Người thầy đầu tiên

Ngày 20-11, chúng ta thường nói tới thầy cô, nhưng theo ý tôi, người thầy / cô lớn nhất và có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong đời – luôn là bố mẹ. Những bài học từ bố mẹ có thể không phải là kiến thức kinh viện, nhưng là những bài học đi theo ta suốt cả cuộc đời.

Khi có con, tôi xác định trách nhiệm của mình với đứa trẻ mình sinh ra rất rõ ràng, vì mình hiểu được tương lai của nó, tính cách, cuộc đời nó sau này phụ thuộc phần vô cùng lớn vào cách mình đối xử, dạy dỗ, nuôi nấng nó từ những năm tháng đầu đời.

Tôi luôn thấy mình vô cùng may mắn vì sinh ra trong gia đình này, với người bố, người mẹ, anh chị này. Và vì vậy, dù cuộc sống của tôi nhìn từ ngoài có vẻ như khó khăn vất vả, nhưng tôi lại thấy nó được trải đầy hoa hồng và tình yêu.

Bố là người thầy đầu tiên và lớn nhất trong đời. Sự miệt mài học tập không ngừng nghỉ của ông là tấm gương cho các con trong nhà noi theo. Ông học trường Pháp từ bé, giỏi tiếng Pháp, tiếng Hán (đã từng đi học cao học hai năm tại Trung Quốc). Tự học tiếng Anh, tiếng Nga tới đọc thông viết thạo. Tới năm ông 50 tuổi, tôi thấy ông bắt đầu tự học tiếng Đức. Tôi không biết ông làm sao mà học được tất cả những điều đó, trong điều kiện vô cùng khó khăn của cái thời xa xưa ấy. Ông bảo tôi: Hồi đó không có tự điển nên khi mượn được bộ nào, ông quý lắm, dành thời gian chép tay lại nguyên cả bộ. Tự điển ông mua từ từ điển phổ thông tới chuyên ngành, mỗi thứ tiếng có cả chục bộ khác nhau để tiện so sánh. Sau năm 75, ông được cử vào Nam để dạy học, mẹ giờ vẫn phàn nàn là gom góp tiền tiết kiệm bảo ông mua cho cái tivi, ông đi mấy tháng xong tha về ba bốn thùng sách to tướng, thậm chí búp bê cho con cũng quên không mua!

Bố tôi không mua sắm bất cứ thứ gì trong đời, ngoại trừ sách. Từ bé tôi đã lớn lên trong một không gian chất chứa sách. Mới 8 tuổi, ông đã lập cho tôi tủ sách riêng. Nhà ba anh chị em, mỗi người một tủ riêng, sách riêng. Tủ của ông chứa hàng trăm bộ sách văn học,triết học, lịch sử, tôn giáo, khảo cứu, chính trị … tiếng Anh/Pháp/Hán/Nga. Năm ông bị liệt giường, đã 85 tuổi, có lần mẹ mang ở chùa về tấm tranh lụa có viết bài thơ chữ Hán, tôi đùa đùa hỏi ông: Bố có biết họ viết gì không?. Ông nằm ở giường ngước nhìn tranh (lúc đó 1 bên mắt đã bị hỏng hẳn không nhìn được), và run run giọng đọc bài cổ thi như ta đọc chữ quốc ngữ vậy. Tôi ngồi làm việc cạnh ông, thi thoảng có từ tiếng Anh nào không hiểu thì lại hỏi ông, y như cuốn từ điển sống, từ nào cũng biết.

Bố tôi không tham gia chính trị, không thích viết sách, ngoại trừ sách giáo khoa cho sinh viên và tài liệu nghiên cứu. Tôi vẫn thấy buồn vì điều đó, nhưng ông chỉ cười và bảo: “Chữ Danh rốt cuộc cũng chỉ là Không, con ạ. Mọi thứ trên đời đều đã được viết ra hết rồi, không cần thêm bố nữa”. Để nghiên cứu Phật học, sau khi nghỉ hưu, ông dành 10 năm tu tại gia chuyên cần học hỏi. Ông tự học đàn, học nhạc lý, tự học yoga và khí công chữa bệnh, do sức khỏe ông vốn yếu. Ông tự chép tay nguyên bộ sách yoga bằng tiếng Anh, do thời đó chưa có sách và lớp dạy.

Bố tôi luôn chán ghét cuộc sống phù phiếm, lãng phí, thiên về vật chất bên ngoài. Bố chẳng bao giờ mua sắm gì cho tôi, nhưng chịu khó đưa tôi đi chơi, xem kịch, không bao giờ ngần ngại trả lời các câu hỏi. Bố ít ép con cái học hành, nhưng anh chị tôi đều học rất giỏi và giống ông ở chỗ dành trọn thời gian mình cho học tập, nghiên cứu. Anh trai học tiến sĩ ở Pháp, chị gái học tiến sĩ ở Đức, hai anh chị đều là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, chủ nhiệm khoa hoặc giảng dạy ở các nơi … Hai anh chị tôi đều thông thạo hai ba thứ tiếng. Tôi nghĩ rằng, chính vì mỗi ngày nhìn thấy bố miệt mài học hỏi như vậy, nên các con giống như tự động thấy một tấm gương.

Tôi là đứa mải chơi, thích văn chương, thích sống tự do bay nhảy, nên khác với anh chị trong nhà. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nhận ra rằng bố là người ảnh hưởng mạnh nhất tới mình, từ tính cách, sự lựa chọn giá trị sống, niềm đam mê … 7 tuổi bố tôi đã dạy tôi chơi đàn, học ngoại ngữ … ông trao cho tôi những cơ hội thử nghiệm, và tôi có sự lựa chọn của mình. Ông là người dành bao thời gian cho tôi, luôn ở bên tôi, dù chẳng mấy khi nói gì, nhưng luôn khiến tôi cảm thấy tình yêu âm thầm của người.

Có thể nói, bố tôi là người thầy đầu tiên và người thầy lớn nhất trong đời tôi, người dạy tôi giá trị của kiến thức, học vấn, giá trị của sự tự do khi ta thoát khỏi bẫy vật chất và tư tưởng; giá trị của việc làm người – thông qua chính cuộc đời mình.

Ngày hôm nay, thấy nhớ ông da diết!

Bình luận

comments