vết thương

Những ngày tháng 9 năm 1945 đó, giờ xem lại trên các thước phim truyền hình, ngập trong không khí hân hoan, hứng khởi của chiến thắng. Đó là lúc kết thúc một thời kỳ đau đớn của đất nước, khi cả triệu người Việt vừa chết vì đói khát, vì chiến tranh.

Những con người hân hoan ấy không nhận ra rằng, sự kết thúc đó cũng là sự khởi đầu của một thời kỳ đau đớn khác, với hàng triệu sinh mạng khác tiếp tục bị hy sinh. Cuộc chiến nào người ta cũng khoác cho một “ý nghĩa”, nhưng có ý nghĩa nào đáng để đánh đổi hàng triệu mạng người và tàn phá tiếp những thế hệ sau – bởi những vết thương quá khứ?

Tôi không thích học sử, cũng không thích những ngày lễ kỷ niệm hoành tráng này. Lịch sử chỉ tốt khi nó là những câu chuyện cho ta biết về những gì đã xảy ra. Chứ không phải là để mang ra đào bới những vết thương quá khứ, để nhắc nhở mỗi người rằng phải nhớ món nợ này, phải nhớ những mất mát tổn thương này, phải sẵn sàng để tiếp tục đổ máu nếu cần …. Và vô hình trung người ta gieo vào đầu những thế hệ non nớt sau đó niềm tin rằng: đổ máu vì đất nước là yêu nước, rằng chúng ta có kẻ thù và luôn phải sẵn sàng chiến đấu để giữ lại những thứ “thuộc về ta”.

Bao nhiêu đứa trẻ đã được ca tụng vì cầm súng giết chóc từ khi còn bé, như nhiều vị anh hùng non trẻ trong lịch sử Việt Nam?.

Mở sách sử Việt, gần như tôi không thấy nhiều giai đoạn bình yên, ổn định và phát triển. Những cuộc chiến liên miên hàng trăm năm tôi rèn lên một tâm thế sống trong tư thế thường trực chiến đấu, phản ứng tự bảo vệ, sống tạm bợ, nhất thời, sợ hãi. Con người Việt cũng giàu “tính chiến đấu” hơn, nhất là càng về sau này, khi truyền thông góp phần kích hoạt thêm phần “lính chiến” tiềm ẩn ở từng cá nhân.

Sáng mở mắt ra là nghe loa phường hát “trùng trùng quân đi như sóng”, trưa đến lớp hát quốc ca thì nghe: “đường vinh quang xây xác quân thù” … Con gái tôi năm 10 tuổi, nghe vụ tàu TQ đến VN liền bảo tôi: con muốn giết hết bọn TQ. Tôi đã sững sờ khi nghe câu đó. Khi ta lớn lên và tắm trong không khí của “chiến trường” như vậy thì thật bình thường khi ta phản ứng như một người “lính chiến”.

Ngẫm nghĩ lại trong một “quốc gia nhỏ” là gia đình. Cuộc sống hàng ngày mỗi gia đình cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như “quốc gia”, chả thế mà cụ Khổng bảo “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ví như tôi từng bị hàng xóm bắt nạt, nếu tôi cứ ôm thù hận và dạy con cái mình thù hận họ, hoặc xông ra đánh nhau khi họ gây sự hoặc họ làm gì mình không thích, tranh giành nhau từng tí, thì cuộc sống của bản thân gia đình tôi cũng không bao giờ yên ổn.

Tôi chủ trương hòa hiếu, bình tĩnh, giúp đỡ lẫn nhau, tự trau dồi sức mạnh bản thân, học hỏi, kết bạn với nhiều người bạn tốt và sống chân thành, thẳng thắn, không bạo lực nhưng không sợ hãi. Gia đình, con cái mình sống như vậy, chẳng bao giờ sợ người khác ghét bỏ, hành hung, đối xử tệ với mình.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải để cho những nỗi đau và tổn thương quá khứ được yên ổn. Không thể có một gia đình bình an, hòa hiếu, hạnh phúc và thịnh vượng khi gia đình đó không thể quên thù hận quá khứ và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho một sự mất mát đau thương mới “có nguy cơ” xảy ra. Quốc gia cũng vậy.

Tôi nhận thấy khi mình xem các loại phim hướng thiện, đọc sách có tư tưởng tốt, sống với tự nhiên … thì tâm trí bình hòa, cuộc sống thuận lợi, con cái gia đình mọi thứ đều hòa thuận.

Người mình giờ ai cũng lo nhiễm độc thức ăn, nhưng có mấy ai thực sự quan tâm tới sự nhiễm độc của thức ăn cho tư tưởng, tâm trí?

Bình luận

comments