Kiệt tác “Những người khốn khổ” của nhà văn Pháp Victor Hugo, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới trong thế kỷ 19, đã từng được chuyển thể thành nhạc kịch, được công diễn khắp thế giới, tới với hàng trăm triệu khán giả. Bộ phim âm nhạc “Những người khốn khổ” phiên bản 2012 được xây dựng dựa trên nền cả tiểu thuyết lẫn nhạc kịch. Được đánh giá như một hiện tượng điện ảnh năm 2012, phim “Những người khốn khổ” (đạo diễn Tom Hooper) đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Quả Cầu Vàng, Oscar, BAFTA …

Năm 1815, Jean Valjean được phóng thích sau 19 năm tù khổ sai vì tội ăn cắp một chiếc bánh mì. Mang tấm giấy thông hành của kẻ tội phạm, anh bị xua đuổi khắp nơi trong rét mướt và đói khát. Số phận đưa anh gặp giám mục Digne, người cho anh mái ấm trú chân trong đêm lạnh. Đêm đó, lòng tham nổi lên, Jean Valjean ăn cắp đồ của nhà thờ và bị lính bắt. Nhưng vị giám mục đầy trắc ẩn đã tặng những món đồ đó cho anh, bảo lãnh anh thoát khỏi sự tù đày một lần nữa. Sự cao quý, thánh thiện của cha xứ đã thay đổi cái nhìn của Jean Valjean vào cuộc đời, và lần đầu tiên sau hàng chục năm thù hận, trong anh trỗi dậy trong lòng niềm khao khát được sống đàng hoàng, lương thiện.

Và, đó là lúc bản giao hưởng cuộc đời cất tiếng.

Les Misérables – Những người khốn khổ đã từng được chuyển thể thành phim, kịch thành công. Nhưng phiên bản dạng nhạc kịch năm 2012 thực sự là một cuộc chơi nghệ thuật đầy mạo hiểm. Ê kíp sản xuất đã lựa chọn con đường khó khăn khi chuyển thể một tác phẩm văn học dày dặn với nhiều tuyến nhân vật đan xen, cấu trúc tiểu thuyết đa chiều, kèm theo nhiều trường đoạn mang tính sử thi hoành tráng – sang ngôn ngữ không phải điện ảnh đơn thuần mà là điện ảnh kết hợp với vũ kịch, nhạc kịch, sân khấu ước lệ.

Rất ít thoại, hầu như mọi trường đoạn đối thoại kịch tính đều được thể hiện bằng âm nhạc. Các diễn viên trong phim là diễn viên điện ảnh thuần túy, không phải ca sĩ nhạc kịch, nhưng trong bộ phim, họ thực sự đã vượt qua chính mình. “Người sói” Hugh Jackman khởi đầu với ca khúc “Look down” trên nền sóng gió biển khơi và cảnh kéo thuyền nhọc nhằn của những người tù khổ sai. Âm hưởng cay đắng, dữ dội, đau đớn của bản nhạc đi sâu vào trái tim người xem. Hugh Jackman nổi danh với phim hành động, ít ai nghĩ anh có thể hát được. Công bằng mà nói, giọng ca của anh không xuất sắc, nhưng song hành với lối diễn biểu cảm mang tính kịch và sự hỗ trợ của giàn nhạc thượng hạng, mỗi bài ca của Jean Valjean đều xúc động lòng người. Kịch tính xuất hiện ngay từ khi anh cất lời ca day dứt, tự hỏi bản thân: ta đã làm gì ? “What I have done?” … Tại sao Thượng đế ban cuộc sống cho ta, để ta rồi ta tự dìm nó trong tội lỗi – để  ngày hôm nay, vị giám mục thánh thiện kia tới trong đời ta như lời nhắc nhở của Chúa, nhắc ta rằng, phải sống hướng thiện hơn… để quyết định thay đổi cuộc đời mình.

Và từ đó, giai điệu âm nhạc dẫn dắt ta đi qua những câu chuyện thăng trầm từ cuộc đời người tù khổ sai tới những số phận nhân vật chìm nổi lênh đênh. Khán giả khóc cùng Fantine khi người thiếu nữ xinh đẹp bị lừa gạt tình yêu, phải bán cả răng và tóc, rồi bán thân để kiếm những đồng tiền ít ỏi để nuôi con gái. Nỗi đau toát ra rưng rưng trong ca từ bất hủ I dreamed a dream, kể lại câu chuyện đời cô, khi những ước mơ trong sáng hồn nhiên đã bị tước đoạt, trong đêm đen lạnh lẽo, khi những con dã thú gầm thét rình mò. Âm nhạc day dứt, tuyệt vọng khi Fantine chết trong khao khát được gặp con. Âm nhạc dữ dội, uất hận khi Jean Valjean tự hỏi Who Am I?, lột tả cuộc đấu tranh một sống một chết – giữa sự trung thực cao cả và lòng ham sống tự nhiên trong lòng ông, khi ông đứng trước cơ may được tự do thực sự nhờ một kẻ bị nhầm lẫn là ông, đang bị phán xử và sẽ thay ông trở lại nhà tù. Toàn bộ câu chuyện về các số phận con người ở đây – đều là những câu chuyện nhắc ta hãy sống chân thành, trung thực, yêu thương và hướng Thiện, dưới ánh sáng Thiên chúa.

Ở phía bên kia bóng tối của những số phận “bị nguyền rủa”, là một lớp kịch khác lớn lao, rộng mở, chói chang ánh sáng của cuộc cách mạng Pháp đang tới gần. Trên nền bối cảnh Paris nóng bỏng đón chờ cuộc nội chiến, các chàng trai sinh viên đốt nóng ngọn lửa hào khí, dựng chiến lũy đòi lật đổ chính quyền quân chủ. Âm hưởng anh hùng ca chiến trận xen lẫn nét lãng mạn yêu đương điển hình của người Pháp trong những bài ca Do you hear the people sing? –  Black and Red … Chính trên nền bối cảnh sục sôi này, đạo diễn đã khắc họa một lớp nhân vật mới kế tiếp: Cosette, Eponine, Marius, Enjolras, Gav … trẻ trung, sống, yêu, chiến đấu và chết với tất cả nhiệt tình lãng mạn tuổi trẻ. Phủ bóng lên những số phận tưởng chừng như nhỏ nhoi, bọt bèo của họ là ánh hào quang rực rỡ của những tia sáng bình minh báo hiệu nền dân chủ đang tới gần.

Với những người chưa từng đọc sách, sẽ khó hiểu hết được tình tiết câu chuyện trong phim, vì tốc độ “lướt” cảnh khá nhanh dưới góc quay của đạo diễn, và cách ông sử dụng tính ước lệ của sân khấu kịch để “cắt cúp” các sự kiện kịch tính cho cô đọng. Nhưng tốt nhất là ta nên bỏ qua nhu cầu “hiểu” chuyện, chỉ đắm mình vào bộ phim và âm nhạc để thưởng thức hết cái đẹp của nó.

Những ngôi sao tỏa sáng:

Những người khốn khổ quy tụ một dàn diễn viên tên tuổi, như Amanda Seyfried (Cosette) Hugh Jackman (Jean Valjean); Anne Hathaway (Fantine); Russell Crowe (Javert) …

Hugh Jackman “người sói”, khi vào vai Jean Valjean đã phải giảm tới 15 kí lô để tạo nên một hình ảnh hốc hác. Không café, uống nhiều nước và luyện tập thể lực hàng ngày với huấn luyện viên đặc biệt để tạo được dáng vẻ khắc khổ thích hợp với nhân dạng nhân vật chính. Khó khăn nhất là anh phải theo một chương trình luyện giọng gian khổ với chuyên gia Joan Lader để chỉnh giọng của anh lên âm vực cao hơn.  Tương tự như anh, Russell Crowe, “võ sĩ giác đấu” một thời cũng phải trải qua thời kỳ luyện giọng để vào vai thanh tra Javert, một vai diễn rất khó thể hiện bởi nét tính cách “đóng”.

Mọi sự dễ dàng hơn với các diễn viên đã từng có kinh nghiệm đóng phim ca nhạc, đồng thời có chất giọng khá tốt như Anne Hathaway (Fantine), và nhất là Amanda Seyfried (Cosette). Amanda đã rất thành công trong phim ca nhạc Mama Mia, và giọng hát của cô được khán giả yêu nhạc định nghĩa với hai tiếng “thiên thần”, trong sáng, ngọt ngào. Rất thích hợp với vai diễn tiểu thư quý phái Cosette. Anna Hathaway đã từng lưỡng lự khi nhận vai Fantine vì cô thấy hình như mình còn chưa đủ “chín chắn” để vào một vai diễn người mẹ với chiều sâu nội tâm như vậy. Nhưng như cô thú nhận, khao khát được thể hiện những ca khúc tuyệt vời của vở nhạc kịch đã chiến thắng sự ngại ngần trong cô. Vào vai Fantine, Anna cũng hy sinh mái tóc đẹp và giảm hàng chục kí lô.

Không thể không nhắc tới cặp vợ chồng “phản diện” Thenardiers, qua tài diễn xuất đẳng cấp của Helena Bonham Carter và Sacha Baron Cohen. Helena nổi danh với nhiều vai phản diện, trong đó có vai diễn trong bộ phim âm nhạc nổi tiếng Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street.  Và Samantha Barks, trong vai Éponine, con gái gia đình Thenardier. Cô là một tài năng âm nhạc thật sự, đã tỏa sáng trong nhiều chương trình hòa nhạc lớn. Nhân vật Eponine trong phim được xử lý khác nhiều so với nhân vật trong tiểu thuyết, vì thế cô lại có nhiều đất diễn hơn. Bài ca On my Own  lãng mạn, day dứt dưới mưa được đánh giá là bài ca thể hiện xuất sắc nhất trong phim.

Bình luận

comments