Lưu Quang Vũ Những con chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật

Tôi ở cùng những chữ hôm nay

Điều còn lại sau đường dài tôi vượt

Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật

Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi

Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi

Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa

Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi.

(“Những chữ” – Lưu Quang Vũ. 1972)

Những dòng thơ khắc khoải của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, như một lời tự tuyệt với con người cũ của ông, cái con người lãng mạn đầy mơ mộng yêu thương – để bước vào một thời kỳ đi vào cuộc đời, với “những con chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật” … Từ địa hạt thơ, ông bước lên sân khấu kịch, để tấn công vào vở kịch cuộc đời đầy chua chát, đắng cay bằng ngòi bút chiến đấu.

10 năm viết kịch, 10 năm rực rỡ một tài năng,10 năm cuối cùng của đời Lưu Quang Vũ, ông đã sáng tác 53 vở kịch, mỗi vở đều được công chúng đón nhận nhiệt tình.

Hơn hai mươi năm sau, khi kịch Lưu Quang Vũ tái xuất trong liên hoan kịch mang tên ông, một lần nữa các nhà hát chật kín khán giả, sáng đèn mỗi đêm. Và ta lại thấy nước mắt rơi trên má người xem, khóc cười cùng số phận nhân vật.

Cái nhìn hiện thực nghiệt ngã:

Một trong những lý do khiến khán giả say mê kịch Lưu Quang Vũ, chính là cái nhìn hiện thực nghiệt ngã của ông. Phần lớn vở kịch của ông là các mảnh tranh bóc ra từ hiện thực suy đồi mà mỗi chúng ta đều nhận thấy.Có thể đó là thói làm việc quan liêu, vô cảm của bao kẻ có thừa quyền chức mà thiếu lương tâm (“2000 ngày oan trái”).Có thể đó là thói vô trách nhiệm, móc ngoặc để làm hại người khác (“Lời thề thứ chín”).Có thể đó là sự suy thoái đạo đức, sự đổ vỡ trong quan hệ gia đình dưới ảnh hưởng của lòng tham (“Ông không phải bố tôi”) … Thời kỳ bùng nổ kịch Lưu Quang Vũ cũng là thời kỳ Việt Nam đang trong giai đoạn giao thời, mở cửa. Truyền thống đạo lý, tư tưởng nhân văn đang phải đối mặt với sự khốc liệt của sức mạnh kim tiền tấn công vào mọi rường mối trong xã hội. Những vấn đề Lưu Quang Vũ đưa ra trong kịch của ông, khán giả đều có thể bắt gặp ở đâu đó, trong đời thực, và không ít người phải trực tiếp đối mặt với nó hàng ngày.Có lẽ vì vậy mà khán giả có sự đồng cảm sâu sắc với nhà viết kịch.

Hai chục năm sau, đáng buồn thay, những vấn đề ngày đó Lưu Quang Vũ day dứt, nay vẫn còn tồn tại, thậm chí nóng bỏng hơn. Nếu như Lưu Quang Vũ còn sống, có lẽ ông sẽ cảm khái mà viết thêm nhiều vở kịch về nỗi đau đời.

Niềm tin, hy vọng, ước mơ:

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là trong kịch Lưu Quang Vũ, không có ai xấu hoàn toàn, hay nói đúng hơn là không có con người bản chất xấu. Bản chất con người là tốt đẹp, nhưng do nhiều lý do, nhất là do sự không thể kiểm soát lòng tham, sự ích kỷ … đã dẫn tới những nỗi đau, bi kịch…Ẩn sâu bên trong những câu chuyện tưởng chừng thật nghiệt ngã, đau đớn, vẫn luôn chất chứa niềm tin, hy vọng, ước mơ.

Lưu Quang Vũ, như mọi nhà thơ đích thực, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và ông tha thiết trao gửi niềm tin đó tới khán giá.

Đó là niềm tin vào sự chính trực, ngay thẳng trong Mùa hạ cuối cùng; là niềm tin vào tình bạn, tình đồng chí trong “Điều không thể mất”; là niềm tin vào tình yêu thủy chung trong “Trái tim trong trắng”… Là thông điệp về tình yêu, sự thủy chung, minh triết, thông tuệ trong “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Khao khát của ông là thông qua những vở kịch của mình để cảnh tỉnh xã hội, để mỗi người nhận ra rằng cần phải sống với phần tốt đẹp trong con người mình, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà hát Tuổi trẻ đã quyết định tổ chức diễn 100 buổi miễn phí  vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của ông, dành tặng cho các khán giả là học sinh, sinh viên, giáo viên, nhà giáo dục. Đây là vở kịch mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những con người có ích cho xã hội.Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn.Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo. Ban giám hiệu đã có cuộc họp, nhưng để đảm bảo cho danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận. Lúc thất vọng nhất, Châu đã gặp thầy Hiển, người luôn dạy cậu về niềm tin nhân cách, nhưng thầy đã nhân nhượng, thỏa hiệp như những thầy cô giáo khác. Cuối cùng, Thời –một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, là mẹ Thời đã mua đề nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.

Đã 30 năm qua, nhưng bài học về nỗi đau của cậu học sinh trung thực khi niềm tin bị đánh mất trong “Mùa hạ cuối cùng”, vẫn còn vẹn nguyên. Công diễn vở kịch miễn phí, dành cho các học sinh và các nhà giáo dục, chính là một thông điệp mãnh liệt mà các nghệ sĩ muốn gửi tới tất cả khán giả: “Đừng để thế hệ trẻ mất niềm tin vào thầy cô, những người kĩ sư tâm hồn”(đạo diễn Chí Trung).

Và đó cũng là thông điệp mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mong mỏi chúng ta nhận lấy! Thế giới tốt đẹp làm sao, chỉ vì chúng ta lầm lẫn các giá trị thực sự, nên thế giới trở nên nhiều khổ đau, tội ác …

Em có đọc, em ơi đừng buồn sợ

Thật ra sách trên đời

Có phải trái đầu đuôi

Tất cả rối bời

Là do người ta lầm lẫn.

(“Cuốn sách đóng lầm trang” – Lưu Quang Vũ)

Bình luận

comments