Lối đi vào chốn riêng tư của Đào Anh Khánh giống như một lối rẽ nhỏ trong ngôi làng trong phố, hai bên là rặng chuối xanh mát trang trí bằng vài bức tượng sinh thực khí cao ngất. Cánh cổng chẳng bao giờ đóng, ngôi nhà sàn Mai Châu nấp dưới bóng cây rậm rạp như một khu rừng hoang dã, bên trong là những bức tranh sáng rực sắc màu mới mang về từ cuộc triển lãm tranh siêu thực lớn nhất trong năm của anh (gần 600 bức).  Nghệ sĩ đứng dưới nắng sớm mùa đông, rực rỡ như một teen girl Nhật chính hiệu vừa bước ra từ một cuốn manga, với mái tóc dài nhuộm bảy sắc cầu vồng và bộ đồ màu tím. Nổi tiếng là một nghệ sĩ trình diễn xuất sắc, tên anh thường được gắn với tính từ “điên”, và đúng là không ai trong danh sách các quý vị nghệ sĩ ở Việt Nam có thể so với anh về độ độc đáo và kỳ lạ. Phong cách của Đào Anh Khánh là duy nhất, không lẫn vào bất kỳ ai.

Câu chuyện bắt đầu từ đề tài muôn thủa: Tết đến, Xuân về … , những chương trình nghệ thuật của anh, rồi miên man dòng chảy từ những ký ức, cuộc chơi tới những trầm ngâm suy tư về tình yêu, bản thể, rồi lại quay lại ý nghĩa thực sự của mùa xuân trong cuộc đời con người.

“Đáo xuân” là chương trình gắn với “thương hiệu” Đào Anh Khánh, nhưng năm nay anh lại dừng không tổ chức, có phải vì anh đã bắt đầu thấy “đủ” với chơi Xuân?

Cũng không hẳn thế. Tôi là thằng ham chơi, mải chơi, thích chơi, thích gặp gỡ anh em bạn bè, thích tổ chức những cuộc chơi cho bạn mình và mình được thả sức thể hiện những ý tưởng sáng tạo. Người nghệ sĩ không có điểm dừng, không có sự thỏa mãn, nghệ sĩ dù có chơi thì cũng chơi để khám phá những đích đến mới. Trước kia tôi thường hay tổ chức nhiều cuộc chơi nhỏ, sau này tôi dành thời gian và tiền bạc làm Đáo xuân, như một cuộc chơi lớn. Đáo xuân năm sau thu hút hơn năm trước, hàng ngàn khán giả tới xem, không chỉ  giới nghệ sĩ bạn bè. Đối với tôi sự hứng thú của khán giả cũng là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ.

Năm nay tôi không làm Đáo xuân, lý do chính là tôi đang dồn tài chính cho dự án Thung lũng gầm trời, nếu làm Đáo xuân thì sẽ phân tán và như vậy Đáo xuân sẽ khó mà đạt được tầm vóc như nó vốn phải là. Tôi không thích sự nửa vời, nhàn nhạt đó.

Là người Hà Nội gốc, anh có cảm thấy buồn khi thành phố đã thay đổi nhiều, hồn Tết xưa phong vị cũ đang dần phai nhạt?

Sự thay đổi là điều không thể cưỡng lại, vì nó cũng là một tiến trình tự nhiên. Hà Nội cũng như các nơi khác ở Việt Nam đều đối mặt với làn sóng hiện đại hóa, nhưng ta nhìn thấy ở Hà Nội rõ hơn vì thành phố có một số nét văn hóa sâu đậm. Tuy nhiên, người Việt mình vẫn giữ được cái hồn của Tết. Vì Tết truyền thống ngoài sự chuẩn bị (ăn uống, trang hoàng nhà cửa …), thì cốt yếu của nó là dịp sum họp gia đình, là thời gian dành cho yêu thương và chia  sẻ, thời gian của hàn gắn những tổn thương, thời gian của sự tha thứ và chấp nhận nhau. Tôi thấy điều đó rất đẹp. Cho tới nay, dù ta có thể mua sắm mọi đồ ăn truyền thống cho tết ngoài siêu thị, nhưng người Việt mình vẫn giữ nếp xưa là trở về với gia đình, thăm hỏi nhau, chúc tụng nhau.

Gia đình tôi khá đông đúc, tộc họ lớn nên mỗi dịp tết tới chúng tôi vẫn duy trì nghi lễ gia phong ở mức tốt. Ngôi nhà của tôi ở Gia Lâm khá rộng, có nhà sàn và bếp lửa, đó là nơi tôi thường tụ họp với họ hàng và bạn bè trong ngày tết, ăn uống, chuyện trò, có thể ngẫu hứng tổ chức những cuộc vui. Vẻ đẹp của Tết với tôi là như vậy.

Tình không tuổi …

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt bởi điện thoại của anh reo. Thường là điện thoại của phụ nữ. Giọng nói ngọt ngào của nghệ sĩ khiến tôi không khỏi mỉm cười, và chợt nhớ Đào Anh Khánh đã từng nói: Tôi không thể sống một ngày không có tình yêu, không có phụ nữ.

Người ta thường nói tình yêu là nói đến một sự vĩnh viễn, chung thủy, duy nhất và mãi mãi. Anh nghĩ sao về điều đó?

Tình yêu là vĩnh viễn, đúng vậy. Tôi có tình yêu lớn với bản thân mình. Tôi cũng  có tình yêu với cái đẹp và tự do. Tình yêu với phụ nữ. Tôi không tin vào thứ tình yêu áp đặt, vào những mối quan hệ sở hữu lẫn nhau. Cuộc sống là dòng chảy của những khoảnh khắc đẹp đẽ nối tiếp, tôi mở rộng trái tim mình đón nhận nó. Tình yêu với bản thân giúp tôi sống trung thực với mình, làm những gì mình say mê và khao khát, cho phép tôi sống với bản thể của mình, được bộc lộ con người mình ra như nó vốn thế. Chính từ đó, tôi mới có thể học cách sử dụng trí tuệ và tiềm thức sâu xa của mình để tạo ra những giá trị sống mà tôi sinh ra để thực hiện nó. Từ hoạt động nghệ thuật của mình, tôi muốn truyền cảm hứng, giúp người khác tỉnh thức, biết yêu bản thân mình. Người nghệ sĩ đích thực là người biết yêu mình, lắng nghe và tôn trọng bản thể của mình.

Về tình yêu nam nữ. Tình yêu là mang lại tự do cho nhau, là trải nghiệm những phút giây hạnh phúc mãnh liệt. Thời gian, sự gắn kết … đó  chỉ là những khái niệm thuộc về sở hữu, không thuộc về tình yêu. Ít ra với tôi, mỗi cuộc tình dù thoáng chốc hay lâu dài, đều là cơ hội để đón nhận và trao đi yêu thương. Có nhiều người nghĩ rằng tình yêu đó mang tính dục quá nhiều, nhưng từ những  mối tình đã đi qua trong đời tôi, tôi nhận ra rằng cũng như nghệ thuật, tình dục chỉ có thể đạt tới điểm thăng hoa khi ta rót vào đó mật ngọt của yêu và đam mê.

Tình yêu cũng như mùa xuân, không có tuổi tác, không phân định ngày tháng. Vào giây phút hai tâm hồn và thân thể hòa hợp với nhau, đó là lúc tình yêu đi theo giai điệu tự nhiên của vũ trụ, thiên nhiên.

…. Và xuân không ngày tháng

Trong các buổi trình diễn của anh, người ta thường thấy anh cháy bỏng hết mình và trình diễn trong cơn mê cuồng mà hai từ “lên đồng” có lẽ không đủ để diễn tả. Người nghệ sĩ trong Đào Anh Khánh hình như không có khái niệm về tuổi tác, về điểm dừng,về cái mà người đời gọi là “mùa thu cuộc đời”?

 Không có giới hạn mặc định nào được đặt ra, vì sống là khám phá và chinh phục các giới hạn. Ngọn núi tri thức và sáng tạo có thể cao vạn dặm, mỗi ngày gian khổ, ta cũng chỉ nhích được 1/1000 milimet, nhưng ta vẫn cứ tiến lên, vì đó là ý nghĩa vì sao ta sống. Khi ở New York, có lần tôi xem video trình diễn của một nghệ sĩ múa Nhật, trước tài năng siêu việt của ông tôi đã khóc ầm lên như một đứa trẻ con, cảm thấy ông ấy là đỉnh Thái Sơn mà mình chỉ là ngọn đồi nhỏ. Thế nhưng, khóc xong, tôi không có ý nghĩ bỏ cuộc hay chạy theo ông ấy, mà tôi càng thấy mình phải là mình, với tài năng  và sự sáng tạo riêng của mình.

Nếu mùa xuân được dùng làm biểu tượng cho sự sáng tạo, cho sự tươi mới, sự khởi đầu, cho sức mạnh, cho đam mê, thì với tôi mùa xuân là vĩnh viễn. Mỗi ngày là một khởi đầu mới mà ta không thể đoán được nó sẽ dẫn ta đi về đâu.  Bạn nhìn xem, hơn 500 bức tranh này tôi chỉ vẽ trong vòng 3 tháng, vẽ ngày đêm, vẽ như ma nhập, như ai đó cầm tay tôi. Nhưng đó cũng chính là tôi, là con người sáng tạo trong tôi được chạm tới sâu sắc và nó đột ngột bay bổng trong cảm hứng ào ạt tới độ bút vẽ không chạy theo kịp được ý tưởng. Con người đó đứng ngoài mọi giới hạn thời gian.

Kết

Mùa xuân đến, bên ngoài căn nhà của nghệ sĩ, cây cối ngập sắc màu dưới nắng. Tôi muốn mượn câu thơ của Xuân Diệu để chào tạm biệt Đào Anh Khánh, người nghệ sĩ có tâm hồn trong trẻo như trẻ thơ, như chàng trai luôn luôn là mới lớn, luôn luôn lạc đâu đó trong những nẻo đường tình…

Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta 

Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng

Bình luận

comments