đều có cảnh báo khách rất kỹ: không được phép mang bất cứ thứ gì của biển ra khỏi Maldives, sẽ bị phạt rất nặng. Tôi đã nhặt được một cành san hô rất đẹp trên một đảo cát giữa đại dương (bị sóng đánh dạt lên doi cát), nhưng phải ngậm ngùi trả lại cho biển vì anh chàng lái cano bảo: có thể mang về khách sạn chơi nhưng khó mà mang ra khỏi sân bay. Resort cũng có chỉ dẫn tỉ mỉ: không dẫm lên san hô, không chạm vào các sinh vật biển …

Còn chuyện vứt rác thì chẳng có biển cấm nào cả vì hình như cứ đến đây là ai cũng trở nên “sùng kính” với thiên nhiên và đến cả đám du khách Trung Quốc vốn ồn ào bừa bộn, cũng nhỏ tiếng và bớt nhổ bậy. Thú vị nhất là đến bữa ăn ở đây. Sống ở một vùng biển mà chỉ bước chân xuống biển 2 bước là thấy cá bơi dưới chân, có những con cá to dài tới cả 50cm, nhưng trong bữa buffee hầu như vắng bóng hải sản, chỉ duy nhất có tuna. Muốn ăn thì vào nhà hàng trên đảo, nhưng sự lựa chọn cũng rất hạn chế, không giống như những “đại tiệc” hải sản với đủ loại sinh vật biển kỳ quái nhất ở Việt Nam.

Có lẽ vì thế, mà sau cả trăm năm được biết đến trên bản đồ du lịch thế giới, Maldives vẫn cứ là điểm đến trong mơ, vẫn cứ là the last paradise trong thế giới biến động mỗi ngày này.

Bình luận

comments