Hương thời gian

1. Giữa những người bạn nam giới của tôi, anh khá là khác biệt. Thanh nhã, mực thước, lịch sự và nghiêm cẩn với phong thái vừa nghệ sĩ, vừa nhà giáo – cổ điển một cách chuẩn mực. Thế nhưng khi nghe anh trò chuyện với mẹ bằng cái giọng vừa tình cảm, vừa quấn quit yêu thương, thì giống như ta đang nghe một cậu bé còn ở tuổi học trò. Ngồi uống trà tối với anh, không lần nào không thấy mẹ anh gọi, nhắc nhở con trai về sớm, mặc thêm áo kẻo lạnh, hỏi con hôm nay thế nào, tối nay con muốn ăn gì… Hai mẹ con sống cùng nhau trên đất Hà Nội, gặp nhau mỗi ngày, ấy vậy mà người mẹ ấy vẫn luôn đắm đuối vì con – cứ như con trai mẹ vẫn cứ là chàng trai ngộc nghệch bé nhỏ ngày nào chứ không phải là một nghệ sĩ độc tấu violon tài năng và chủ nhiệm khoa Giao hưởng tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Sự ấm áp gắn kết mẹ con ấy gợi trong tôi một hoài niệm quá khứ mới đây mà như đã quá xa xôi. Hà Nội của những năm xưa cũ giữa thế kỷ trước, với những gia đình trí thức, nghệ sĩ vào thời kỳ ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa trong thời điểm giao thoa phong kiến và thuộc địa. Đó là những gia đình có lối sống trầm lặng, sâu sắc, từ tốn và đầy “Hà nội tính” – một thuộc tính khó diễn tả, nhưng có thể tóm tắt bằng vài tính từ đơn giản: mô phạm, mực thước kiểu nho giáo, lại pha lẫn nét quý phái ngọt ngào, tinh tế theo phong cách Pháp. Nơi mỗi tiểu tiết trong cuộc sống đơn giản hàng ngày cũng được người mẹ nền nếp Hà Nội duy trì theo lối cổ, nhiều khi tưởng như cầu kỳ thái quá, nhưng nó lại chính là điều từng làm nên cái hồn riêng của người đất kinh kỳ kẻ chợ.

Gia đình nghệ sĩ Bùi Trị Điền, người bạn của tôi, có lẽ là một trong rất ít gia đình Hà Nội còn giữ gần như nguyên vẹn cái hồn muôn năm cũ của Hà nội ba mươi sáu phố phường – dẫu nghệ sĩ và gia đình đã và đang sống và biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, một cuộc sống có vẻ rất hiện đại.

2. Mẹ. Nghệ sĩ piano Thái Thị Sâm, nàng Mona Lisa Việt Nam, người phụ nữ đã đi vào trong tranh của Hoàng Lập Ngôn, Văn Cao, người phụ nữ đã làm rung động trái tim biết bao người không chỉ bởi vẻ đẹp dịu dàng của một thiếu nữ con nhà đài các mà còn bởi tài năng piano từ khi còn rất trẻ. Tà áo dài chơi piano giữa hồ Gươm ngày giải phóng Thủ đô 1954 là một hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa cao nhã của bà năm mới mười sáu tuổi. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đã vẽ bà trong bức tranh nổi tiếng Thiếu nữ Việt Nam của ông.

Cô thiếu nữ chơi piano ngày đó trở thành nhà giáo dạy nhạc cho rất nhiều thế hệ học sinh piano tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Là người mẹ của một gia đình hiếm hoi mà mọi người con đều thành công rực rỡ từ con tới dâu rể. Gia đình bà không chỉ có một mà tới sáu tay đàn bác học. Ngoài mẹ, bốn người con của bà là Bùi Trị Điền (violon), Bùi Thái Hồng Nga, Bùi Thái Khánh Linh, Bùi Thái Lệ Hoa và cô con dâu Bùi I-ri-na (piano) đều là những nghệ sĩ, giảng viên xuất sắc trong nước và nước ngoài.

Ngôi nhà ở 42 Hàng Bè, nơi bà ở với chồng, một nhà trí thức lớn, bác sĩ Bùi Đức Lân, cũng là điểm hẹn của những văn nghệ sĩ lừng lẫy một thời như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyên Hồng, Trịnh Công Sơn… tới giờ vẫn là một chốn đi về thân quen của rất nhiều văn nghệ sĩ.

3. Con trai. Nghệ sĩ Violon Bùi Trị Điền, mười tám năm sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Anh là nghệ sĩ độc tấu violon danh tiếng ở Việt Nam. Tài năng cộng với sự rèn luyện khắc nghiệt bao năm tháng đã mang lại cho anh cuộc sống thành công ở nước ngoài, nhưng chính tình yêu và sự gắn bó với gia đình, nhất là với mẹ, đã đưa anh rời khỏi nước Pháp, nơi anh sống và biểu diễn, dạy học nhiều năm để quay về Hà Nội làm việc và chăm sóc bố mẹ già. Khi tôi hỏi anh có bao giờ tiếc nhớ Cannes, nơi anh từng sống không, thì anh nói anh thích Cannes, nhưng nơi nào có mẹ là nơi đó anh thích sống nhất.

“Tôi là con trai duy nhất trong nhà, ông bà nội ngoại rất gia giáo, thậm chí cổ hủ. Thế nhưng tôi lại lấy vợ nước ngoài. Cô ấy người Nga, là nghệ sĩ piano của Nhà hát Nhạc vũ kịch. Hai người phụ nữ của tôi không chỉ là mẹ chồng – nàng dâu, mà còn là đồng nghiệp và cũng gần như là bạn. Cả mẹ và vợ tôi đều không dùng người giúp việc để được tự tay chăm con, có sự quan tâm tốt nhất cho con. Bố mẹ tôi luôn dạy con phải biết nghĩ đến người khác. Hồi bé, đi sơ tán, mọi người thấy tôi nhỏ cho nên dành ghế trên ô-tô cho ngồi. Lúc đó, mới năm tuổi, tôi đã biết trả lời: Con không ngồi, để nhường cho các cô giáo là phụ nữ, là con trai phải nhường chứ ạ. Đấy chính là điều mẹ tôi đã luôn rèn cặp, nhắc nhở tôi hằng ngày.

Mỗi dịp năm mới, gia đình tôi đều dành trọn ngày cuối năm và ngày đầu năm để chơi nhạc, chơi cho nhau nghe và chơi cùng nhau, như giờ phút thiêng liêng dành trọn vẹn cho âm nhạc và sự hướng thượng trong trải nghiệm tâm linh sâu sắc. Đó là hai tôn giáo của chúng tôi”

4. Câu chuyện về mẹ và con trai của gia đình nghệ sĩ Hà Nội, khiến tôi thấy bồi hồi khi ngưỡng mộ cách gia đình ấy vẫn giữ được hồn xưa nét cũ, trong khi thế sự xung quanh dâu bể, bao nét đẹp cổ điển đã bị lãng quên.

Dòng chảy thời gian luôn luôn bào mòn những bờ bến cũ, bồi đắp nên bờ bến mới, nhiều vẻ đẹp xưa giờ đã mất đi dưới tác động của biến động lịch sử, thế nhưng giống như mỗi mùa ngày cuối năm, hương lá mùi già nấu trong nồi nước tắm tất niên lại man mác báo cho ta biết rằng tết lại đến – xuân lại về … Mùi hương xưa cũ rất Hà nội ấy không biết sẽ còn lưu giữ bao lâu nữa trong truyền thống Hà nội, cũng như vẻ đẹp âu yếm mà tao nhã của đời sống gia đình Hà Nội rất Hà Nội của một thời thanh lịch kinh kỳ này không biết có mấy ai còn may mắn được chứng kiến, như tôi.

 

Bình luận

comments