Chatuchak market

Transit ở Bangkok nhiều lần nhưng mãi tới 2009 tôi mới chính thức phượt Thái Lan dài ngày. Lúc đó do mải rong chơi nên máu shopping trong tôi chỉ dừng lại ở sự thán phục người Thái đã sản xuất được rất nhiều loại hàng hóa mỹ phẩm mà giờ thường được gọi là organic, mỹ phẩm thiên nhiên. Như các loại dầu gội từ dầu dừa, tinh dầu thơm, dầu hoa cúc, oải hương … từ mùi thơm đến cả khi dùng cũng không gây dị ứng như đa số sản phẩm đầy hóa chất khác. Thoáng thấy vậy rồi cũng thôi không chú ý nữa.

Tháng 5/2012, khi tôi tới cửa khẩu Lao Bảo ( Đông Hà – Quảng Trị), tôi đã giật mình khi thấy những sản phẩm hàng Thái được bày bán trong siêu thị ở biên giới. Những món đồ nhựa đẹp long lanh, màu sắc, mẫu mã và chất liệu đều đẹp hơn hẳn hàng trong nước. Hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, dầu xả đủ loại, bao bì mẫu mã thì hấp dẫn thôi rồi. Lúc đó mới nhớ lại những siêu thị ở Bangkok từ cả chục năm trước đã hoành tráng không kém các quốc gia Tây Phương, không chỉ hàng hóa nhập ngoại mà còn đầy ắp hàng nội địa với chất lượng cao cấp.

Ba năm sau, các cửa hàng Made in Thailand xuất hiện nhan nhản khắp các đô thị lớn ở Việt Nam. Hàng Thái đổ bộ giống như một “cứu tinh” cho người tiêu dùng Việt Nam vốn đã quá sợ hàng Tàu, mà lại chưa có nhiều lựa chọn vừa ý ở hàng Việt. So với tai tiếng của hàng Tàu thì hàng Thái được đánh giá cao hơn nhiều, không chỉ mẫu mã tốt hơn mà sản phẩm cũng có chất lượng hơn. Còn so với hàng Việt Nam, nhiều loại hàng tiêu dùng của Thái rõ ràng chiếm ưu thế hơn nhờ mẫu mã, độ đa dạng, uy tín chất lượng và giá cả, chưa kể cộng thêm tâm lý thích hàng ngoại của người Việt.

Phong cách kinh doanh của người Thái

Trở lại Thái lan vài lần trong mấy tháng qua, tôi chú ý nhiều tới cách làm kinh doanh của người Thái. Bangkok nhộn nhịp, sầm uất, nhưng được quy hoạch bài bản, hợp lý và rất thuận tiện cho mua sắm, tìm kiếm hàng hóa. Nếu như ở Việt Nam, văn hóa “bám mặt phố” vẫn là phổ biến, nhà nhà mở cửa hàng, người người mở cửa hàng, thì ở Bangkok đã bớt đi nhiều những kiểu buôn bán cũ đó. Các cửa hàng vẫn được sử dụng nhưng phần nhiều cho các dịch vụ tiện lợi, ăn uống hoặc dịch vụ.

Người Thái sớm quy tập các khu shopping hoặc chợ lớn với chủ đề chuyên biệt. Nếu ở Singapore hầu hết các khu shopping center đều bán hỗn hợp nhiều loại hàng hóa khác nhau thì du khách tới Bangkok có thể dễ dàng chọn lựa điểm mua sắm dựa trên sở thích cá nhân. Ví dụ khách muốn mua quần áo hàng hiệu, có thể tới Central World, ở đây tương đối giống như khu shopping cao cấp. Bình dân hơn, chỉ cách đó vài đoạn phố là khu Platinum, với 6 tầng lầu mênh mông có hàng trăm kios bán chủ yếu là quần áo và phụ kiện. Thích rẻ hơn nữa thì chạy qua ngay bên kia đường là khu Pratunam, khu hàng chợ bán sỉ quần áo lớn nhất thành phố, nơi có hàng trăm quầy lớn nhỏ, đủ khiến cho các shopaholic phải hoa mắt. Giá cả thì linh động, tùy thuộc vào chủ hàng và khả năng mặc cả của khách, nhưng chắc chắn bước chân vào khu “tam giác vàng” này, không tín đồ thời trang nào không nặng túi khi trở ra vì sức quyến rũ của quá nhiều mẫu quần áo đẹp, hiện đại và độc đáo. Ngoài ra cũng có các khu chợ lớn chuyên về điện máy, máy móc, mỹ phẩm …

Ai thích đi du lịch đều biết là sau hứng thú khám phá miền đất mới, du khách nào cũng thích tới chợ, không chỉ đi mua sắm mà còn để thưởng thức một nền văn hóa khác thông qua các sản vật địa phương. Người Thái đứng hàng đầu thế giới về thu hút du khách, có lẽ cũng nhờ hiểu rõ nhu cầu này. Bangkok là thành phố không ngủ, những khu mua sắm ban ngày cũng như ban đêm đều tấp nập khách. Bangkok nổi tiếng với chợ đêm. Chợ đêm ở Bangkok cũng thường tập trung vào một số nhóm hàng chính. Khu chợ đêm Saphan Phut là nơi thu hút rất nhiều thanh niên địa phương, đặc biệt là những người chưa đi làm bởi ở đây bày bán các mặt hàng secondhand giá rẻ mà lại khá đẹp.  Chợ đêm Ratchada lại là nơi dành cho những người mê ôtô cổ, với các bộ sưu tập đồ cổ và phụ kiện thời trang cho xe gắn máy. Chợ còn được biết đến với cái tên “chợ Vespa”, những chiếc xe Vespa cổ được bày bán ở khắp chợ. Những người hoài cổ có thể tìm thấy ở đây đủ mọi thứ như máy hát, đĩa hát, máy chữ và mọi thứ đồ chơi, máy ảnh, quạt, poster từ thời xưa.

Hay lãng mạn hơn là khu chợ hoa Pak Khlong Talat, một khu chợ đặc biệt ở Bangkok, mang lại cho du khách cảm giác dễ chịu, thoải mái với những quầy bán hoa tươi đủ màu sắc và hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa trong không khí. Chợ chiếm nguyên mấy dãy phố và bạt ngàn các loại hoa, trong đó rất nhiều loại hoa dành cho cúng tế như các vòng hoa nhài, hoa cúc được tết sẵn, chuẩn bị cho lễ buổi sáng.

Chẳng lấy gì làm lạ khi Bangkok thu hút khách du lịch tới vậy. Hàng hóa rẻ, mẫu mã đẹp, chất lượng khá tốt, dịch vụ và chăm sóc khách hàng nhiệt tình, niềm nở … là những điểm cộng khiến du khách đổ tới đất nước này, bất chấp nhiều bất ổn chính trị xảy ra liên tiếp.

Chỉ mới nhìn ngắm những khu kinh doanh “hàng chợ” đã thấy cách tổ chức và làm việc rất bài bản của người Thái. Những sản phẩm dù nhỏ nhất như đồ trang trí trong nhà, lưu niệm, xà phòng, dầu thơm … đều được nhấn mạnh nét “bản địa”, “thiên nhiên” với bao bì hấp dẫn và bắt mắt du khách, giá lại phải chăng.

Cuộc đổ bộ của các “ông lớn”

Theo số liệu và dự báo ở trên được Ngân hàng ANZ công bố cho thấy dân số ước tính năm 2014 của Việt Nam là 90,6 triệu, Thái Lan là 68,7 triệu người, song GDP bình quân của Việt Nam là 2.048 USD trong khi Thái Lan là 5.898 USD. Dự báo kinh tế Thái Lan năm 2017  Thái Lan là 7.271 USD nhưng Việt Nam là 3..225 USD. Trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ ở mức 35 tỷ USD thì tính đến tháng 5/2015 của kinh tế Thái Lan đã lên đến 150,6 tỷ USD.

Thị trường rộng lớn của Việt Nam từ lâu đã nằm trong “tầm ngắm” của các đại gia Thái. Tiếp sau tiểu thương là cuộc đổ bộ của các ông lớn Thái Lan vào Việt Nam. Hàng loạt “đại gia” Thái đã mở đường cho hàng hóa Thái vào Việt Nam bằng cách mua lại cổ phần của các DN, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Điển hình là Tập đoàn bán lẻ BJC (Thái) bỏ ra 876 triệu USD mua lại hệ thống bán sỉ Metro Cash&Carry. Phú Thái bán 51% vốn cho Thai Corporation Internation (Tập đoàn BJC) với hệ thống 42 cửa hàng Family Mart. Sau khi mua lại, BJC đã đổi tên 42 cửa hàng thành B’smart. Số cửa hàng tiện lợi của B’s mart tăng một cách nhanh chóng, từ 44 cửa hàng tính đến giữa tháng 5.2014, hiện tại đã lên 75 cửa hàng tại TPHCM. Trong tương lai, B’s mart sẽ nhanh chóng mở rộng phát triển trên toàn quốc. Doanh thu của chuỗi cửa hàng này tại Việt Nam khoảng 9 triệu USD/năm.

Người Thái đã chính thức đánh dấu sự hiện diện của mình trên thị trường Việt Nam bằng những bước đi chắc chắn, bài bản như vậy.

Trong bối cảnh tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Thời điểm đó sẽ là dịp tốt để hàng loạt đại gia bán lẻ ngoại đã đổ bộ vào Việt Nam lên những kế hoạch “khủng” để thâu tóm thị trường. Các thương vụ thâu tóm của BJC nói riêng có thể coi là động thái đón đầu cho một làn sóng “du nhập” thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.

Ở một khía cạnh khác, việc thâu tóm các chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam của các tỷ phú Thái Lan sẽ mở đường cho hàng Thái. Thực tế, theo số liệu đến cuối 2013, 70% hàng hóa bán tại B’s mart là hàng Thái Lan và mục tiêu của B’s mart là tạo dựng thương hiệu hàng hóa Thái tại khu vực Đông Dương. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 1,37 tỷ USD, năm 2013 Việt Nam cũng nhập siêu từ thị trường này là 3,2 tỷ USD. Số liệu Hải quan cho hay, nửa đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu từ Thái Lan xấp xỉ 3,17 tỷ USD, xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 1,65 tỷ USD.

Chuyến đi Bangkok của tôi cho tôi thấy rằng chuyện làm ăn với người Thái là một câu chuyện dài và chắc chắn sẽ có rất nhiều điều người kinh doanh Việt phải học hỏi. Nhưng một điều tôi thấy là người Thái làm ăn có tâm, có tầm và không dễ dàng bán rẻ uy tín như khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, bất chấp tất cả để có lợi nhuận. Sự mất uy tín toàn cầu của “hàng Tàu” hiện nay là cái giá mà Trung Quốc phải trả cho điều đó. Kết hợp kinh doanh, sản xuất, học hỏi … từ một người bạn tốt, có thể sẽ giúp doanh nghiệp Việt trưởng thành và mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hội nhập – chứ không hoàn toàn là một mối “đe dọa” nguy hiểm như điều mà hầu hết mọi người đang lo ngại.

Bình luận

comments