Tháng giêng hai đã qua, mâm cao cỗ đầy mùa tết đủ làm ta cảm thấy ngây ngấy vị thịt thà cá mú. Tháng ba đến thanh cảnh với tết Hàn thực, bánh trôi bánh chay bày bán khắp nơi, trắng bong, mát rượi, hợp với cái nóng thoáng đến thoáng đi của thời tiết cuối xuân.

Trời tháng ba đỏng đảnh như nàng Bân, đòi cha làm mưa làm rét để cho chồng thử áo vài hôm, rồi lại nóng như thể đã vào giữa hạ. Ấy là lúc ta thong dong chuẩn bị đón hè. Trong lòng bắt đầu thấy thèm những món ăn thanh tịnh, giản dị chân quê, hơn là những món “nhiều đạm, lắm béo” khi trời còn đông giá.

Ấy là lúc ta chợt nghĩ thèm ăn chay. Ờ mà nhìn đi nhìn lại, cái đất Hà thành vừa cổ xưa, vừa hiện đại này, có hằng hà sa số quán ăn, mà quán thuần chay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đành rằng quán nào chả có rau có đậu, nhưng hình như ăn rau ăn đậu ở quán thuần chay có hương vị khác hơn thì phải. Có lẽ vì rau và đậu ở đó không bị “nhiễm” mùi đồ ăn mặn xung quanh, nên thanh tao hơn chăng? Hay vì người nấu ăn ở các nhà hàng thuần chay đều là người ăn chay trường, nên thiện tâm của họ cũng truyền vào đồ ăn?

Các bác nghiên cứu khoa học với cả đống máy móc đã đo đạc tính toán và khẳng định rằng, tâm lý và tư tưởng của người nấu ăn rất quan trọng, nếu như họ nấu trong tâm trạng khó chịu, bực tức, giận dữ, đồ ăn sẽ bị biến đổi thành năng lượng xấu, có hại cho người ăn. Còn nếu người nấu trong tâm trạng tươi vui, bình an, thì đồ ăn tự nó sẽ sinh ra nguồn năng lượng tốt đẹp, bình an. Thôi thì kệ các bác ấy, dẫu sao chân lý vẫn là “lòng vui thì đời vui”. Ăn chay đã.

Loving Hut: ăn chay, sống xanh, bảo vệ địa cầu

Thả bộ dọc đường Hoàng Diệu,  rẽ sang Phan Đình Phùng, tạt vào Đặng Tất, ra Quán Thánh, ghé vào Loving Hut, quán chay nằm khiêm tốn trong ngõ nhỏ. Một bầy chim sẻ ríu rít nhảy nhót trên lối đi, không biết sợ người. Mới gần trưa, quán còn vắng, nhưng chỉ một lát đã lác đác có khách. Loving Hut Quán Thánh là một nhà hàng nằm trong chuỗi hàng trăm nhà hàng Loving Hut trên toàn thế giới – với tôn chỉ “Be vegan, save planet” (ăn chay để bảo vệ địa cầu).

Bảng hiệu trắng vàng quen thuộc của Loving Hut có thể thấy ở hầu hết các trung tâm ăn uống lớn trên thế giới. Không giống như các hệ thống nhà hàng franchise khác có menu khá đồng nhất, các nhà hàng Loving Hut dù được bài trí và tổ chức tương tự nhau nhưng mỗi nhóm nhà hàng ở các quốc gia lại có menu món ăn riêng biệt, theo khẩu vị truyền thống của địa phương.

Vì thế, khi lật thực đơn, ta có thể bỡ ngỡ ngạc nhiên trước những cái tên có vẻ rất hoa mỹ như: cơm Ân điển; súp Khai ngộ; món Bồ tát hạnh; Thảo nguyên tình thương; Hương vị non xanh … nhưng nhìn kỹ, hỏi kỹ, hay đã là khách quen của nhà hàng thì sẽ biết thực ra đó là mấy món ăn Việt rất quen thuộc với dân ăn chay lẫn ăn mặn. Cơm Ân điển là cơm trộn với gà chay xé phay rau răm, Long vân là món dồi chay nhân đậu xanh; Biển sóng dạt dào là cá chay kho tộ kiểu truyền thống thơm mùi riềng và sả; Thảo nguyên tình thương là salat rau trộn … Những món ăn khi được bày ra xanh mướt mắt, thơm một cách thanh nhẹ, vị mới ăn có vẻ không “đậm đà” như đồ ăn mặn, nhưng nếu đã ăn quen thì đồ ăn mặn lại trở nên quá nặng nề khó tiêu.

Cuối xuân, nhà hàng đã có thực đơn hè với canh chua, nem cuốn, phở cuốn đầy hương vị, bún riêu vàng ươm, bún trộn chua chua mát mát. Khách ăn chay trường thường chỉ gọi một hai món vừa đủ ăn, còn khách không thuần chay thích tới vào ngày rằm mùng một, khi có tiệc buffee với mấy chục món chay đủ loại, kèm thêm chè, cháo trai, súp, bánh ngọt … đủ làm thỏa mãn khẩu vị của những người ưa nếm đồ ăn lạ.

Theo bà chủ quán, việc đặt tên “đẹp” cho món ăn, thật ra có mục đích. Qua tên món ăn, Loving Hut mong muốn chuyển tới cho thực khách những “thông điệp yêu thương”. Súp Khai ngộ là ước mong ta ăn chay thanh khiết để được “khai ngộ” (sáng tỏ) trong cuộc sống và trong học tập, công việc. Món Thiên sứ tình thương là ước mong, hứa hẹn về một tình yêu bao la từ Thượng đế. Cơm Ân điển mang ý nghĩa trân quý vật phẩm mà thiên nhiên trao tặng cho nhân loại …

Ăn chay không phải là mốt, mà là sự trở lại cội nguồn

Chị Mai, chủ nhà hàng chay Loving Hut là tín đồ nhiệt thành của thuyết ăn chay. Chị và gia đình ăn chay trường. Con trai chị, một chàng trai cao lớn, trong sáng, thông minh năm nay đã học đại học – cũng ăn trường chay từ khi sinh ra. Chị chia sẻ: Bây giờ chúng ta hay cho người ăn chay hoặc chay trường là “sùng đạo” hoặc theo mốt, muốn giữ eo … nhưng thực ra ăn chay chẳng có gì mới, chẳng qua là chúng ta đang trở lại cội nguồn mà thôi.

Quả là vậy. Từ lúc lịch sử bắt đầu được ghi chép, chúng ta đã thấy rằng hoa quả là thức ăn tự nhiên của loài người. Những truyền thuyết xa xưa của Hy Lạp và Do Thái đều nói rằng con người khởi thủy chỉ ăn trái cây. Những giáo sĩ Ai Cập cổ xưa không bao giờ ăn thịt. Những triết gia vĩ đại cổ Hy Lạp như Plato, Diogenes và Socrates đều ăn chay và cổ vũ ăn chay. Phật Thích Ca đã khuyên các đệ tử của Ngài không ăn thịt.

Đức Phật nói: “Ăn thịt chỉ là một thói quen mà thôi. Lúc chúng ta mới sanh ra không có sự ham thích ăn thịt. Những người ăn thịt đang cắt đứt hạt giống Đại Từ Bi bên trong của họ”. Albert Einstein, người ăn chay trường, đã nói: “Tôi nghĩ rằng khả năng biến cải và hiệu năng thanh lọc của việc ăn chay đối với tính tình con người, sẽ rất có lợi cho nhân loại”.

Ăn chay hay ăn mặn là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng tôi thích slogan “ăn chay, sống xanh” của Loving Hut, vì chẳng cần tin theo tôn giáo tâm linh, ta cũng nhìn thấy ngôi nhà trái đất của nhân loại đang ngày càng bị tàn phá, thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng. Từ góc độ cá nhân, thật tình mà nói, những món ăn chay thanh nhẹ này với tôi nom “heathy” (lành mạnh) hơn một đĩa gà rán KFC.

Bình luận

comments