Paris, năm 1830 - La Bohème : Sân khấu cuộc đời

Paris, năm 1830

Trong một căn gác xép, Marcello đang vẽ, trong khi đó Rodolfo thì đang nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Họ than phiền về cái lạnh. Để giữ ấm, họ đốt bản viết tay vở kịch của Rodolfo. Colline, nhà triết học, bước vào, run run và cằn nhằn về việc không thể cầm đồ một số cuốn sách. Schaunard, nhạc sĩ, đi vào cùng với đồ ăn, rượu và xì gà.

Những người bạn bị cắt ngang bởi Benolt, chủ nhà, tới để thu tiền thuê nhà. Họ nịnh anh ta bằng rượu. Trong cơn say, anh ta bắt đầu khoe khoang về những cuộc phiêu lưu tình ái, nhưng cũng để lộ ra rằng anh ta đã kết hôn. Họ đẩy anh ta ra khỏi phòng mà không thèm trả tiền thuê nhà, trong sự phẫn nộ về đạo đức một cách khôi hài.

Marcello, Schaunard và Colline ra ngoài, còn Rodolfo ở lại một mình một lúc để viết nốt, hứa với bạn là sẽ sớm tham gia cùng. Có tiếng gõ cửa. Một cô gái sống cùng tòa nhà. Nến của cô đã bị thổi tắt, và cô không có diêm, cô nhờ Rodolfo thắp sáng nó. Cô đột nhiên bị xỉu và Rodolfo đã đưa cô ra ghế và đưa cho cô một cốc rượu. Cô cảm ơn anh. Sau vài phút, cô nói là cô đã khá hơn và phải đi bây giờ. Nhưng vừa rời đi, cô nhận ra là đã đánh rơi mất chìa khóa. Nến của cô lại bị tắt bởi một luồng gió và của Rodolfo cũng vậy. Cả hai sẩy chân ngã trong bóng tối. Rodolfo nóng lòng được dành thời gian với cô gái, người mà anh đã bị thu hút, tìm và thủ chiếc chìa khóa, làm bộ vô tội. Anh cầm bàn tay lạnh của cô và nói cho cô về cuộc đời nhà thơ của anh, đòi cô kể về cuộc đời mình. Cô gái nói tên cô là Mimi, và miêu tả cuộc đời cô đơn giản chỉ là một thợ thêu. Anh ngắm nhìn Mimi đang tắm trong ánh trăng. Họ nhận ra họ đã yêu nhau. Rodolfo muốn ở lại nhà với Mimi, nhưng cô quyết định tham gia cùng mọi người ở Cafe Momus. Họ vừa đi vừa hát về tình yêu mới chớm nở…

……….

Đó là màn khởi đầu của vở nhạc kịch tuyệt tác “La Bohème”. Đây là vở opera 4 màn của nhà soạn nhạc người Ý Giacomo Puccini. Những người viết lời cho tác phẩm là Giuseppe Giacosa và Luigi Illica. Cả hai đã viết lời theo tiểu thuyết “Những cảnh đời ở Bohème” của Henri Murger. Tác phẩm này được Puccini sáng tác vào các năm 1894-1895, trình diễn lần đầu tiên tại Turin vào năm 1896.

La Bohème là câu chuyện về tình yêu và những rung động đầu đời của chàng Rodolfo và nàng Mimi. Rodolfo là người viết kịch nghèo còn Mimi là cô thợ may hàng xóm. Ở màn một, họ gặp nhau trong ánh nến lấp lánh rồi phải trải qua nhiều thử thách tình cảm. Tới màn bốn, đôi trẻ mới được nắm tay nhau lần nữa trong ánh sáng rọi qua cửa sổ của căn phòng áp mái, trong một đoạn kết khá là bi kịch.

Tháng tư vừa qua, vở Opera kinh điển La Bohème ra mắt khán giả thủ đô trong chương trình Hennessy Concert kỷ niệm năm thứ 20. Toàn bộ dàn nhạc, ca sĩ đến từ Australia hát tiếng Italy, đã đưa khán giả Hà Nội vào một đêm nhạc như trong cổ tích.

Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại trong vở diễn truyền thống đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc với khán giả. Đạo diễn đã sử dụng công nghệ màn hình lớn, trình chiếu những hình ảnh Paris như một bức nền sinh động, tinh tế, đầy xúc cảm, màu sắc. Paris hiện lên với hình ảnh tháp Eiffel, sông Seine với cây cầu Mới thâm trầm những bức phù điêu, khu nghệ sĩ Latin một thời lừng lẫy trong sách vở, đồi Montmart lặng lẽ trong đêm sương mờ … Các hình ảnh mang hơi hướng vừa hiện thực, vừa hư ảo. Thiết kế sân khấu đã tạo nên một bức nền tinh tế cho một câu chuyện tình lãng mạn, phảng phất nét buồn của một mối tình thơ trẻ của các chàng trai, cô gái nghèo nơi thành thị. Tình yêu của họ thật mong manh trong thành phố Paris hào nhoáng, lộng lẫy, giàu sang, nơi tình yêu không chỉ đối mặt với thử thách của cảm xúc mà còn cả thử thách của vật chất.

Được truyền cảm xúc từ câu chuyện “Những mảnh đời Bohéme”, vở nhạc kịch mang tới chất liệu hiện thực đậm đặc, vốn là truyền thống của nhạc kịch thời hậu Lãng mạn. Đó là câu chuyện về những người trẻ sống bên lề xã hội Paris khoảng những năm 1840 đến 1850. Nhà soạn nhạc Puccini từng nói điều thôi thúc ông viết nhạc cho tác phẩm này là vì muốn khán giả thấu hiểu được những nỗi đau lớn lao nơi những tâm hồn bé nhỏ, những điều chính ông cũng từng trải qua.

Đó là cảm xúc về những người trẻ nghèo khó ở ngoài rìa Paris hoa lệ. Bóng tối, đói rét kéo họ đến với nhau, yêu nhau và rồi cuộc sống u tối khiến họ chia tay nhau, thậm chí xa lìa cuộc đời. Có thể thấy trong La Bohéme rất nhiều mảng đối lập, đó là bóng tối và ánh sáng, tuyết rơi và nắng lên, cám dỗ và phản kháng, tuyệt vọng và hy vọng… Cùng với đó, hình ảnh ngọn nến xuất hiện trở đi trở lại vừa mang tính biểu tượng vừa truyền đến sự ấm áp, như để xua đi cảm giác lạnh lẽo của tình người.

Dàn diễn viên đến từ Nhà hát nhạc kịch Australia cho thấy họ quả là những tài năng khi diễn cả bi lẫn hài. Với kỹ thuật hát opera bằng giọng Ý mượt mà, những diễn viên này đã chứng tỏ đẳng cấp quốc tế của mình. Cặp đôi nam cao (tenor) và nữ cao (soprano) của Ji-Min Park và Natalie Aroyan tỏ ra rất ăn ý, giữ cảm xúc rất đồng điệu khi được ghép đôi. Một cặp đôi khác thể hiện giọng nam trung (baritone) và nữ cao khác là Samuel Dundas (vai Marcello) và Lorina Gore (vai Musetta) cũng mang lại cho khán giả những phút giây rung động sâu sắc.

 

Bài liên quan:

http://www.thelady.vn/nguoi-ve-tu-coi-chet-sinh-ton-trong-hoang-da/

Bình luận

comments