Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Năm 2015, làng điện ảnh Việt chứng kiến sự thành công ngoài sức tưởng tượng của một bộ phim “nội” (ngoại trừ đạo diễn Việt kiều), từ doanh thu tới ấn tượng trong tim độc giả, từ kỹ thuật làm phim tới các giải thưởng nhận được. Đó là phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

“Bom tấn” phòng vé

Tháng 10, khi phim chính thức ra mắt, tất cả các phòng vé trên cả nước đều dành hàng chục suất chiếu liên tiếp mỗi ngày, và mỗi suất đều cháy vé dù là giờ nào. Một bộ phim hoàn toàn chỉ là “phim con nít”, thế nhưng lại thu hút không chỉ các em nhỏ, tuổi teen, thanh niên thiếu nữ, mà cả các bậc bố mẹ, ông bà, cũng nao nức đổ đi xem phim. Bộ phim phải nói được truyền thông ưu ái, PR rất lâu trước khi phim công chiếu, lại thêm tên tuổi của cuốn sách gốc (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) – những động thái này đã giúp bộ phim sớm tăng nhiệt.

Với ngân sách gần 20 tỷ đồng, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đánh dấu sự hợp tác thành công giữa Cục Điện Ảnh và các hãng phim tư nhân. Sự thành công này không chỉ ở chỗ tác phẩm đã được giới chuyên môn cũng như tuyệt đại đa số khán giả khen ngợi, mà còn ở doanh thu cỡ hàng khủng. Ngay cả báo nước ngoài, tờ  “The Hollywood Reporter” cũng đã đăng tải một bài báo giới thiệu bộ phim này, với nội dung cho biết đây là tác phẩm điện ảnh đạt doanh thu cao hàng đầu từ trước tới nay ở Việt Nam. Phim đã thu về hơn 22 tỷ đồng chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt (với hơn 350 ngàn vé được bán ra trên toàn quốc).  Doanh thu của phim được kỳ vọng sẽ vượt đạt mức 90 tỷ (tương đương 4 triệu đô la).

Với giới chuyên môn, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng được đánh giá cao, thể hiện qua việc phim đã nhận được 4 giải thưởng quan trọng ở ba hạng mục: phim điện ảnh hay nhất, quay phim xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và giải Bông Sen Vàng – tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Một vé đi về tuổi thơ

Chuyện phim thật đơn giản, kể lại câu chuyện của mấy em nhỏ sống trong một ngôi làng ven biển miền Trung, chỉ xoay quanh chuyện mỗi ngày tới trường, lội ruộng, đi chơi, vui buồn con nít, sợ ma, trí tưởng tượng. Trong phim triền miên là cảnh những ngày cắp sách đến trường với khăn quàng đỏ bay phấp phới trong gió mùa thu, ngôi trường làng đầy ắp tiếng cười con trẻ. Những ngày thả diều trên sông, những hôm đi bắt ốc, những đợt lũ ngập trắng nhà, những mùa đói ăn cháo cầm hơi, tình anh em hay rung động giới tính đầu đời còn ngây thơ nhưng đã ẩn chút nỗi buồn day dứt của tình yêu nam nữ. Đó là nơi ta có thể miên man thả hồn theo những cánh đồng lúa mượt mà xanh mát, những ngôi nhà ấm áp tình người ẩn dưới những tán cây xanh thân thuộc với mọi người Việt Nam.

Ba nhân vật chính của phim là hai anh em Thiều và Tường, cùng yêu mến một cô bé cùng xóm tên là Mận. Cậu anh chừng 10,11 tuổi, cậu em chừng 6,7 tuổi. Tình yêu con nít đơn phương của Thiều với Mận, sự ghen tuông đầu đời của cậu với chính đứa em trai hồn nhiên vô tư lúc nào cũng quấn quanh chị Mận – đã là nguồn cơn gây ra nhiều nỗi đau cho tất cả mọi người. Đó cũng là lúc Thiều nhận ra được những bài học sâu sắc không thể nào quên về tình yêu, tình anh em, sự rộng mở của trái tim, học được sự cảm thông và thương yêu đích thực. Nhân vật Tường hiện thân cho sự hồn hậu trong trẻo, một tâm hồn đầy yêu thương, tin tưởng hoàn toàn vào cái đẹp, cái thiện, vào một thế giới hoàn toàn chỉ có những điều tốt đẹp. Thế giới của Tường đầy bao dung và niềm tin, nơi một cô bé điên cũng đẹp như nàng công chúa, nơi một chú ếch cũng là bạn thân thiết với người …

Thế giới qua đôi mắt của trẻ thơ đẹp tới làm người lớn chúng ta phải rưng rưng nước mắt, vì hình như ta đã đánh mất đôi mắt nhìn đời ấy tự bao giờ …

Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?

Phú Yên, gành đá, bờ biển đá núi vòng cung ngợp mắt giữa màu xanh lục của biển cả, màu xanh non của cỏ cây, màu xanh hồ thủy của bầu trời … Thiên nhiên hiện ra trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đẹp long lanh, trong suốt và tinh khiết. Cách quay sử dụng nhiều flycam, trau chuốt từng khung hình, kỹ tính chọn và dựng bối cảnh, đạo cụ một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đã tạo nên một bộ phim đi vào lòng người Việt. Chẳng thế mà phim đã nhận giải quay phim đẹp nhất.

Việt Nam với 90% dân số sống ở nông thôn hoặc gốc gác nông thôn, Tổ Quốc thân yêu là hình ảnh đồng quê, làng mạc, đồng lúa, là cánh diều tuổi thơ, con trâu cày, mùa lúa chín, cây rơm … Là mùa mưa lũ trắng đồng, là cánh cò lội ruộng, là những mái nhà tranh đơn sơ nép dưới bóng cây, là những cây rơm tròn thu lu nơi góc vườn. Người Việt nào cũng có một góc thôn quê ấy, được cất giấu sâu thẳm trong tim, như một chốn đi về trong mộng. Và cái chốn đi về ấy bao giờ cũng được thương, được nhớ, được yêu tha thiết, được dệt lên trong trí tưởng tượng của mỗi người thật đẹp. Đẹp như trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vậy. Nhất là khi cái khung cảnh mơ mộng bình yên ấy lại gắn với tuổi thơ, mái trường, lối đi qua đồng lúa tới lớp, những người bạn ấu thơ, mối tình đầu, bao vui buồn từ ngày bé dại …

Đạo diễn Victor Vũ, một người Việt xa xứ, đã mở cánh cửa vào góc khuất tâm hồn đó của mình, để chạm tới góc khuất tâm hồn của triệu khán giả Việt. Ông đã tái hiện thành công cái giấc mơ ấy trong những khung hình tuyệt đẹp.

Tôi lại chợt nhớ cái lần đầu tiên xem phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Cũng một đạo diễn Việt kiều, vậy mà phim ông thấm đẫm chất của Hà Nội một thời xưa cũ, để những cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội vào thời đó như chúng tôi không khỏi nao lòng đồng cảm sâu sắc với đạo diễn. Có phải những người con càng xa xứ thì nỗi nhớ, niềm yêu về quê hương lại càng đau đáu?

Bình luận

comments