Nỗi buồn

Tôi là người phụ nữ quen sống độc lập với những sở thích riêng của mình nên trong rất nhiều năm, tôi ít giao tiếp với người khác theo kiểu “cho vui”, vì sợ mất thì giờ. Thế nhưng tổ chức Life School và việc phát nguyện sẽ yêu thương, chia sẻ với mọi người cần tới ánh sáng của Người Cha, đã khiến tôi bắt đầu lắng nghe, trò chuyện… Khi cánh cửa trái tim đã mở ra, thì cùng với cảm nhận yêu thương, những nỗi buồn cũng đến.

Nhiều tháng qua, một nỗi đau quá khứ tưởng đã ngủ yên trong tôi, lại quay trở lại. Bởi những câu chuyện của bao người phụ nữ tôi được nghe. Những người phụ nữ đáng yêu, thông minh, nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hy sinh, tận tụy. Những người phụ nữ Việt Nam vừa hiện đại, vừa truyền thống, với bao đức tính tốt đẹp. Nhưng họ bị kết án bởi những định kiến xã hội, những định kiến không bao giờ còn cho phép cánh cửa tình yêu trong sáng, mở ra trong đời họ một lần nữa, sau những vấp ngã.

Tuần trước, tôi ngồi café với nghệ sĩ violon Bùi Trị Điền, người sống gần 20 năm ở nước ngoài và là người nhiệt thành bảo vệ sự trân quý của những giá trị phụ nữ. Anh nói: “Tôi luôn thấy buồn cho thân phận phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ trí thức. Những người phụ nữ trí thức ở đây, nếu một lần vấp ngã trong hôn nhân, sẽ vô cùng khó có cơ hội để có một tình yêu chân thành lần nữa – vì định kiến xã hội”.

Xã hội Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn định kiến về phụ nữ độc thân, muộn chồng, định kiến rằng giá trị của người phụ nữ là phải gắn với một người đàn ông. Một người đàn ông lắm tình nhân được coi là “hào hoa quyến rũ”, còn người phụ nữ chỉ cần qua một cuộc hôn nhân dang dở hay qua một độ tuổi nhất định – là đã thành thứ “hoa thải hương thừa”. Một người đàn ông sẽ thản nhiên và hãnh diện khi khoe bạn gái trẻ hơn mình vài chục tuổi, nhưng một phụ nữ thì chỉ cần có mối tình kém vài tuổi đã trở thành đề tài bàn tán. Tôi vẫn nhớ khi ly hôn, mới 28 tuổi, chồng cũ đã tuyên bố với bạn bè anh ta là tôi sẽ chẳng còn một cơ hội nào nữa, có hay chăng chỉ cặp với mấy thằng đã có vợ. Một bạn gái của tôi, dễ thương, hát hay, chơi nhạc giỏi, giỏi giang trong kinh doanh, chân thành hết mình … nhưng chị đã chấp nhận sống cô đơn, một mình nuôi các con, vì chị bảo: “Đàn ông chẳng ai còn đến với mình vì yêu, chỉ là để giải trí qua đường”. Trong khi ông chồng cũ, thông minh thành đạt, tốt tính, nhưng mê gái, bạ đâu ngủ đó – thì đã nhanh chóng có cô vợ mới trẻ trung.

Tôi không biết bao lần thấy trái tim mình đau buốt khi nghe những người bạn gái quen biết tâm sự với mình rằng: Khao khát được yêu thương một cách chân thành, tử tế – nhưng đàn ông tới với mình thì chỉ nghĩ đến thú vui tình dục, và đa phần đã có gia đình. Những người bạn gái tôi biết, tôi gặp, đã hoặc chưa ly hôn, sống một mình hay trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc – không biết bao lần tôi nghe câu hỏi của họ: “Chị ơi, những người đàn ông có học thức và chân thành đi đâu hết rồi chị?”. Mỗi tuần, tôi đều gặp những câu chuyện như thế. Tôi xót xa đến rơi nước mắt cho họ. Họ sống trong mong ước được yêu, nhưng lại sợ hãi vì không biết người đàn ông đang nắm tay thề thốt yêu đương kia có thực sự chân thành hay không? Hay đó cũng chỉ là một cuộc chơi qua đường của họ?

Có lẽ vì nỗi sợ hãi bị xã hội phán xét, bị cô đơn ấy – mà tôi cũng chứng kiến bao cuộc hôn nhân nhạt nhẽo, khi chỉ còn là chung nhau một mái nhà, người vợ im lặng chấp nhận chuyện chồng ngoại tình hay bạo lực, ham mê nhậu nhẹt, hoặc đơn giản hơn chỉ là vô số chuyện xung đột hàng ngày đã làm cho tình yêu tan mất, cuộc sống hôn nhân chỉ còn là sự chịu đựng nhau – dưới chiêu bài vì con cái.

Có lẽ cũng vì nỗi sợ hãi ấy, mà tôi chứng kiến bao người phụ nữ đáng yêu vô cùng đã lặng lẽ chấp nhận sống một mình sau đổ vỡ, không bao giờ còn dám mở lòng ra, không bao giờ còn dám tin cậy trao bàn tay mình cho một người đàn ông khác, nhất là người trẻ tuổi hơn mình. Nhiều bạn gái chưa chồng nhưng hơi “quá lứa”, đã ngoài 30, cũng cùng chung tâm trạng.Tôi thấy thương và buồn đến thắt lòng, vì tôi thấy họ vô cùng xứng đáng để yêu và được yêu. Chỉ là định kiến xã hội và những tiêu chuẩn về giá trị phụ nữ được xưng tụng, tung hô trong mắt đàn ông chỉ bao hàm quanh mấy chữ: Trẻ và Đẹp (và “ngoan”!!!)

Định kiến này phổ biến ở Việt Nam, thế nên ở nông thôn các cô gái phải vội vã lấy chồng khi còn rất trẻ. Nhưng ở thành thị, nhất là với phụ nữ trí thức, thì điều này trở nên bi kịch. Học vấn, sự hiểu biết, quan hệ xã hội rộng rãi, tài năng, nhất là một số khá đông du học sinh … họ không thể chấp nhận định kiến ấy, nhưng lại không đủ sức để bẻ gẫy và vượt qua nó.

Đã rất nhiều người phụ nữ trí thức tìm đến hôn nhân hoặc tình yêu với người nước ngoài, chính là vì họ không thể/không dám, bước vào tình yêu với người đàn ông Việt. Nhưng điều đó khởi đầu cho nỗi buồn khác, có lẽ vì ngôn ngữ tình yêu chỉ thật sự ngọt ngào khi nói bằng tiếng mẹ đẻ.

Tôi biết nhiều người đàn ông chân thành, tốt bụng. Tôi biết nhiều gia đình hạnh phúc. Tôi biết rằng có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ không phải lỗi tại ai, mà chỉ do họ đã gặp một mảnh ghép chưa thích hợp. Nhưng tôi mong ước sao xã hội này sẽ không chỉ tôn vinh sự trẻ trung – xinh đẹp – tươi mới, mà còn tôn vinh sự thông minh, nhân ái, hiền từ, dịu dàng, sự hy sinh và chấp nhận mất mát. Để một ngày kia những người phụ nữ không phải sống trong sợ hãi, nỗi sợ của sự tàn phai nhan sắc, tuổi trẻ – họ có thể tự tin sống và yêu, dẫu ở độ tuổi nào.

Nơi người phụ nữ sẽ không còn phải day dứt với những câu hỏi như thế này:

Will you still love me when I’m not young and beautiful?

Khi phụ nữ hạnh phúc, họ sẽ tạo nên những thế hệ trẻ em hạnh phúc.

Bình luận

comments