Thường được ví như New York của Trung Quốc, thành phố Thượng Hải không phải bây giờ mới nổi tiếng là giàu có. Từ thế kỷ trước, đây đã là biểu tượng cho sự phồn hoa đô hội, chốn ăn chơi của người giàu “gốc”, chứ không phải dân nhà giàu mới nổi như Quảng Châu, Thâm Quyến. Trong lịch sử Trung Quốc, Thượng Hải, trung tâm của Giang Nam, là nơi tụ họp văn nhân danh sĩ, tài tử giai nhân và giới giàu có trí thức người Hán. Ngày nay, Thượng Hải vẫn là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Trung Quốc.

Giao hòa Đông Tây

Với chừng 24 triệu dân, Thượng Hải dẫu có là thành phố (không bao gồm vùng ngoại ô) lớn nhất thế giới, cũng khó có thể tải hết lượng dân số khổng lồ này (gấp đôi dân số nước Bỉ). Những rừng cao ốc san sát nhau, hàng ngàn tòa buiding cao ngất đã khiến thành phố nhìn từ trên cao không khác nhiều so với New York, có khi mật độ còn dày đặc hơn.

Tôi tới Thượng Hải vào những ngày giữa thu. Thành phố đông dân nhất của đất nước đông dân nhất thế giới này hóa ra lại vắng lặng hơn so với sự ồn ào tấp nập của Hà Nội. Thượng Hải hiện đại với những đường phố rộng lớn được quy hoạch quy củ, vỉa hè lớn, ít có cảnh nhếch nhác chiếm dụng hè phố hay buôn bán vặt. Đó là tôi còn ở bên bờ Tây, gần khu tô giới Pháp cũ, nơi cũng còn khá nhiều kiến trúc cổ và những khu phố mang hơi hướng Trung Hoa.

Thượng Hải có hệ thống giao thông công cộng thuận lợi và sạch sẽ, với hàng chục chặng tàu điện ngầm. Vào giờ cao điểm vẫn có tắc đường, nhưng chủ yếu là những dòng xe hơi mà khá đông là xe sang, nối đuôi nhau kiên nhẫn chờ tại các giao lộ đông đúc. Các tuyến đường nhỏ thì giao thông thông thoáng hơn. Ngoài giờ cao điểm thì đây vẫn là thành phố lý tưởng cho dân lái xe hơi.

Từng du lịch ở nhiều nơi tại Trung Quốc, tôi nhận thấy có một điểm chung là du khách sẽ tham quan những khu nhà vườn truyền thống, chùa chiền, phố cổ và mua sắm, bên cạnh một số thắng cảnh đặc trưng. Nhưng Thượng Hải có lẽ là điểm đến khác biệt nhất trong số các điểm đến ở Trung Quốc, khi du khách có cảm giác mình đang đi dạo ở đâu đó tại châu Âu với hai gương mặt: cũ và mới. Từng là thuộc địa của phương Tây, nên nhà cửa ở khu cũ – phố Tây – dọc bờ sông Hoàng Phố hầu hết đều có phong cách kiến trúc cổ điển thường thấy ở châu Âu. Chẳng hạn khách sạn Peace, Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải, Bảo tàng Lịch sử Thượng Hải, Đại học Giao thông Thượng Hải… Từ phố đi bộ nổi tiếng Nam Kinh, nếu chịu khó rẽ vào các con đường nhỏ sẽ nhận thấy nét cổ kính châu Âu vẫn được lưu giữ nơi đây.

Khu bờ Đông thì hiện đại với các tòa cao ốc, đại siêu thị, tháp truyền hình … tương tự như các thành phố Mỹ  hiện đại. Du khách tới thăm Bến Thượng Hải, địa danh lừng lẫy qua các phim cổ, dễ có cảm giác mình đứng ở Marina Bay ở Singapore khi từ bờ Tây nhìn sang bờ Đông, qua sông Hoàng Phố, thấy chất ngất các tòa nhà hiện đại, kiến trúc hoành tráng.

Thành phố của siêu xe và tỉ phú

Sự giàu có của Thượng Hải thể hiện qua những con số ấn tượng. Năm 2010, GDP của Thượng Hải là 1.687 tỷ nhân dân tệ (tương đương 256,3 tỷ USD) với GDP đầu người đạt 76.000 nhân dân tệ (tương đương 11.540 USD). Thượng Hải là hải cảng sầm uất nhất thế giới, hơn cả cảng Singapore và Rotterdam.

Từ một làng chài hẻo lánh, Thượng Hải đã trở thành một thành phố quan trọng bậc nhất từ đầu thế kỷ 20, và là trung tâm văn hóa, chính trị, nơi tụ họp của giới trí thức trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc. Thượng Hải đã từng một thời là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau  New York và Luân Đôn, là trung tâm thương mại lớn nhất Viễn Đông cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sau khi Mao Trạch Đông cầm quyền Trung Quốc kể từ năm 1949, Thượng Hải đã đi vào thời kỳ sụt giảm tốc độ phát triển do chế độ thuế má cao và do sự triệt thoát kinh tế tư bản của chính quyền mới.

Nhờ sự cải cách, mở cửa theo mô hình kinh tế thị trường do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và lãnh đạo mà đặc biệt là từ năm 1992, Thượng Hải đã có những bước bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế và nhanh chóng vượt qua Thâm Quyến và Quảng Châu – một thành phố đặc khu được tự do hóa sớm nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để trở thành đầu tàu kinh tế Trung Quốc. Vẫn còn nhiều thách thức cho thành phố này đầu thế kỷ 21 như nạn di dân ồ ạt và sự phân hóa giàu nghèo, tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, các khu nhà chọc trời và cuộc sống đô thị sôi động của Thượng Hải vẫn là biểu tượng của sự thần kỳ kinh tế Trung Quốc.

Với sự phát triển kinh tế thời gian qua, số lượng nhà giàu Trung Quốc tăng chóng mặt. Trang CNBC dẫn báo cáo do tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc công bố ngày 15/10/2015 cho biết, trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc sản sinh thêm 242 tỷ phú, nâng số tỷ phú ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng thêm gần 70%. Báo cáo cũng cho biết, trong vòng 1 năm tính đến ngày 14/8, trung bình mỗi tuần Trung Quốc có thêm 5 tỷ phú. Với mức tăng này, Trung Quốc hiện có 596 tỷ phú, so với 537 tỷ phú của Mỹ. Một phần khá lớn số tỉ phú này sinh sống tại Thượng Hải. Theo tạp chí “Hurun Wealth Report”, tới cuối năm 2014 đã có chừng 159 ngàn triệu phú đô la đóng đô tại thành phố này.

Vì vậy, chẳng ngạc nhiên khi thấy những chiếc siêu xe chạy khắp thành phố và những câu lạc bộ đêm giàu sang tấp nập khách, cho dù cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán hồi tháng 8 đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Trung Quốc và làm cả thế giới được một phen hoảng sợ. Đêm đến là lúc đẹp nhất để ngắm Thượng Hải, bởi lúc đó cả thành phố sáng rực đèn, những tòa cao ốc lấp lánh sáng trong đêm như những bức tường ánh sáng nối tiếp nhau bất tận.

Thiên đường shopping

Giàu có, nước lớn, nên có vẻ như chỉ thị trường nội địa đã quá đủ cho người làm kinh doanh du lịch trong nước. Trung Quốc xuất khẩu cực lớn, nhưng người nước ngoài tới đây lại phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, khi rất ít nhà hàng, văn phòng du lịch, khách sạn, lái xe … có nhân viên thông thạo tiếng Anh. Điều đó chẳng cản trở sự thành công của các công ty du lịch nội địa khi mỗi ngày hàng triệu người dân đi du lịch khắp trong nước. Còn với du khách nước ngoài thì tham quan du lịch kiểu “tự sướng” sẽ khó mà thưởng thức hết được những điều thú vị tại đất nước này.

Thượng Hải thì hơi khác do đây là thành phố quốc tế, số lượng người nước ngoài tới làm việc rất đông nên hầu hết các khách sạn và các điểm kinh doanh lớn đều có nhân viên nói được tiếng Anh. Với người yêu thích shopping, đây là thiên đường, từ đồ hiệu tới đồ nhái, đồ bình dân … đều có đầy đủ, với các mức giá dành cho mọi túi tiền.

Những trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Thượng Hải

Phố đi bộ Nam Kinh

Với chiều dài khoảng 5,5 km, phố đi bộ Nam Kinh hay còn gọi là Nam Kinh Lộ là khu phố đi bộ nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch nhất của du lịch Thượng Hải. Phố Nam Kinh hấp dẫn du khách chủ yếu là nhờ có những chương trình biểu diễn văn nghệ của các nghệ sĩ thổi kèn đứng trên các cửa sổ tòa nhà dọc hai bên phố hoặc các nghệ sĩ trong các trang phục cao bồi đi qua đi lại trên đường để khách chụp hình lưu niệm. Nhưng có lẽ điều hấp dẫn khách du lịch nhất ở con phố này chính là các cửa hàng bán đồ thời trang, đồ lưu niệm truyền thống san sát nhau với rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau.

Khu mua sắm Thần Hoàng Miếu

Có rất nhiều những cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, nhà hàng ở Thượng Hải mọc san sát nhau, được thiết kế hài hòa mang đậm phong cách truyền thống của người Trung Quốc xưa tại khu mua sắm Thần Hoàng Miếu. Khu vực này khá nhộn nhịp bày bán đủ loại sản phẩm từ quần áo thời trang cho đến các loại thực phẩm, dược phẩm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm do chính bàn tay những nghệ nhân địa phương làm ra. Tại đây, du khách có thể mua những thang thuốc bắc, thuốc y dược Trung Hoa chữa các loại bệnh như: đau lưng, nhức mỏi, các loại quà lưu niệm như khăn tay, các đồ gốm sứ… Đặc biệt, mua hàng ở đây bạn nên chú ý đến việc trả giá và tốt nhất là nên trả một phần ba hoặc thậm chí một phần tư giá người bán đưa ra.

Khu Phố Đông

Khu Phố Đông hay còn được biết đến với tên gọi “Quận mới Phố Đông” là niềm tự hào và là một trong những bộ mặt của thành phố Thượng Hải, với vô số những tòa nhà cao tầng cùng rất nhiều những trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm quy mô và xa hoa bậc nhất Châu Á hiện nay. Khu Phố Đông nhộn nhịp và đẹp nhất là vào buổi tối khi ánh đèn điện màu hai bên cầu và ánh đèn dọc hai bên bờ sông phản chiếu tạo nên một vùng không gian đẹp như tranh vẽ. Không ai đến đây lần đầu lại không tỏ ra ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh huyền ảo này. Khu vực này được gọi là nơi giao thoa và hòa hợp của văn hóa Đông – Tây tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Bình luận

comments