Vòng phấn Kavkaz

Bertolt Brecht viết vở Vòng phấn Kavkaz năm 1944, chính thức được trình diễn lần đầu năm 1948, và kể từ đó, vở kịch tuyệt vời này đã được xếp vào hàng những vở kịch kinh điển của thế giới. Vở diễn này được trình diễn tại Hà Nội bởi dàn diễn viên nhà hát Tuổi Trẻ.

Tình yêu không có chỗ cho sự ích kỷ

Câu chuyện bắt đầu trong một thành phố ở Kavkaz  được cai trị bởi ngài Thống đốc giàu có, dưới quyền vị Đại Công tước. Thống đốc có một đứa con, Michael. Anh trai của Thống đốc, Prince Fat, nổi loạn, giết chết Thống đốc và buộc bà vợ chạy trốn. Trong lúc vội vàng, bà ta bỏ lại đứa con cho Grusha, một cô giúp việc nhà bếp. Cô đã hứa hôn với một người lính tên là Simon. Grusha giấu đứa bé đi, trốn chạy khỏi thành phố, mạo hiểm mạng sống để cứu đứa trẻ. Cô trốn đến nhà anh trai để ẩn náu. Khi mùa xuân đến, anh trai ép cô kết hôn với một người đàn ông ở bên kia núi. Simon trở về và biết rằng cô đã kết hôn. Anh buồn hơn khi nhìn thấy Michael, mà anh cho là con của Grusha. Một số binh sĩ mang Michael đi, tuyên bố rằng Michael thuộc về người vợ của Thống đốc.

Câu chuyện tiếp theo kể về Azdak. Vào cái đêm Prince Fat nổi loạn. Azdak cứu sống Đại Công tước. Trong lúc loạn lạc, những người lính quyết định chọn Azdak làm quan tòa của vùng . Azdak phải xử vụ án Grusha và đứa trẻ. Vợ của Thống đốc muốn Michael trở về với bà bởi vì không có Michael, bà ta không thể kế thừa gia sản của cựu Thống đốc. Grusha lại muốn giữ đứa trẻ, vì cô đã nuôi nấng nó trong hai năm qua.

Azdak vẽ một vòng tròn bằng phấn. Ông đặt thằng bé ở giữa và ra lệnh cho hai người phụ nữ tranh kéo đứa bé về phía mình, nói rằng người nào có thể kéo đứa bé khỏi vòng tròn sẽ được quyền có nó. Vợ Thống đốc ra sức kéo trong khi Grusha buông tay thả đứa bé. Azdak ra lệnh cho họ làm điều đó một lần nữa, và một lần nữa Grusha lại thả tay đứa bé ra. Cô nói: Tôi không thể làm đau đứa trẻ mình yêu thương. Azdak sau đó giao Michael cho Grusha, đuổi vợ Thống đốc đi, và cho phép cô kết hôn với Simon.

Vòng phấn Kavkaz là vở kịch nói về sự ích kỉ và tình yêu của con người. Trong đời sống thông thường, con người sẽ luôn đấu tranh vì quyền lợi của bản thân, tranh giành với người khác. Nhân vật Grusche chính là điểm sáng trong xã hội nhiều toan tính ấy. Tình yêu và sự hy sinh của cô dành cho đứa trẻ chính là tình yêu thương trong sáng đích thực, vượt qua tính ích kỷ thông thường.

Tung hứng trên một sân khấu ước lệ

Được dàn dựng theo phong cách hiện đại bởi bàn tay đạo diễn người Đức Dominik Guenther, Vòng phấn Kazkaz là vở kịch gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem, có lẽ vì sự khác biệt của nó. Kịch của Bertolt Brecht thường có nhân vật dẫn chuyện, vừa làm người dẫn, vừa kiêm vai trò đạo diễn cuộc chơi. Anh ta sẽ sắp xếp diễn viên nào vào vai nào và chỉ cần một cái búng tay, khán giả biết rằng diễn viên bắt đầu diễn, hay nhạc sẽ bật lên hoặc tắt đi. Người dẫn chuyện xuất hiện trong các màn của vở, khi thì dẫn dắt khán giả theo chân nàng Grusche chạy trốn với bao cực nhọc trên đường, lúc lại kể về vị quan tòa nghiện rượu. Anh vừa là người kết nối các tình tiết vở kịch, là người quan sát các diễn viên hóa thân vào nhân vật.

Đây là một phong cách kịch hoàn toàn khác, vì trước nay, kịch Việt Nam thường được dàn dựng kiểu “hiện thực tâm lý”: diễn viên tạo cảm giác vở diễn là thật, diễn viên hóa thân vào nhân vật, và khán giả đắm mình, tin rằng sân khấu là cõi thật ở đâu đó. Nhưng ở vở diễn này thì đạo diễn lẫn diễn viên đều luôn bằng cách trực tiếp hay gián tiếp nhắc khán giả rằng: chúng tôi đang diễn kịch, và các bạn đang xem một tác phẩm sân khấu. Đó cũng là cách thể hiện phong cách kịch đặc trưng của Bertolt Brecht – phong cách “sân khấu gián cách”.

Bài trí sân khấu cũng được tối giản hết mức. Một tấm gỗ khi là giường, khi là chiếc vành móng ngựa, nhưng có lúc nó chính là cây cầu… Trang phục vừa cổ điển, vừa hiện đại đan xen, cảm tưởng như diễn viên tùy ý chọn trang phục theo ý thích của họ. Sự hóa thân của diễn viên là chủ ý khác của đạo diễn nhằm nhắc khán giả rằng họ đang xem kịch. Vòng phấn Kavkaz có khoảng 30 nhân vật, nhưng cả kíp diễn chỉ có 13 diễn viên, mỗi người đảm trách vài nhân vật.  Khán giả ngồi xem thấy diễn viên vừa vào vai này, thoắt cái đã đảm trách vai diễn khác, họ nhận ra diễn viên, và biết rằng đó là một vở kịch trong từng lớp diễn.

Vở kịch này không mang tính chất đóng, mà rất mở. Nó kết nối diễn viên và khán giả. Người ca sĩ – nhân vật đóng vai trò là người kể chuyện, người điều khiển, để lôi kéo khán giả vào vở kịch. Xem kịch của Bertolt Brecht, khán giả sẽ tự đặt câu hỏi cho mình và tìm cách trả lời vấn đề của riêng mình. Khán giả sẽ luôn cùng suy nghĩ với vở kịch, cùng tìm hướng giải quyết chứ không bị động. Khán giả sẽ không bao giờ biết chính xác điều gì đang xảy ra.

Bình luận

comments